Tin tức
Giải pháp tối ưu khi gãy cổ xương đùi
Yếu tố thuận lợi khiến người cao tuổi gãy cả hai bên cổ xương đùi
Thứ nhất, bệnh nhân cao tuổi có các bệnh lý phối hợp như loãng xương, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, yếu nửa người... Hậu quả của cơn thiếu máu não thoáng qua gây mất tri giác tức thời và ngã...
Thứ hai, sau khi đã bị gãy cổ xương đùi một bên (có thể đã được phẫu thuật) người bệnh trong quá trình tập luyện vận động bị ngã lại.
Thứ ba, ảnh hưởng của lần gãy cổ xương đùi trước đó tới toàn thân như: ít vận động, cơ lực kém, loãng xương... nên chỉ cần một cú ngã nhẹ cũng có thể gây gãy cổ xương đùi bên còn lại. Hoặc đơn thuần chỉ là người bệnh bị tai nạn trượt chân ngã trong nhà tắm hoặc trên cầu thang...
Những hệ luỵ...
Do không liền xương và/hoặc tiêu chỏm xương đùi nên người bệnh khó có khả năng đi lại như trước khi gãy và kéo theo một loạt các hệ lụy do phải nằm tại chỗ, bất động như: chăm sóc vệ sinh cá nhân khó khăn; khó xoay trở, thay đổi tư thế người bệnh trên giường; đau đớn kéo dài do các đầu xương gãy chạm vào nhau; do nằm lâu nên các cơ quan như đại tràng, bàng quang không hoạt động sinh lý, dẫn đến đại tiểu tiện khó khăn, ứ trệ nước tiểu, nhiễm trùng tiết niệu; loét ở những vùng tỳ đè như mông, gót chân, lưng...; ứ trệ đờm dãi, phản xạ ho kém do nằm lâu, đau đớn, sẽ gây ra viêm phổi do bội nhiễm, đây là biến chứng rất nặng ở người già; viêm tắc tĩnh mạch sâu chi dưới do người bệnh không hoặc ít vận động, nguy cơ tắc mạch thứ phát và gây ra các biến chứng như nhồi máu cơ tim, nhồi máu phổi... Tất cả những yếu tố này là nguyên nhân gây ra tử vong ở người già khi gãy cổ xương đùi.
Một giải pháp tối ưu
Để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn giúp người bệnh đỡ đau đớn. Bệnh nhân có thể ngồi dậy sớm ngay ngày đầu sau mổ, do vậy giúp vỗ rung, long đờm, hạn chế nguy cơ viêm phổi; giúp xoay trở, chăm sóc người bệnh dễ dàng hơn, tránh loét ở những vùng tỳ đè, đại tiểu tiện dễ dàng hơn; tránh nguy cơ viêm tắc tĩnh mạch sâu; nếu thể trạng người bệnh tốt, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tập luyện phục hồi chức năng đúng phương pháp, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và vận động như mong muốn.
Tuy nhiên, để có thể phẫu thuật được và phẫu thuật an toàn, bác sĩ cũng như người bệnh và gia đình phải cân nhắc những yếu tố rủi ro và nguy cơ ngoài mong muốn, thậm chí là tử vong trong và sau mổ, như: Thể trạng người bệnh có đủ để phẫu thuật không? Có các bệnh phối hợp không: đái tháo đường, tăng huyết áp, tiền sử tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim, bệnh lý van tim, mạch vành...; tiền sử dị ứng với các loại thuốc; nguy cơ của gây tê, gây mê: tụt huyết áp, tắc mạch phổi, nhồi máu cơ tim, suy gan thận; nguy cơ của phẫu thuật: nhiễm khuẩn, trật khớp...
Làm gì để hạn chế nguy cơ gãy tiếp?
Để phòng tránh và hạn chế nguy cơ gãy tiếp cổ xương đùi ở người bệnh cao tuổi đã bị gãy một bên, bệnh nhân và gia đình nên lưu ý một số vấn đề sau: Sau khi phẫu thuật lần đầu cần tuân thủ đúng phác đồ tập luyện phục hồi chức năng như trong thời gian đầu tập đi lại cần có khung trợ đỡ, khi đi lại và thích nghi tốt mới chuyển sang đi với nạng và tiến tới bỏ nạng, không nên chủ quan; Tập cơ lực của các cơ vùng háng và đùi tốt; Khi tập đi lại tránh đi giày dép có đế cao, tốt nhất là giày đế thấp, dép có quai hậu hoặc đi chân không; Tránh đi lại trên nền trơn trượt, khi đã vận động tốt mới tập đi lên đi xuống cầu thang; Có chế độ ăn uống, bồi dưỡng đầy đủ, hợp lý; Điều trị các bệnh phối hợp như loãng xương, tăng huyết áp...
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!