Tin tức

Giải đáp: Trẻ chậm nói khi nào cần đi khám bác sĩ?

Ngày 04/06/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà trẻ bị chậm nói, có thể là do có vấn đề ở cơ quan phát âm hoặc tâm lý hay điều kiện giáo dục gây ra các sự rối loạn về ngôn ngữ ở trẻ em. Dù là vì bất kỳ lý do nào đi nữa thì cũng cần có những cách thức để khắc phục vấn đề này. Bố mẹ có thể tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia, các bác sĩ, những người có đầy đủ kiến thức và kinh nghiệm để hỗ trợ. Cùng tìm hiểu xem trẻ chậm nói khi nào cần đi khám qua bài viết dưới đây nhé.

1. Nguyên nhân trẻ bị chậm nói

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ bị chậm nói, tuy nhiên cụ thể thì có thể nhóm lại thành 2 nhóm chính, đó là:

1.1. Nguyên nhân bệnh lý

Khi các cơ quan liên quan tới phát âm như tai, mũi, họng của bé xuất hiện vấn đề hoặc não bộ hoặc bộ phận chỉ huy ngôn ngữ xuất hiện các vấn đề như dị tật, bại não, viêm màng não hay di chứng để lại sau khi xuất huyết não, thì cũng có thể dẫn tới chứng chậm nói ở trẻ.

1.2. Nguyên nhân tâm lý

Trong cuộc sống bận rộn hiện nay, vì lý do cơm áo gạo tiền nên nhiều cha mẹ không quan tâm đủ tới con cái, điều này cũng dẫn đến việc trẻ bị chậm nói hơn bình thường. Hay ngược lại, sự cưng chiều thái quá của các bậc phụ huynh cũng là một nguyên nhân. Hoặc sâu xa hơn có thể là trường hợp bé bị ảnh hưởng tâm lý từ một hoặc những biến cố trong cuộc sống.

Nguyên nhân trẻ bị chậm nói

Nguyên nhân trẻ bị chậm nói

2. Nhận biết trẻ bị chậm nói

So với tiêu chuẩn phát triển ngôn ngữ bình thường tại từng giai đoạn và từng độ tuổi, trẻ bị chậm nói sẽ phát triển chậm hơn về mặt ngôn ngữ. Dưới đây là liệt kê các phản ứng về việc chậm ngôn ngữ của trẻ theo từng độ tuổi:

2.1. Từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi

  • Ở giai đoạn 2 tháng tuổi, trẻ vẫn chưa có phản ứng nhiều với tiếng cười đùa của những người xung quanh.

  • Tới 4 tháng tuổi, khi nghe thấy các âm thanh lạ trẻ vẫn không chú ý.

  • Giai đoạn 6 tháng, trẻ vẫn chưa biết tự cười khi được làm trò.

2.2. Từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi

  • Tới 8 tháng, trẻ vẫn chưa phát âm bập bõm được kể cả các âm đơn giản như “ê”, “a”.

  • Khi có các âm thanh, trẻ vẫn không phản ứng lại.

  • Trẻ không hiểu các câu đơn giản thường nghe như “Có”, “không”, “tạm biệt”, “xin chào”.

2.3. Từ 12 tháng đến 24 tháng tuổi

  • Giai đoạn khoảng từ tháng thứ 15, trẻ vẫn chưa nói được các từ đơn đơn giản.

  • Khi muốn điều gì đó hay cảm thấy khó chịu, bé không tìm được cách để truyền đạt với bố mẹ hoặc người xung quanh.

  • Tới 18 tháng tuổi, trẻ không nói được câu dài tầm 6 từ.

  • Từ 19 tháng đến 24 tháng tuổi, trẻ không học thêm hay bắt chước thêm các từ khi nghe bố mẹ nói.

2.4. Từ 24 tháng đến 25 tháng tuổi

  • Giai đoạn này, trẻ vẫn không làm theo được các hướng dẫn đơn giản của bố mẹ và những người xung quanh.

  • Khả năng ghép từ kém

  • Không nói được câu dài quá 4 từ và không học thêm các từ mới đơn giản.

Nhận biết trẻ bị chậm nói

Nhận biết trẻ bị chậm nói

3. Trẻ chậm nói khi nào cần đi khám?

Để có thể nhận biết được việc trẻ có bị chậm nói hay không, giai đoạn tầm 3 đến 4 tháng tuổi, các bố mẹ nên đưa trẻ đi khám sàng lọc nếu phát hiện bé có các dấu hiện nêu trên. Việc khám sàng lọc này được thực hiện tại các cơ sở y tế lớn có đầy đủ các chuyên khoa.

Một lưu ý cho các phụ huynh có con nhỏ là nếu giai đoạn từ 5 tháng đến 12 tháng tuổi nhưng sự phản ứng của trẻ về âm thanh hay cách giao tiếp với môi trường xung quanh là hầu như cực kỳ thấp hoặc không có, thì cần đưa con trẻ đến ngay các bệnh viện để kiểm tra và lên phương án hỗ trợ cũng như điều trị.

Từ giai đoạn 15 tháng đến 18 tháng, khi được gọi nhưng con trẻ không phản ứng lại, hoặc con không thể diễn tả được điều con muốn và không thể giao tiếp nhiều với bố mẹ quá 6 từ,... thì phụ huynh cũng cần đưa trẻ đi khám sớm.

Trẻ chậm nói khi nào cần đi khám?

Trẻ chậm nói khi nào cần đi khám?

Từ 2 tuổi trở đi, tức là qua 24 tháng, vốn từ của con trẻ vẫn chưa được nhiều, không nói được quá 15 từ và không hề tự phát âm mà nhại lại từ lời người lớn hoặc giai đoạn từ 25 tháng đến 35 tháng, nếu trẻ không nói được nhiều, không biết gọi tên các thứ đơn giản như bộ phận trên cơ thể hay là không thể đặt các câu hỏi đơn giản cho bố mẹ, thì phụ huynh cần đưa bé đi khám ở các bệnh viện uy tín.

Lớn hơn một chút, ở giai đoạn từ 3 tuổi đến 4 tuổi, đây là lúc vấn đề chậm nói nếu có sẽ rất dễ nhận biết. Khi trẻ không thể ghép các từ thành câu, nói không rõ lời, ít để ý xung quanh, không tương tác với các em bé cùng trang lứa và bám bố mẹ, đó đều là các dấu hiệu cần trẻ bị chậm nói cần được thăm khám.

Nói chung, cứ 5 trẻ thì có 1 em bị chậm nói, còn lại hầu hết các em sẽ bắt kịp các bạn khi lớn hơn, trong giai đoạn từ 3 đến 24 tháng. Do đó nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường nêu trên sau khi bố mẹ đã tự quan sát bé, cần đưa bé đến các bệnh viện để kiểm tra nhé.

Nên đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu chứng chậm nói

Nên đưa trẻ đi khám ngay khi phát hiện các dấu hiệu chứng chậm nói

4. Trẻ bị chậm nói và các cách khắc phục

Bên cạnh việc đưa con trẻ đi khám bác sĩ để hiểu hơn về chứng chậm nói, các bố mẹ cũng có thể tự khắc phục cho con bằng các cách sau:

4.1. Giao tiếp thường xuyên với con

Bố mẹ nói chuyện nhiều với con, khuyến khích con nói nhiều hơn và khen ngợi khi con nói các từ mới là một cách kích thích con nói nhiều hơn

4.2. Dành sự quan tâm nhiều cho con

Chăm sóc con và gần gũi con nhiều cũng có thể thúc đẩy khả năng ngôn ngữ của bé. Trước khi có thể tự nói, trẻ em hoàn toàn có khả năng nghe hiểu, do đó quan tâm và khuyến khích con nói chuyện nhiều sẽ giúp hạn chế sự chậm nói ở bé.

4.3. Tập thói quen cho con

Các thói quen như đọc sách hay đọc truyện trước khi đi ngủ hay các khung giờ cố định trong ngày cũng là một cách hướng sự tập trung của con vào một vật cụ thể. Do đó tăng khả năng tập trung và phản ứng của con.

4.4. Giao tiếp những chủ đề gây hứng thú với con

Trẻ con thường bị thu hút bởi các món đồ lạ mắt, hay thậm chí là các món đồ quen thuộc mà bố mẹ hay cầm đến, do đó việc giao tiếp với con thông qua các vật thông dụng cũng là một cách khả thi.

4.5. Không ép con

Việc gượng ép con vào khuôn khổ sẽ có tác dụng ngược với con, do đó bố mẹ hãy khuyến khích thay vì ép buộc con làm theo ý mình nhé.

4.6. Một số cách khác

  • Dạy từ dễ cho con: những từ dễ hiểu, dễ làm quen sẽ ghi sâu vào não bé hơn là những câu từ phức tạp.

  • Cho em bé tiếp xúc với các âm thanh khác nhau để bé phát hiện các điểm khác biệt, tăng khả năng nhận biết âm thanh và khả năng phản xạ.

  • Tránh cho trẻ tiếp cận quá nhiều với các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại: Những chương trình phù hợp có thể giúp bé học hỏi thêm các từ mới, các cách phản xạ ngôn ngữ mới, nhưng nếu cho trẻ xem quá nhiều sẽ bị phản tác dụng.

Trẻ bị chậm nói và các cách khắc phục 

Trẻ bị chậm nói và các cách khắc phục 

Bài viết đã cung cấp cho phụ huynh các kiến thức cơ bản về chứng chậm nói ở các em bé, từ đó phụ huynh sẽ rút ra được kết luận trẻ chậm nói khi nào cần đi khám. Các bác sĩ sẽ là những người đánh giá chính xác nhất tình trạng của các con nên nếu thấy con có các dấu hiệu trên, bố mẹ hãy đưa con đi kiểm tra ngay để có phương án điều trị tốt nhất. Để được tư vấn chi tiết, Quý khách vui lòng liên lạc tới số hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.