Tin tức

Góc giải đáp: Teo cơ delta là gì và tác động thế nào tới cơ thể?

Ngày 04/07/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Bệnh teo cơ delta còn được biết đến với tên gọi là bệnh chim xệ cánh hay xơ hóa cơ delta. Bất kỳ ai cũng có khả năng mắc phải căn bệnh này nhưng thường gặp nhất là trẻ nhỏ. Nghiêm trọng hơn, nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm, bệnh sẽ hạn chế khả năng vận động và làm biến dạng vóc dáng của người bệnh.

1. Đại cương về bệnh teo cơ delta 

1.1. Teo cơ delta là gì?

Cơ delta là một loại cơ có cấu tạo bao trọn khớp bả vai, giống như hình tam giác. Nhiệm vụ của cơ delta là giúp nâng đỡ phần cánh tay trong vận động. Cơ được chia thành 3 phần chính đó là vùng xương bả vai, xương mỏm cùng vai và vùng xương đòn gắn vào cùng một đầu bám gọi là lồi củ delta trên xương cánh tay. Phía trước và phía sau của phần cơ được liên kết với nhau tạo thành vùng đầu bám, phần cơ ở chính giữa được gọi là đa pha. Nhờ cấu tạo này, cánh tay của chúng ta mới cử động linh hoạt được.

Teo cơ delta xảy ra là do người bệnh gặp tình trạng rối loạn lưỡng cơ làm xơ hóa các sợi đai cơ delta. Hầu hết cả 3 phần cơ đều bị ảnh hưởng nhưng phổ biến nhất vẫn là vùng đa pha, gây tác động tiêu cực tới cấu trúc xương và khớp bả vai. Đôi khi teo cơ delta bả vai còn kèm theo triệu chứng xơ hóa cơ tứ đầu đùi và cơ vùng mông.

1.2. Các dấu hiệu giúp nhận biết bệnh nhân bị teo cơ delta 

Triệu chứng đặc trưng nhất của teo cơ delta chính là phần xương bả vai hai bên nhô cao, trong khi đó xương giữa 2 vai bị xệ xuống. Nhìn đằng sau trông rất giống hai cánh chim. Đặc điểm khi bị teo các phần cơ được nhận biết như sau:

  • Teo cơ phía trước: cánh tay trong trạng thái như bị uốn cong vã rẽ ra;

  • Teo cơ phần giữa: bờ vai giang rộng ra;

  • Teo cơ phía sau: cánh tay có cảm giác như kéo dài hơn và rẽ ra.

Vị trí cơ delta

Vị trí cơ delta

Trong những trường hợp như vậy, người bệnh có nguy cơ cao bị trật khớp bả vai và khu vực đầu xương cánh tay. Ngoài ra bệnh còn làm suy yếu cơ delta, giảm phản xạ gân xương, rối loạn cảm giác dây thần kinh nách gây nên các triệu chứng như tê tay, mất cảm giác với nhiệt độ.

Một số bệnh nhân bị teo cơ delta một bên dẫn tới mất cân đối lực cơ làm vẹo cột sống, cản trở rất nhiều đến khả năng đi đứng, di chuyển, vận động của người bệnh.

1.3. Các nguyên nhân dẫn tới tình trạng teo cơ delta 

Tính đến nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác làm xơ hóa cơ delta. Các nghiên cứu thiên về 3 giả thuyết sau đây:

  • Nguyên nhân thứ nhất: tiêm quá liều thuốc làm thay đổi cơ. Đó có thể là tác dụng phụ của các loại thuốc như penicillin, dramamine, streptomycin, lincomycin, pentazocin, hypodermoclysis, tetracyclin và một số loại thuốc chống sốt rét;

  • Nguyên nhân thứ 2: do tổn thương gây ra bởi tai nạn tại vị trí vai - nách khiến vùng này bị rách dây thần kinh nách hoặc trật khớp vai. Ngoài ra nếu bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến hệ thần kinh vận động cũng ảnh hưởng không nhỏ tới dây thần kinh nách;

  • Nguyên nhân thứ 3: do hiện tượng rối loạn dưỡng cơ, phổ biến nhất là loạn dưỡng cơ vai - mặt - cánh tay.

Nguyên nhân chính xác gây xơ hóa cơ delta còn là một ẩn số

Nguyên nhân chính xác gây xơ hóa cơ delta còn là một ẩn số

Thêm vào đó, theo khảo sát về đặc điểm phân bố của bệnh thì đã phát hiện teo cơ delta thường xuất hiện phần lớn ở người dân tộc thiểu số và vùng núi. Vì vậy các nhà khoa học đã thiên về kết luận các yếu tố như di truyền, môi trường sống cũng gây ảnh hưởng tới loại cơ này.

2. Chẩn đoán và điều trị teo cơ delta

2.1. Các phương pháp được áp dụng để chẩn đoán bệnh

Trước tiên bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về một số thông tin liên quan như: 

  • Đã từng tiêm loại thuốc hay vắc xin nào trước đó ở khu vực quanh vai;

  • Người thân có ai mắc teo cơ delta hay không;

  • Trên cơ thể còn vị trí nào bị xơ hóa cơ hay không;

  • Kiểm tra khả năng cử động của xương vai, tay chân để phát hiện sự hạn chế vận động nếu có;

  • Kiểm tra thần kinh cơ, đặc biệt là cột sống và xương ngực để phát hiện các dấu hiệu bất thường;

  • Kiểm tra vận động khớp cổ để đánh giá xem có dấu hiệu bị Sprengel hay không. Đây là một loại biến dạng dị tật bẩm sinh khiến xương bả vai nhô cao và nhỏ hơn so với bình thường.

Các triệu chứng lâm sàng đặc trưng của xơ hóa cơ delta đó là không thể giang rộng tay ra được (dưới 40 - 50 độ), cánh tay khó có thể nhấc cao hơn vai, teo cơ quanh vai làm lộ xương đầu cánh tay ra ngoài.

Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các chẩn đoán cận lâm sàng bao gồm chụp X-quang, huỳnh quang và chụp CT. Trước tiên là sẽ chụp X-quang, nếu kết quả không hiển thị rõ dấu hiệu bệnh thì cần làm thêm xét nghiệm huỳnh quang để tìm các dấu hiệu bất thường tại xương sống ngực và ổ khớp cánh tay. Trong trường hợp vẫn không thấy rõ ràng sự bất thường thì sẽ chụp cắt lớp vi tính (CT).

Cuối cùng là sẽ tiến hành xét nghiệm mô học. Xét nghiệm này có thể giúp hiển thị 100% tình trạng xơ hóa cơ delta với hình ảnh teo cơ và mật độ mô phân bố dày đặc.

2.2. Điều trị và phòng ngừa tình trạng teo cơ delta 

Phẫu thuật chính là biện pháp hữu hiệu nhất trong điều trị teo cơ delta, hỗ trợ giải phóng những sợi cơ đã bị xơ cứng. Trên thực tế không phải trường hợp nào cũng cần áp dụng phẫu thuật mà chỉ những trẻ trên 5 tuổi, trong quá trình trưởng thành có dấu hiệu dị dạng (ví dụ như vẹo xương sống, thay đổi xương mỏm cùng vai, phẳng đầu xương,...).

Tỷ lệ thành công đối với các ca phẫu thuật teo cơ delta là từ 96 - 100%, tuy nhiên có khoảng 6% trường hợp sẽ gặp tình trạng tái phát bệnh sau này.

Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có thuốc giúp làm chậm quá trình teo cơ delta cũng như điều trị dứt điểm căn bệnh này. Người bệnh chỉ có thể dùng thuốc giảm đau không steroid và theo dõi thường xuyên, kết hợp cải thiện bằng các bài tập vật lý trị liệu.

Khi thăm khám bác sĩ sẽ đánh giá và kiểm tra tình trạng vận động của cánh tay

Khi thăm khám bác sĩ sẽ đánh giá và kiểm tra tình trạng vận động của cánh tay

Hiện chưa có biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng xơ hóa cơ delta vì chưa xác định được chính xác, rõ ràng nguyên nhân gây bệnh. Nhìn chung để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, mỗi người cần đảm bảo luôn bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết đặc biệt là đạm để củng cố sự vững chắc cho hệ cơ bắp. Ngoài ra cần cẩn thận trong đi lại, lao động để phòng ngừa chấn thương vùng bả vai. Các bậc phụ huynh cũng cần quan sát, theo dõi con em mình ngay từ khi còn nhỏ và nếu phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo bệnh teo cơ delta, hãy đưa trẻ đi kiểm tra ngay để được điều trị từ sớm.

Để được tư vấn trực tiếp cùng các chuyên gia về tình trạng teo cơ delta hoặc những vấn đề liên quan tới Cơ Xương khớp và các bệnh lý khác, bạn hãy gọi ngay đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để đặt lịch thăm khám. Tổng đài viên luôn sẵn sàng túc trực 24/7 để hỗ trợ quý khách hàng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.