Tin tức
Điều trị hội chứng cai rượu
Hội chứng cai rượu là gì?
Ở người nghiện rượu có tình trạng "quen rượu" hay nói khác đi, các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là hệ thần kinh đã trở nên phụ thuộc rượu. Rượu khi vào cơ thể đã làm giảm hoặc mất tác dụng của chất Gamma aminobutiric acide- là một chất ức chế thần kinh, làm ảnh hưởng tới các chất dẫn truyền thần kinh khác như: glutamate, adrenaline, noradrenaline và trục nội tiết dưới đồi - tuyến yên. Khi ngừng hoặc giảm uống rượu cơ thể không kịp thích nghi nên kết quả là hàng loạt triệu chứng của hội chứng cai rượu xảy ra.
Bên cạnh việc chủ động bỏ rượu (chỉ ở một số rất ít người), có nhiều yếu tố khiến cho người nghiện bỏ rượu đột ngột dẫn đến xuất hiện hội chứng cai rượu như bệnh nhân bị sốt virut, nhiễm khuẩn (hay gặp viêm phổi, nhiễm trùng tiết niệu, viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết…), xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan rượu, chấn thương sọ não, tụ máu dưới màng cứng mạn tính, các stress trong gia đình và xã hội… Các yếu tố này có thể cộng hưởng với nhau khiến cho bệnh nhân đang uống một lượng rượu rất lớn đột ngột phải dừng khiến cho cơ thể không kịp thích nghi.
Đa số các trường hợp nghiện rượu nặng là những người nghèo nên rượu họ uống hàng ngày không phải là rượu tinh khiết mà thường là rượu có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, lượng aldehyde trong những loại rượu này có nồng độ rất cao và trong nhiều trường hợp còn có chứa cả methanol, một loại rượu cực độc chỉ được dùng làm dung môi trong công nghiệp, vì vậy, hội chứng cai rượu ở những đối tượng này thường kèm thêm những tổn thương nặng ở các cơ quan như gan, thận, mắt, tim, thần kinh với một tình trạng suy dinh dưỡng hết sức nặng nề.
Biểu hiện như thế nào?
Thông thường, các triệu chứng của hội chứng cai rượu xuất hiện sau khi giảm hoặc dừng uống rượu 12 - 24 giờ. Đầu tiên, bệnh nhân thấy mệt mỏi, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, run tay, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu mất ngủ, ác mộng, tăng huyết áp, hạ thân nhiệt, tê bì hai chi dưới, chuột rút, đau mỏi các cơ, bỏ ăn hoặc ăn uống kém. Nhiều bệnh nhân có triệu chứng co giật cục bộ hoặc toàn thân, trong ngày có thể tới 4 - 5 cơn và bệnh nhân nghiện rượu càng nặng, càng lâu thì cơn co giật càng lớn và kéo dài. Sau đó vài ngày, bệnh nhân xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, kích thích rung giật, nói lảm nhảm, sảng run, mất định hướng. Kèm theo các triệu chứng của hội chứng cai rượu là một tình trạng suy kiệt nặng; nhiễm khuẩn ở một số nơi như đường hô hấp, tiết niệu; các triệu chứng của xơ gan: hoàng đản, cổ chướng, tuần hoàn bàng hệ, lách to và các biểu hiện của tiền hôn mê gan, hôn mê gan thực sự khiến cho bệnh cảnh lâm sàng của hội chứng cai rượu thêm nặng nề và phức tạp.
Điều trị và dự phòng
Dù trong bất cứ trường hợp nào, khi đã có hội chứng cai sau khi giảm hoặc dừng uống rượu đều chứng tỏ bệnh nhân đã nghiện rượu một thời gian rất dài hay nói khác đi, bệnh nhân đã bị "ngộ độc rượu mạn tính" và các cơ quan trong cơ thể đã bị tổn thương nặng nề do rượu. Vì vậy, việc điều trị hội chứng cai rượu sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Đầu tiên, các thuốc điều trị triệu chứng sẽ được sử dụng như chống kích thích, co giật, run bằng thuốc nhóm benzodiazepin: diazepam, lorazepam hoặc phenytoin… uống hoặc tiêm (bắp hoặc tĩnh mạch). Trong trường hợp bệnh nhân có hoang tưởng, ảo giác có thể cho thêm haloperidol uống và co giật nhiều thì phối hợp thêm carbamazepine. Một số các thuốc khác cũng được sử dụng phối hợp điều trị như barbiturates, clonidine, flumazenil, cafein và thậm chí cả… rượu (với mục đích làm giảm triệu chứng thiếu rượu, sau đó sẽ giảm dần liều) trong một số ca nặng. Bên cạnh đó, hết sức cần thiết đảm bảo cho bệnh nhân một chế độ dinh dưỡng tốt qua ăn uống hoặc truyền dịch, bồi phụ đủ các chất điện giải như kali, natri, canxi, các yếu tố vi lượng, các vitamin như B1, B6, B12… Và điều trị những bệnh lý kèm theo như nhiễm khuẩn, chấn thương, tai biến mạch não, cơn tăng huyết áp, hội chứng não gan.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!