Tin tức

Giải thích nguyên nhân hiện tượng đau ngực khi tới tháng

Ngày 27/06/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Đau ngực khi tới tháng là hiện tượng nhiều chị em gặp phải, thường gây nên cảm giác khó chịu trong những ngày này. Nếu biết được lý do bị đau ngực và biết cách giảm đau ngực thì nữ giới sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, tránh được lo lắng không cần thiết. Cùng MEDLATEC tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề này trong những chia sẻ sau đây.

1. Cảm giác đau ngực khi tới tháng là như thế nào?

Đau ngực khi tới tháng là cảm giác tăng nhạy cảm, đau ở vùng ngực, nhất là vùng núm vú. Hiện tượng này xảy ra với nhiều bạn nữ và có thể kéo dài suốt chu kỳ kinh. Thông thường, nữ giới sẽ cảm nhận cảm giác đau với các biểu hiện khác nhau:

- Cảm thấy căng tức và đau nhức ở một hoặc hai bên ngực. Cảm giác này có thể rất nhẹ, chỉ gây ra một chút khó chịu nhưng cũng có thể đau nhiểu và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. 

- Có thể đau lan ra nách và cánh tay, làm cho việc vận động cánh tay trở nên khó khăn.

- Mô ngực bị sưng và tăng giữ nước nên tạo ra cảm giác ngực nặng, cứng và nhạy cảm khi chạm vào. 

- Đau ngực thường bắt đầu một tuần trước khi có kinh và giảm dần sau khi kỳ kinh kết thúc. Đối với một số người, triệu chứng này có thể bắt đầu sớm hơn hoặc kéo dài lâu hơn, tùy thuộc vào cơ địa của từng người.

Đau ngực khi tới tháng là hiện tượng khá phổ biến ở nữ giới

Đau ngực khi tới tháng là hiện tượng khá phổ biến ở nữ giới

2. Tránh nhầm lẫn đau ngực khi tới tháng với đau ngực do các vấn đề sức khỏe

2.1. Đau ngực do vấn đề về tim mạch

Đau ngực liên quan đến tim mạch thường có đặc điểm là đau thắt ngực, đau lan ra cánh tay trái hoặc hàm, có thể kèm theo khó thở, buồn nôn. Đây là tình trạng cần được xử lý khẩn cấp và khác biệt hoàn toàn với đau ngực khi tới tháng.

2.2. Đau ngực do vấn đề về xương khớp

Các vấn đề về xương khớp như viêm khớp, căng cơ,... nếu gặp phải trước kỳ kinh thì các triệu chứng do vấn đề này gây ra trong đó có đau ngực cũng rất dễ nhầm lẫn với đau ngực do đến tháng. Trường hợp này, cảm giác đau ngực thường tăng lên khi cử động hoặc ấn vào vùng bị đau.

2.3. Đau ngực do bệnh lý tuyến vú

Bệnh lý tuyến vú như viêm tuyến vú, u xơ tuyến vú thường gây nên triệu chứng sưng, đỏ hoặc có khối u ở ngực. Cảm giác đau do những bệnh lý này thường không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

3. Nguyên nhân gây đau ngực khi tới tháng

Nguyên nhân chính gây đau ngực khi tới tháng là sự biến đổi của hormone estrogen và progesterone trong chu kỳ kinh nguyệt. Hai loại hormone này ảnh hưởng trực tiếp đến mô ngực, làm tăng sự nhạy cảm và gây ra cảm giác đau.

3.1. Thay đổi hormone

- Estrogen tăng lên trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt, kích thích sự phát triển của ống dẫn sữa.

- Progesterone tăng lên trong nửa sau của chu kỳ, làm tăng kích thước các tuyến sữa và tạo ra cảm giác ngực căng tức.

Thay đổi hormone là yếu tố chi phối, gây nên hiện tượng đau ngực khi tới tháng

Thay đổi hormone là yếu tố chi phối, gây nên hiện tượng đau ngực khi tới tháng

3.2. Các yếu tố khác

- Chế độ ăn uống: thực phẩm giàu chất béo và muối có thể làm tăng cảm giác đau ngực.

- Căng thẳng: stress có thể làm trầm trọng thêm cảm giác đau và nhạy cảm ở ngực.

- Thuốc: một số loại thuốc, phổ biến nhất là thuốc tránh thai, có thể ảnh hưởng đến hormone và gây đau ngực.

4. Giảm đau ngực khi tới tháng bằng cách nào?

4.1. Biện pháp tự nhiên

- Massage ngực nhẹ nhàng

Sử dụng dầu massage hoặc kem dưỡng da để thoa đều khắp bề mặt da vùng ngực sau đó dùng các ngón tay nhẹ nhàng xoa bóp vùng ngực theo chuyển động tròn, bắt đầu từ trung tâm ngực và di chuyển ra ngoài. Thực hiện massage ngực đều đặn theo cách này có tác dụng cải thiện tuần hoàn máu, giảm tình trạng căng tức và giảm cảm giác đau nhức ở ngực.

Massage kết hợp với chườm ấm có thể cải thiện cảm giác đau ngực khi tới tháng

Massage kết hợp với chườm ấm có thể cải thiện cảm giác đau ngực khi tới tháng

- Sử dụng áo ngực hỗ trợ

Sử dụng áo ngực có dây đeo bản rộng và bầu áo nâng đỡ tốt sẽ giảm áp lực lên ngực và hạn chế chuyển động quá mức của mô ngực. Điều này giúp mang lại cảm giác thoải mái, giảm đau ngực khi tới tháng.

Khi chọn áo ngực, hãy đảm bảo chọn kích thước vừa vặn, không quá chật mà cũng không quá rộng. Chất liệu thoáng khí và mềm mại cũng sẽ tránh kích ứng da. Lựa chọn được áo ngực đáp ứng những yếu tố này không chỉ giúp giảm đau mà còn mang lại cảm giác thoải mái, tự tin trong những ngày đèn đỏ.

- Chườm ấm hoặc lạnh

Chườm ấm giúp làm giãn các mạch máu, cải thiện tuần hoàn máu và giảm cảm giác căng thẳng ở vùng ngực. Bạn có thể dùng một chiếc túi chườm ấm nhỏ hoặc dùng khăn ấm đắp lên vùng ngực trong khoảng 15 - 20 phút. 

Nếu cảm thấy sưng hoặc đau nhức hơn, thay vì chườm ấm thì bạn hãy chuyển sang chườm lạnh. Hãy đắp một chiếc khăn lạnh hoặc túi lạnh lên vùng ngực để giảm sưng và làm dịu cơn đau ngực.

4.2. Thay đổi lối sống

- Chế độ ăn uống lành mạnh bằng cách hạn chế thực phẩm giàu chất béo, muối và caffeine đồng thời tăng cường ăn rau xanh, trái cây và các loại hạt sẽ giúp cải thiện sức khỏe, giảm mệt mỏi và đau ngực khi tới tháng.

- Tập thể dục nhẹ nhàng hàng ngày giúp cải thiện lưu thông máu và giảm căng thẳng nên cũng giảm thiểu cảm giác đau ở ngực.

- Duy trì cân nặng hợp lý giúp cân bằng hormone để giảm nguy cơ đau ngực khi đến tháng.

4.3. Dùng thuốc 

- Thuốc giảm đau: một số loại thuốc như Acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau tạm thời nhưng không nên tự ý sử dụng mà cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.

- Thuốc tránh thai: có một số thuốc tránh thai giúp điều chỉnh hormone trong cơ thể nên khi sử dụng sẽ giúp giảm đau ngực.

- Thuốc lợi tiểu: có tác dụng giảm giữ nước, giảm cảm giác căng tức ở ngực.

Nếu đau ngực khi tới tháng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày với các dấu hiệu sau, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị:

- Đau ngực kéo dài sau kỳ kinh nguyệt.

- Ngực sờ thấy có khối u hoặc thay đổi hình dạng.

- Có dịch tiết bất thường ở đầu núm vú.

- Da vú có màu sắc bất thường.

Nguyên nhân gây đau ngực khi tới tháng của mối người không giống nhau nên việc thăm khám bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp chẩn đoán đúng để có phương pháp điều trị phù hợp.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe phụ khoa có thể liên hệ đặt trước lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ