Tin tức

Dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm

Ngày 12/05/2015
THANH MAI
Những năm gần đây, dịch HIV/AIDS đã có chiều hướng giảm nhưng mỗi năm vẫn phát sinh hàng nghìn người nhiễm mới. Ðó là một trong những yếu tố làm tăng gánh nặng chữa trị, chăm sóc... Nếu không làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS thì nguy cơ dịch lan truyền ra cộng đồng là rất lớn.


Nhân viên tiếp cận cộng đồng (người ngoài cùng bên phải) phát tờ rơi truyền thông phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại TP Tuy Hòa (Phú Yên).    Ảnh: Y LAN
Nhân viên tiếp cận cộng đồng (người ngoài cùng bên phải) phát tờ rơi truyền thông phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS tại TP Tuy Hòa (Phú Yên).    Ảnh: Y LAN

Theo TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS ( Bộ Y tế) cho biết, so với năm đỉnh của dịch HIV/AIDS (năm 2007), thì hiện nay số ca mắc đã giảm gần 60%. Mặc dù dịch có giảm, nhưng giảm chưa sâu, chưa bền vững. Trong khi đó, dịch diễn biến ngày càng phức tạp cả về quy mô lẫn hình thức lây nhiễm và đã xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 8-2014, cả nước có 223.130 người nhiễm HIV được báo cáo. Số người nhiễm HIV mới ngày càng gia tăng, đối tượng nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa, trong đó nhóm tuổi từ 16 đến 39 chiếm 79% tổng số người nhiễm. Tỷ lệ người nhiễm HIV được phát hiện lây truyền qua đường tình dục ngày càng cao, trong khi lây truyền qua đường máu đã có xu hướng giảm. Trong giai đoạn (từ năm 2013 đến 2014), số người lây truyền qua đường tình dục chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 45%), tiếp đến số lây truyền qua đường máu (chiếm 42,4%) tỷ lệ nhiễm HIV lây truyền từ mẹ sang con là 2,4%. Ðáng chú ý, vẫn còn tới 10,1% số người nhiễm HIV không rõ đường lây truyền. Dịch HIV vẫn tập trung chủ yếu ở ba nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao như: người nghiện chích ma tuý; nam quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ bán dâm. Nhóm nghiện chích ma túy hơn 13%, cứ 100 người nghiện chích ma tuý thì có hơn 13 người nhiễm HIV. Trong nhóm nữ bán dâm là 3% (tỷ lệ này cao hơn so với tỷ lệ trung bình của một số nước trong khu vực). Ðiều đáng lo ngại ở nhóm nguy cơ cao là chưa có ý thức được hành vi, cho nên tỷ lệ của các nhóm nghiện chích ma túy dùng bơm tiêm chung vẫn cao, phụ nữ bán dâm không dùng bao cao-su thường xuyên...

Theo các số liệu giám sát của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, một số tỉnh có tỷ lệ lây nhiễm HIV cao nhất cả nước (tính trên tỷ lệ 100 nghìn dân) như: Ðiện Biên (1.029), TP Hồ Chí Minh (682), Thái Nguyên (632). So sánh tỷ lệ nhiễm HIV/100 nghìn dân theo khu vực thì cao nhất là tại miền Ðông Nam Bộ (408/ 100 nghìn dân), tiếp đến là khu vực miền núi phía bắc (375/100 nghìn dân). Bên cạnh đó, mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS hiện nay còn hạn chế. Theo thống kê, số lượng bao cao-su mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, việc điều trị mới đáp ứng được 37% số người nhiễm HIV. Một khó khăn rất lớn của công tác phòng, chống HIV/AIDS mà nước ta đang phải đối mặt là hiện nay nguồn kinh phí cho công tác này từ những năm trước chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài, thì hiện nay đang bị cắt giảm. Trong khi đó, ngân sách Nhà nước cũng giảm từ 245 tỷ đồng (năm 2013) xuống chỉ còn 85 tỷ đồng (năm 2014). Nhiều dự án viện trợ từ các tổ chức quốc tế đã kết thúc và một số dự án khác đã bị giảm mạnh kinh phí...

Từ những con số nêu trên, theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, nếu không có những giải pháp mạnh, triệt để thì nguy cơ dịch bùng nổ trở lại là điều khó tránh khỏi. Ðể công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt kết quả bền vững, ngành y tế sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng các dịch vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Triển khai các hình thức, chương trình dự phòng mới cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao-su và các mô hình kết hợp các biện pháp can thiệp trong hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Mở rộng phạm vi dịch vụ khám và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục với việc lồng ghép khám sức khỏe định kỳ. Xây dựng các hướng dẫn về điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV, trong đó chú trọng các biện pháp điều trị dự phòng phổ cập ngoài cơ sở y tế. Tăng cường đầu tư, giám sát việc dự phòng lây nhiễm HIV qua các dịch vụ xã hội và y tế, trong đó chú trọng việc cung cấp trang thiết bị bảo đảm cho công tác xét nghiệm di động. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng phạm vi cung cấp, bảo đảm tính liên tục và dễ tiếp cận của dịch vụ điều trị bằng thuốc kháng vi-rút (ARV), điều trị nhiễm trùng cơ hội, lao cho người nhiễm HIV, điều trị dự phòng lây truyền mẹ con thông qua việc đưa công tác điều trị về tuyến y tế cơ sở, lồng ghép với các chương trình y tế khác. Nâng cao chất lượng các dịch vụ điều trị, bảo đảm để người nhiễm HIV được tiếp cận với thuốc ARV; đồng thời khuyến khích các bài thuốc y học cổ truyền nhằm nâng cao thể trạng và tăng cường hệ miễn dịch cho người nhiễm HIV.

Nhiều ý kiến cho rằng, song song với việc hỗ trợ các dịch vụ, chương trình dự phòng cần phải đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ vật chất, tinh thần cho người nhiễm HIV và gia đình họ để người nhiễm HIV ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Và điều quan trọng cần tuyên truyền hơn nữa để cộng đồng hiểu về dịch HIV để người dân không phân biệt đối xử kỳ thị với người nhiễm HIV. Ðây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng dịch HIV.


Chín tháng đầu năm 2014, có gần 89 nghìn người nhiễm HIV được điều trị ARV (chiếm 37% tổng số người nhiễm HIV); gần 4.500 em nhỏ được điều trị ARV (chiếm 90% số trẻ em nhiễm HIV). Chín tháng đầu năm 2014 đã phát hiện gần 8.500 ca nhiễm HIV mới và hơn 1.500 người đã tử vong do AIDS.

Nguồn: nhandan.org.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.