Tin tức

Giãn dây chằng khuỷu tay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 17/03/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Giãn dây chằng khuỷu tay là một dạng chấn thương hay gặp ở những người chơi thể thao. Đặc biệt tình trạng này dễ xảy ra với những người dùng tay để chống đỡ khi ngã từ trên cao xuống. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng vì chứng giãn dây chằng có thể sẽ phục hồi sau một thời gian được chăm sóc tích cực. Trong một số trường hợp nặng hơn, phương pháp phẫu thuật sẽ được chỉ định để điều trị.

1. Giãn dây chằng khuỷu tay là gì?

Giãn dây chằng khuỷu tay là hiện tượng những dây chằng ở xung quanh vùng khuỷu tay phải chịu nhiều áp lực và chúng bị kéo căng quá mức nhưng lại không đến mức bị rách hoặc bị đứt. Tình trạng này thường xảy ra do các chấn thương, dây chằng bị uốn cong hoặc khuỷu tay bị mở rộng vượt tầm cho phép. Ngoài ra, khi bạn hoạt động sai tư thế hoặc có những va chạm ở vùng khuỷu tay trong các sinh hoạt hàng ngày.

Giãn dây chằng khuỷu tay thường xuất hiện do chấn thương

Giãn dây chằng khuỷu tay thường xuất hiện do chấn thương

Chứng giãn dây chằng ở vùng khuỷu tay có thể khiến cho người bệnh có cảm giác đau một cách đột ngột. Những cơn đau này có thể lan rộng xuống đến bàn tay và đi kèm với đó là sự tê buốt. Bên cạnh đó, những cơn đau sẽ tăng dần khi bạn cố gắng co, duỗi hoặc thực hiện các cử động vùng khớp.

Giãn dây chằng ở khuỷu tay nhìn chung không quá mức nghiêm trọng thế nhưng chúng sẽ khiến bạn gặp phải nhiều vấn đề trong đời sống hàng ngày. Những triệu chứng đau nhức sẽ có xu hướng giảm dần sau khoảng vài ngày được chăm sóc kỹ càng và được dùng thuốc kê đơn đúng bệnh.

2. Những dấu hiệu nhận biết đơn giản

Tương tự những loại bệnh lý khác, chứng giãn dây chằng khuỷu tay cũng được nhận biết thông qua một vài dấu hiệu sau đây:

  • Những cơn đau khuỷu tay sẽ lan dần xuống đến bàn tay của người bệnh.

  • Những cơn đau sẽ đi kèm với cảm giác tê buốt rất khó chịu.

  • Cấp độ đau nhức sẽ tăng dần lên khi bạn ấn, nắn hoặc làm những động tác có ảnh hưởng đến vùng khuỷu tay.

Một vài dấu hiệu nhận biết triệu chứng của bệnh

Một vài dấu hiệu nhận biết triệu chứng của bệnh

  • Khu vực bị thương tổn có dấu hiệu bị sưng to, có thể tấy đỏ hoặc bị bầm tím.

  • Khớp khuỷu tay có tình trạng bị co cứng và bị hạn chế một vài hoạt động nhất định.

  • Khớp sẽ mất đi sự vững chắc ở những trường hợp nghiêm trọng.

3. Nguyên nhân của tình trạng giãn dây chằng khuỷu tay

Dưới đây là một vài nguyên nhân có thể khiến cho dây chằng bị giãn:

3.1. Do chấn thương

Chỉ cần một cú va chạm mạnh hoặc chống tay khi té ngã cũng có thể khiến cho dây chằng ở vùng khuỷu tay bị căng quá mức cho phép. Ngoài ra, tình trạng này cũng gây ra những thương tổn ở vùng khớp xương hoặc ở mô mềm. Với những trường hợp như vậy, các triệu chứng đau nhức sẽ xuất hiện một cách đột ngột.

Người bệnh thường sẽ có cảm giác đau đớn vô cùng nghiêm trọng và cảm giác tê bì khó chịu. Hiện tượng sưng viêm và bầm tím sẽ dần xuất hiện sau khi bị chấn thương từ khoảng vài phút cho đến vài giờ đồng hồ.

Dây chằng giãn do chấn thương rất phổ biến

Dây chằng giãn do chấn thương rất phổ biến

Những chấn thương này có thể đến từ các hoạt động chơi thể thao (nhất là những bộ môn tiếp xúc), khi tham gia giao thông hoặc đến từ các hoạt động hàng ngày.

3.2. Do dùng khớp quá mức

Tình trạng giãn dây chằng khuỷu tay có thể xuất hiện vì bạn sử dụng khớp một cách quá sức, thường phổ biến ở những người chơi bóng chày, tennis hay cầu lông,... Nguyên nhân là do việc phải lặp lại cùng một động tác co gấp trong thời gian dài và phải mở rộng khớp quá mức khiến cho các dây chằng bị áp lực, kéo giãn.

Ngoài ra, nếu bạn phải thường xuyên mang vác, kéo hoặc đẩy những đồ vật nặng, làm việc quá sức cũng có thể khiến cho dây chằng giãn ra.

3.3. Do thoái hóa

Dây chằng cũng sẽ có dấu hiệu thoái hóa theo thời gian và khiến cho chúng bị suy yếu, mất dần đi sự đàn hồi và suy giảm các chức năng hỗ trợ vùng khớp. Vào lúc này, các hoạt động gắng sức kết hợp cùng với sự tác động vật lý đều có thể khiến cho các sợi dây chằng bị căng giãn quá mức cho phép và không thể tự động phục hồi.

Ngoài những nguyên nhân kể trên, một số loại bệnh lý như viêm khớp khuỷu tay hay chứng thoái hóa khớp cũng khiến cho tỷ lệ giãn dây chằng tăng cao hơn.

Người cao tuổi cũng có thể bị giãn dây chằng

Người cao tuổi cũng có thể bị giãn dây chằng

4. Giãn dây chằng khuỷu tay có ảnh hưởng như thế nào?

Tình trạng giãn dây chằng ở vùng khuỷu tay thường sẽ nằm ở cấp độ nhẹ hoặc trung bình. Chứng bệnh có thể khiến cho những cơn đau nhức trở nên nghiêm trọng và cảm giác tê buốt đi kèm theo nhiều triệu chứng vô cùng khó chịu khác. Ở một số trường hợp nhất định, dây chằng có thể gặp phải những thương tổn nặng hơn khiến cho khớp ở khuỷu tay bị mất vững hoàn toàn. Điều này có thể tác động đến các mô mềm khác.

Tuy nhiên, nếu bạn được phát hiện sớm và cá phác đồ điều trị hợp lý thì tình trạng bệnh sẽ có những cải thiện đáng kể. Ngược lại, nếu bệnh lý không được chăm sóc và sử dụng thuốc đúng cách sẽ khiến cho dây chằng có những tổn thương nghiêm trọng hơn. Đồng thời, một vài vấn đề có thể phát sinh như:

  • Dây chằng khuỷu tay có thể bị đứt.

  • Xuất hiện những cơn đau mạn tính.

  • Vùng khớp lỏng lẻo hơn do không có dây chằng hỗ trợ khiến cho tình trạng thoái hóa nghiêm trọng hơn.

  • Bị teo cơ (trường hợp này khá hiếm gặp).

Giãn dây chằng khuỷu tay

Dây chằng bị giãn ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt

5. Cách phòng ngừa tình trạng giãn dây chằng ở khuỷu tay

Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được chứng giãn dây chằng khuỷu tay bằng nhiều cách thức khác nhau, cụ thể:

  • Cẩn thận hơn khi hoạt động hàng ngày, nhất là trong khi chơi thể thao.

  • Cần mặc đồ bảo hộ khi tham gia vào những bộ môn thể thao tiếp xúc và dễ bị ngã.

  • Cần điều trị các loại bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ bị giãn dây chằng.

  • Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi phù hợp.

  • Tránh thực hiện các động tác quá mạnh làm ảnh hưởng đến vùng khớp khuỷu tay.

  • Nên thực hiện các tư thế đúng cách, đúng kỹ thuật trong các hoạt động hàng ngày. Không nên co hoặc duỗi tay một cách quá đột ngột để tránh có những ảnh hưởng không tốt.

  • Hạn chế hút thuốc lá và các loại đồ uống có cồn bởi chúng chính là nguyên nhân khiến cho cơ thể bị lão hóa nhanh hơn, bao gồm cả dây chằng.

  • Khi bạn cảm thấy khớp khuỷu tay bị đau thì không nên tiếp tục thực hiện các động tác khác.

  • Cần phải xoa bóp vùng khớp thường xuyên và thực hiện các động tác co duỗi một cách nhẹ nhàng để khớp và dây chằng được thư giãn.

  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất để giúp cho các khớp xương, hệ dây chằng, cơ và các mô mềm được nuôi dưỡng, đảm bảo các chức năng cũng như nâng cao sức bền và sự dẻo dai.

Bạn có thể phòng ngừa giãn dây chằng bằng một số biện pháp đơn giản

Bạn có thể phòng ngừa giãn dây chằng bằng một số biện pháp đơn giản

Nhìn chung, giãn dây chằng khuỷu tay không quá mức nghiêm trọng và có thể giảm dần khi được điều trị nội khoa. Thế nhưng, nếu bệnh không được phát hiện sớm và không được điều trị đúng phương pháp kịp thời thì sẽ có những chuyển biến xấu hơn, nghiêm trọng hơn. Bạn nên tìm đến những địa chỉ cơ sở y tế uy tín như chuyên khoa Xương khớp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được khám và có được phác đồ điều trị thích hợp. Để đặt lịch khám, Quý khách có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.