Tin tức

Những biểu hiện của bệnh tay chân miệng và phương án điều trị

Ngày 09/04/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Tay chân miệng là một bệnh có khả năng truyền nhiễm và xảy ra ở mọi độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng đối với trẻ em dưới 5 tuổi là cao nhất. Đặc biệt, các bệnh nhi dưới 3 tuổi thường có biểu hiện của bệnh tay chân miệng và các biến chứng nguy hiểm cần được lưu ý.

1. Nguyên nhân khiến trẻ bị tay - chân - miệng

Tay chân miệng là tình trạng cơ thể nhiễm virus, xuất hiện các vết phồng rộp ở những bộ phận như miệng, cổ họng, tay và chân. Bệnh thường phổ biến hơn ở trẻ dưới 10 tuổi và rất dễ lây lan thành các ổ dịch ở những nơi tập trung nhiều trẻ em. Bệnh có thể khởi phát quanh năm và thường tăng nhanh hơn trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12. 

Bệnh tay - chân - miệng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi

Bệnh tay - chân - miệng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi

Theo nghiên cứu, bệnh lý này do các virus thuộc loại A-human enteroviruses (HEVA), nằm trong chi Enterovirus của họ Picornaviridae gây nên. Trong số đó, tác nhân gây bệnh phổ biến nhất phải kể đến Coxsackievirus (CV) A10, A14, -A16 và chủng Enterovirus 71 (EV 71).

Các trường hợp bị tay - chân - miệng do EV 71 thường ít gặp hơn so với CV, thế nhưng EV 71 lại nguy hiểm hơn nhiều. Đồng thời, EV 71 cũng có nguy cơ khiến trẻ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Theo ghi nhận từ Cục Y tế dự phòng, những ca tay chân miệng tử vong đều do Enterovirus 71 gây nên. Nhóm tuổi phổ biến thường là các bệnh nhi dưới 3 tuổi. 

Một vài các yếu tố có thể khiến trẻ tăng nguy cơ bị tay - chân - miệng gồm:

  • Trẻ là người châu Á.
  • Trẻ bị thiếu hụt men glucose - 6 - phosphate dehydrogenase.
  • Trẻ em trong độ tuổi 6 tháng đến 3 tuổi.
  • Bé có tiền sử bị hôn mê, từng sốt trên 3 ngày và sốt trên mức 38.5 độ C. 

2. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng theo từng giai đoạn 

Tùy theo từng giai đoạn mà biểu hiện của bệnh tay chân miệng cũng sẽ khác nhau. Cụ thể:

2.1. Giai đoạn 1: Ủ bệnh

Thời gian này thường kéo dài khoảng 3 - 7 ngày từ lúc bé bị phơi nhiễm virus. Trong lúc này, người bệnh thường không có triệu chứng hoặc nếu có cũng rất mơ hồ như bị sốt nhẹ, chán ăn và mệt mỏi,... Những biểu hiện này khiến ba mẹ dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. 

2.2. Giai đoạn 2: Khởi phát

Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 24 - 48 giờ đồng hồ với các triệu chứng dần rõ ràng hơn như bị đau đầu, sốt nhẹ, chán ăn, quấy khóc,...

2.3. Giai đoạn 3: Toàn phát

Khi bước vào giai đoạn này, bé bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rõ ràng hơn của bệnh lý như: 

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng khác nhau qua từng giai đoạn

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng khác nhau qua từng giai đoạn

  • Sốt cao 37,5 - 40 độ C đi kèm với tình trạng mệt mỏi và khó chịu
  • Cảm thấy đau họng và khó khăn hơn đối với hoạt động ăn - uống
  • Bắt đầu có các vết loét ở vùng miệng với các vị trí như hầu họng, bên trong của 2 má, môi, lưỡi,... kích thước khoảng 2 - 3mm. Lúc đầu, số lượng còn khá ít nhưng sau đó sẽ dần tăng lên và khiến bệnh nhân cảm thấy đau đớn, đặc biệt là khi ăn uống và nói chuyện. 
  • Vết loét còn xuất hiện ở các vị trí khác như lòng bàn tay, chân, ngón tay, mông,... khiến người bệnh bị đau, cảm thấy khó chịu khi sinh hoạt và đi lại. 
  • Nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể bị buồn nôn hoặc bị nôn mửa, thường thấy nhiều nhất ở trẻ em. 

2.4. Giai đoạn 4: Hồi phục

Kể từ lúc khởi phát, khoảng 7 - 10 ngày sau đó, những biểu hiện của bệnh tay chân miệng sẽ giảm dần và bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, lúc này các vết phồng rộp ở trên da sẽ dần bị bong tróc để tạo nên một lớp tế bào mới khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy. Bạn không được gãi, cào hoặc dùng tay bóc lớp da cũ đó đi vì chúng có thể khiến cho lớp da non mới bị tổn thương và lâu lành hơn. 

3. Phòng bệnh tay chân miệng như thế nào?

Các nguyên tắc hàng đầu trong việc phòng ngừa bệnh tay - chân - miệng cho trẻ bao gồm: 

  • Rửa tay sạch sẽ với xà phòng ở dưới vòi nước nhiều lần trong ngày. Ba mẹ trước khi chế biến đồ ăn hoặc cho con ăn, bế con đều cần phải rửa tay sạch để tránh virus tấn công hệ miễn dịch còn non yếu của bé. Thêm vào đó, ba mẹ sau khi đi vệ sinh, thay tã cho bé cũng cần rửa tay thật sạch sẽ. 

Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả

  • Vệ sinh ăn uống đúng cách: Tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi, đảm bảo các đồ dùng trong ăn uống được rửa sạch trước khi dùng. Không những thế, các loại đồ dùng tiếp xúc gần với bé hàng ngày cũng cần được lau dọn sạch sẽ và khử khuẩn thường xuyên,...
  • Dọn dẹp các bề mặt như cầu thang, mặt bàn, tay nắm cửa,... bằng các chất tẩy rửa để hạn chế vi khuẩn, virus có cơ hội tiếp xúc với trẻ. 
  • Không nên cho bé tiếp xúc với người đang hoặc bị nghi ngờ bị tay - chân - miệng. 
  • Cần cách ly bé tại nhà, không đưa đến những nơi tập trung đông người trong khoảng 10 - 14 ngày đầu khởi phát bệnh. 

4. Cách thức chẩn đoán và điều trị bệnh lý

Sau khi nhận biết các biểu hiện của bệnh tay chân miệng, ba mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để được các bác sĩ chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp. Cụ thể:

4.1. Các biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ có thể áp dụng một vài phương thức chẩn đoán như: 

  • Dựa vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ có những chẩn đoán ban đầu. 
  • Chẩn đoán dựa trên các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu như: Công thức máu, xét nghiệm protein C phản ứng, xét nghiệm đường huyết, chụp MRI não, điện giải đồ, chụp X-quang,...

Bác sĩ chẩn đoán bệnh lý thông qua triệu chứng và các xét nghiệm chuyên sâu

Bác sĩ chẩn đoán bệnh lý thông qua triệu chứng và các xét nghiệm chuyên sâu

4.2. Phương pháp điều trị

Để nhanh khỏi bệnh và phòng ngừa các biến chứng, người bệnh cần được phát hiện sớm và tiến hành các biện pháp điều trị cấp độ 1 đúng cách. Tuy nhiên, cho đến nay, căn bệnh này vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị. Theo đó, phương pháp điều trị thường là: 

  • Ba mẹ cần đưa con đi thăm khám để được bác sĩ chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp. 
  • Cho bé uống thuốc hạ sốt khi bé bị sốt cao theo đúng chỉ định của bác sĩ. 
  • Đối với các vết thương, các vết loét,... ba mẹ có thể thoa thêm gel theo hướng dẫn để bé cảm thấy dễ chịu hơn. 
  • Sử dụng thêm thuốc kháng sinh để dự phòng bội nhiễm. Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. 
  • Tái khám đúng lịch hẹn. 
  • Có một chế độ ăn uống phù hợp, đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe. Ba mẹ cần chia nhỏ các bữa ăn của con để đảm bảo con luôn được ăn đủ, đúng và có đủ năng lượng.
  • Vệ sinh đồ dùng cá nhân của bé bằng các dung dịch sát khuẩn một cách thường xuyên. 
  • Sử dụng xịt khử khuẩn để vệ sinh môi trường sống của con được sạch sẽ hơn. 

Các biện pháp điều trị cho bé sẽ được chỉ định phù hợp

Các biện pháp điều trị cho bé sẽ được chỉ định phù hợp

Các biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở giai đoạn đầu hoàn toàn có thể được điều trị tại nhà khi ba mẹ nắm vững nguyên tắc. Tuy nhiên, nếu bệnh không có dấu hiệu nhẹ bớt thì ba mẹ nên đưa con đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín như Chuyên khoa Nhi thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC để bác sĩ chẩn đoán và có phác đồ điều trị kịp thời. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết hơn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.