Tin tức

Điểm danh những phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối

Ngày 19/02/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Bệnh thoái hóa khớp gối xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, hiện nay người bệnh có thể áp dụng nhiều cách khác nhau để cải thiện những triệu chứng do căn bệnh này gây ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp liệt kê các phương pháp giúp điều trị bệnh thoái hóa khớp gối hiệu quả và những lưu ý quan trọng trong quá trình điều trị.

1. Giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý

Tình trạng thừa cân béo phì là một trong những yếu tố khiến khớp gối bị yếu đi và dễ bị viêm do phải gánh một trọng lượng lớn trong thời gian dài. Do đó giảm cân và duy trì mức cân nặng hợp lý sẽ có tác dụng giúp cải thiện các cơn đau do viêm khớp gối gây ra, hạn chế nguy cơ thoái hoá khớp gối. 

Không chỉ tốt cho hệ xương khớp, việc giảm cân còn có tác dụng phòng ngừa sự phát triển của các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp,...

Duy trì cân nặng hợp lý sẽ hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp gối

Duy trì cân nặng hợp lý sẽ hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp gối

2. Thực đơn dinh dưỡng dành cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối

Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe xương khớp của người bệnh. Tuy rằng các chất dinh dưỡng trong cơ thể sẽ không giúp tình trạng thoái hóa được điều trị khỏi hoàn toàn nhưng lại có tác dụng tăng cường độ linh hoạt, chắc khoẻ của sụn khớp, kiểm soát tốt cân nặng, hạn chế nguy cơ viêm khớp tái phát. 

Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C, omega-3, beta-carotene,... vừa giúp tăng cường sức đề kháng vừa giúp phòng ngừa thoái hóa khớp gối.

3. Thường xuyên tập thể dục 

Người bị thoái hóa khớp gối có thể thử luyện tập các bài vận động nhẹ nhàng để cải thiện triệu chứng đau nhức ở vị trí này. Một số bài tập mà bệnh nhân nên thực hiện bao gồm: đi bộ, đạp xe, thái cực quyền, bơi lội, tập co duỗi cơ và yoga.

Bên cạnh đó, bệnh nhân thường được khuyến khích nên tuân theo hướng dẫn tập luyện của các chuyên gia để đảm bảo sự dẻo dai cho xương khớp và duy trì thói quen, động lực tập luyện.

Tập thể dục là phương pháp giúp giảm thiểu những cơn đau do thoái hóa khớp gối

Tập thể dục là phương pháp giúp giảm thiểu những cơn đau do thoái hóa khớp gối

4. Một số liệu pháp thay thế

Người bệnh cũng có thể áp dụng các liệu pháp thay thế trong điều trị bệnh thoái hóa khớp gối, điển hình là:

  • Massage, xoa bóp vùng khớp gối: những người bị thoái hóa khớp gối dễ gặp phải hiện tượng co thắt cơ nên để làm dịu bớt cảm giác khó chịu và các cơn đau nhức, người bệnh nên thường xuyên xoa bóp khớp gối để kích thích tuần hoàn máu đi đến vị trí này. Tuy nhiên cần lưu ý thực hiện đúng kỹ thuật massage để thu được hiệu quả như mong đợi.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh: liệu pháp này có tác dụng giảm sưng và cải thiện tình trạng cứng khớp.
  • Đảm bảo chất lượng giấc ngủ: những cơn đau ở khớp gối có thể khiến người bệnh bị khó ngủ, trằn trọc, từ đó ảnh hưởng tới trạng thái tinh thần vào ban ngày. Do đó, để bệnh thoái hóa khớp không làm giảm chất lượng giấc ngủ, người bệnh nên đi ngủ đúng giờ, trước khi ngủ nên hạn chế sử dụng điện thoại, TV, máy tính, kê cao chân để giảm thiểu áp lực máu dồn lên khớp gối.

5. Bảo vệ đầu gối bằng nẹp

Một trong những công cụ y tế có tác dụng giúp cải thiện hiệu quả tình trạng thoái hóa khớp gối đó là dụng cụ nẹp đầu gối. Dụng cụ này không những giúp giảm tải áp lực đè lên vùng khớp gối mà còn có thể giúp người bệnh đi lại dễ dàng hơn. 

Hiện nay có nhiều loại nẹp gối khác nhau người bệnh có thể chọn lựa, chẳng hạn như nẹp hỗ trợ phục hồi chức năng, nẹp giảm áp,... Bác sĩ sẽ tư vấn loại nẹp phù hợp đối với từng trường hợp bệnh nhân.

Hãy dùng nẹp y tế để bảo vệ vùng đầu gối trước nguy cơ thoái hóa và chấn thương

Hãy dùng nẹp y tế để bảo vệ vùng đầu gối trước nguy cơ thoái hóa và chấn thương 

6. Sử dụng thuốc giảm đau trong điều trị thoái hóa khớp gối

Nếu những phương pháp trên không giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh thì thuốc giảm đau được cho là biện pháp điều trị hiệu quả hơn:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn: nhóm thuốc NSAIDs (ibuprofen, aspirin,...) hay paracetamol,...
  • Thuốc giảm đau kê đơn: chỉ định trong trường hợp các thuốc không kê đơn không mang lại hiệu quả. Bác sĩ sẽ tư vấn những loại thuốc tối ưu hơn, trong đó có thuốc NSAIDs chọn lọc COX-2 ít gây tác dụng phục về thận và dạ dày hơn so với nhóm NSAIDs.
  • Thuốc giảm đau theo dạng gel hoặc kem bôi ngoài da cũng có thể được sử dụng.

Nhưng người bệnh cần lưu ý rằng các loại thuốc này cũng chỉ có thể hỗ trợ làm giảm bớt tình trạng đau nhức khớp gối chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh thoái hóa khớp gối. Ngoài ra, người bệnh cần được thăm khám và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

7. Tiêm nội khớp

  • Tiêm steroid: bệnh nhân có thể tiêm corticosteroid hoặc glucocorticoid nếu thoái hóa gây viêm khớp gối nghiêm trọng. Thuốc được tiêm trực tiếp vào khớp gối sẽ giúp giảm đau nhức hay sưng cứng. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi vì steroid có thể khiến lớp sụn ở khớp gối bị bào mòn.
  • Tiêm PRP: đây là một loại huyết tương chứa gấp 2 - 8 lần lượng tiểu cầu so với huyết tương bình thường của cơ thể. Việc tiêm chế phẩm này vào khớp gối đang bị thoái hóa sẽ giúp hỗ trợ quá trình lành thương, khớp gối nhờ đó sẽ giảm thiểu đau nhức và cải thiện chức năng vận động hàng ngày.
  • Tiêm các thuốc khác: tế bào gốc (kích thích phát triển mô mới nhằm thay cho những mô bị tổn thương ở khớp gối), axit hyaluronic (xoa dịu cơn đau và bôi trơn khớp gối).

8. Điều trị bệnh thoái hóa khớp gối bằng phẫu thuật

Nếu tình trạng thoái hóa ở mức nghiêm trọng, các biện pháp bảo tồn không có hiệu quả thì phẫu thuật được xem là lựa chọn thay thế phù hợp. Có 2 loại phẫu thuật chủ yếu trong điều trị bệnh thoái hóa khớp gối đó là:

  • Phẫu thuật nội soi: đây được coi là kỹ thuật tiên tiến giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ tổn thương mô xung quanh và hạn chế tối đa các biến chứng phát sinh. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ bớt cảm thấy đau đớn hay mất quá nhiều máu khi thực hiện phẫu thuật. 
  • Phẫu thuật thay khớp gối: những bộ phận đã bị hư hại sẽ bị loại bỏ ở vùng khớp gối thông qua phẫu thuật thay khớp. Song song với đó, khớp nhân tạo làm từ vật liệu sinh học hay kim loại sẽ được dùng để thay thế chỗ khớp bị hỏng và những vật liệu này có độ bền cũng rất dẻo dai. 

Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân

Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân

Đối với những người phải phẫu thuật khớp gối thì cần phải đảm bảo vết mổ luôn được giữ gìn sạch sẽ và khô ráo. Cho dù điều trị bằng phương pháp xâm lấn hay bảo tồn, người bệnh vẫn cần phải tuân thủ hướng dẫn tập luyện các bài vật lý trị liệu để giúp phục hồi chức năng vận động bình thường cho khớp gối.

Để được giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến tình trạng thoái hóa khớp gối và cần hỗ trợ đặt lịch khám cùng bác sĩ Chuyên khoa Cơ Xương khớp, quý bạn đọc hãy liên hệ ngay với tổng đài 1900 56 56 56, tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ 24/7.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.