Tin tức

Đo điện tâm đồ để chẩn đoán sớm bệnh mạch vành

Ngày 05/05/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Bệnh mạch vành có nguy cơ gây tử vong cao. Do đó, việc phát hiện bệnh sớm chính là cách tốt nhất để kiểm soát và điều trị bệnh. Đo điện tâm đồ là một phương pháp quan trọng trong chẩn đoán căn bệnh này. 

1. Một số thông tin về bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành xảy ra khi những mảng xơ vữa làm hẹp lòng động mạch vành khiến tim không được cung cấp đủ máu. Nếu không được điều trị sớm có thể gây hoại tử cơ tim và thậm chí là tử vong. 

1.1. Triệu chứng của bệnh

- Tùy từng tình trạng bệnh mạch vành cấp tính hay mạn tính mà tính chất đau cũng khác nhau. Ví dụ như khi có hội chứng mạch vành cấp tính thì có thể xuất hiện các triệu chứng như sau: Đau nhiều vùng ngực trái, sau xương ức. Đôi khi đau như có vật gì đó đè lên ngực, đau như có cảm giác bị bóp nghẹt hay cũng có thể gặp phải dạng đau thắt ngực.Cơn đau kéo dài trên 20 phút. 

Đau thắt ngực là một biểu hiện của bệnh mạch vành

Đau thắt ngực là một biểu hiện của bệnh mạch vành

Những cơn đau thường tăng lên khi người bệnh gắng sức hoặc gặp phải một số vấn đề về tâm lý, cảm xúc,... Khi bị đau, mặc dù đã nghỉ ngơi nhưng người bệnh vẫn không cảm thấy dễ chịu hơn. Thời gian đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ. Không chỉ đau ở phần ngực mà cơn đau còn có thể lan rộng ra vùng cổ, lưng, cánh tay hoặc đau lan xuống dạ dày. 

Đối với hội chứng mạch vành  mạn tính thì các triệu chứng nhẹ hơn nhiều, chủ yếu là các cơn đau ngực ngắn vài giây, vài phút và không quá 15 phút, không lan,... Cơn đau tự hết và xét nghiệm men tim không tăng.

- Một số triệu chứng khác như khó thở, chóng mặt, thường xuyên bị vã mồ hôi, ngất hoặc gần ngất. 

- Ở một số bệnh nhân, đặc biệt là các trường hợp người già hoặc người mắc tiểu đường, những triệu chứng bệnh thường không rõ ràng. Người bệnh có thể không gặp phải những biểu hiện đau thắt ngực hay các triệu chứng đi kèm nêu trên mà có thể gặp phải những biểu hiện không đặc trưng như đau vùng thượng vị, mệt mỏi,... Chính vì thế, rất dễ bỏ sót bệnh ở những trường hợp này. 

1.2. Yếu tố làm tăng nguy bệnh mạch vành

Những mảng xơ vữa chính là nguyên nhân gây bệnh. Do đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh chính là những yếu tố làm tăng xơ vữa động mạch. Bao gồm: 

- Cao huyết áp. 

- Bệnh tiểu đường. 

- Rối loạn lipid máu. 

Bệnh mạch vành có nguy cơ tử vong cao

Bệnh mạch vành có nguy cơ tử vong cao

Những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh mạch vành là: 

- Người có thói quen hút thuốc lá. 

- Người cao tuổi. 

- Có tiền sử gia đình về bệnh tim. 

- Người thừa cân, béo phì. 

- Người ít vận động. 

- Các trường hợp hay bị căng thẳng do công việc hoặc những vấn đề trong cuộc sống. 

- Người ăn uống không khoa học, thường xuyên ăn một số loại thực phẩm như chất béo, thịt mỡ, đồ chiên xào, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn có chứa nhiều muối,...

- Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. 

- Các trường hợp mắc bệnh suy thận mạn, bệnh tự miễn, rối loạn lipid máu,...

2. Vai trò của đo điện tâm đồ trong chẩn đoán bệnh mạch vành

Đo điện tâm đồ ECG được áp dụng để ghi lại tín hiệu điện trong tim. Phương pháp này an toàn, không gây đau cho người bệnh, có thể cho kết quả nhanh chóng và chính là một trong những phương pháp phổ biến để phát hiện sớm những bất tường về tim mạch. 

Người bệnh nằm trên giường và được gắn điện cực vào các vùng cơ thể

Người bệnh nằm trên giường và được gắn điện cực vào các vùng cơ thể

Trong chẩn đoán bệnh mạch vành, đo điện tâm đồ cũng chính là phương pháp rất quan trọng. Nhờ kết quả điện tâm đồ, các bác sĩ có thể nhận biết rõ những vùng cơ tim nào đang bị tổn thương, mức độ lan rộng của tổn thương đang như thế nào, có xảy ra tình trạng giãn buồng tim hoặc rối loạn nhịp tim không, có bất thường ở hệ dẫn truyền trong tim không,... Đây đều là những dấu hiệu có liên quan đến bệnh mạch vành. 

Kết quả đo điện tâm đồ cũng cho biết người bệnh có bị thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim trước đó hay không. “ST” là đoạn sóng điện tim trên kết quả điện tâm đồ. Bình thường ST là một đường nằm ngang. Tuy nhiên, khi xảy ra nhồi máu cơ tim, đường ST sẽ chênh lên. Đây được đánh giá là dấu hiệu chẩn đoán nhồi máu cơ tim nhanh, chính xác mà không tốn nhiều chi phí. Nhờ vậy, bệnh nhân có thể được cấp cứu kịp thời và tăng cơ hội sống. Điện tâm đồ cũng là phương pháp được áp dụng để đánh giá và theo dõi điều trị sau khi đặt stent mạch vành.

Ngoài đo điện tâm đồ, để chẩn đoán bệnh mạch vành và một số bệnh tim mạch khác, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số phương pháp chẩn đoán sau: 

- Chụp X-quang tim phổi.

- Siêu âm tim Doppler màu.

- Test gắng sức. 

- Chụp MSCT động mạch vành.

- Thông tim: Đây là biện pháp có xâm lấn, chỉ được thực hiện khi cần thiết và người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế nguy cơ biến chứng. 

3. Khi nào bạn cần đo điện tâm đồ?

Bạn cần đo điện tâm đồ khi có một trong các triệu chứng sau:

- Đau ngực

- Thường xuyên bị chóng mặt. 

- Bị ngất hoặc gần ngất. 

- Hay có cảm giác hồi hộp. 

- Khó thở. 

- Giảm khả năng vận động khi gắng sức. 

- Luôn cảm thấy mệt mỏi

Nếu có biểu hiện bất thường nghi ngờ bệnh tim mạch, cần đi khám sớm

Nếu có biểu hiện bất thường nghi ngờ bệnh tim mạch, cần đi khám sớm

Trước khi đo điện tâm đồ, người bệnh thường không cần chuẩn bị gì đặc biệt. Người bệnh nằm trên giường và được gắn điện cực vào các vùng cơ thể như vùng ngực và chân, tay. Trong trường hợp có nhiều lông ngực, chuyên gia có thể yêu cầu bệnh nhân cao lông để không gây ảnh hưởng đến kết quả đo điện tâm đồ. 

Người bệnh chỉ cần nằm yên, hít thở bình thường. Quá trình đo điện tâm đồ thường chỉ diễn ra trong vài phút. Sau khi đo xong, bạn có thể trở lại sinh hoạt bình thường.

Hiện nay, để điều trị bệnh mạch vành, các bác sĩ cần dựa vào nhiều yếu tố như mức độ bệnh hay thể trạng của người bệnh. Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh là tăng cường máu cho tim, cải thiện triệu chứng và kéo dài tuổi thọ người bệnh. Một số biện pháp trị bệnh thường chỉ định là: 

- Thực hiện lối sống lành mạnh như bỏ bia rượu, thuốc lá, giảm cân, kiểm soát căng thẳng. 

- Điều trị lâu dài bằng thuốc như thuốc hạ mỡ máu, thuốc chống đau thắt ngực, thuốc chống tập kết tiểu cầu,...

- Điều trị một số bệnh lý kèm theo như tiểu đường, huyết áp. 

- Can thiệp động mạch vành qua da, đặt stent. 

- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. 

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ y tế uy tín về đo điện tâm đồ. MEDLATEC quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành về tim mạch, được đầu tư các loại máy máy đo điện tâm đồ ECG máy Holter ECG, máy chụp cộng hưởng từ tim,... rất hiện đại, đảm bảo mang đến kết quả đo ECG chính xác và nhanh chóng.

Mọi thắc mắc và có nhu cầu đặt lịch khám, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.