Tin tức

Hàn răng có đau không? Cần lưu ý điều gì?

Ngày 30/03/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Sâu răng có thể ảnh hưởng đến khả năng nhai, gây hôi miệng và mất thẩm mỹ. Hiện nay, hàn răng là cách điều trị sâu răng phổ biến. Tuy nhiên, vì sợ đau nên nhiều người lại trì hoãn việc hàn răng và cuối cùng gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vậy hàn răng có đau không và cần lưu ý những gì?

1. Hàn răng có đau không?

Hàn răng sâu là phương pháp dùng một số vật liệu chuyên dụng để lấp phần mô răng bị khuyết đi do tác hại của sâu răng. Từ đó, có thể lấy lại hình dáng răng như ban đầu. 

Nhiều người lo ngại hàn răng gây đau buốt

Nhiều người lo ngại hàn răng gây đau buốt

1.1. Hàn răng sâu quan trọng như thế nào?

Trước khi tìm hiểu hàn răng có đau không, bạn cần biết rõ về việc hàn răng sâu quan trọng như thế nào. Các chuyên gia giải thích như sau: 

- Đảm bảo chức năng nhai: Nếu kịp thời hàn răng, bệnh nhân sẽ không còn cảm thấy ê buốt khi nhai thức ăn và đảm bảo chức năng nhai. Ngược lại, để răng sâu càng lâu thì lỗ thủng trên mặt răng ngày càng rộng. Khi thức ăn lọt xuống lỗ này sẽ khiến người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn khi nhai và còn gây ra mùi hôi khó chịu. Đặc biệt, với những trường hợp răng sâu to hay chỉ còn lại chân răng thì răng sẽ không còn đủ lực để nhai thức ăn. 

- Tránh nguy cơ viêm nhiễm: Khi điều trị răng sâu bằng cách hàn răng kịp thời, người bệnh sẽ tránh được nguy cơ chảy máu răng, viêm nhiễm,.... Nếu không điều trị sớm, mức độ sâu răng sẽ ngày càng nặng, thậm chí gây lộ tổ chức ngà răng. Từ đó, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào tủy răng, gây đau răng, nhiễm trùng tủy,… ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe răng miệng. 

- Phòng tránh được nguy cơ mất răng: Nếu răng sâu mức độ nặng, thậm chí chỉ còn lại chân răng hoặc xảy ra viêm nhiễm lâu ngày, việc bảo tồn răng là rất khó. Người bệnh có thể bắt buộc phải nhổ bỏ răng. Do đó, việc hàn răng kịp thời cũng là yếu tố quan trọng để phòng tránh được nguy cơ mất răng. 

- Đảm bảo tính thẩm mỹ: Những chiếc răng sâu thường có màu sậm hơn hoặc có màu đen. Đặc biệt là khi răng cửa bị sâu, người đối diện sẽ dễ dàng quan sát được vấn đề răng miệng của bạn và điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính thẩm mỹ. Hơn nữa, răng bị sâu còn là nguyên nhân gây hôi miệng. Hai vấn đề này khiến cho người bệnh rất e ngại khi giao tiếp với mọi người xung quanh.  

- Tránh gây ảnh hưởng đến các răng bên cạnh. 

Có thể nói rằng, hàn răng sâu sớm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe và đảm bảo tính thẩm mỹ. Do đó, nếu phát hiện những biểu hiện nghi ngờ sâu răng như răng có màu đen, ê buốt, có lỗ sâu trên răng,… bạn nên đến các cơ sở nha khoa uy tín để được các bác sĩ thăm khám và điều trị bệnh sớm. 

1.2. Quy trình hàn răng sâu

- Một số vật liệu hàn răng cần đảm bảo lành tính, không gây khó chịu và có thể chịu được lực nhai tốt. Một số vật liệu hàn răng được sử dụng trong thời gian gần đây là chất hàn Composite, xi măng thủy tinh, Amalgam, kim loại, sứ,… Mỗi vật liệu sẽ có ưu nhược điểm khác nhau. Tùy từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn lựa chọn vật liệu hàn răng phù hợp. 

Hàn răng bằng chất hàn Composite

Hàn răng bằng chất hàn Composite

- Quá trình hàn răng sâu sẽ được diễn ra như sau: 

+ Xác định vị trí răng sâu và thống nhất về vật liệu hàn răng với bệnh nhân. 

+ Gây tê tại chỗ cho người bệnh. 

+ Làm sạch các bề mặt răng và làm sạch lỗ sâu. 

+ Tạo hình lỗ sâu.

+ Đặt lớp lót đáy để tránh gây ra tình trạng ê buốt sau khi hàn. 

+ Hàn răng bằng cách dùng vật liệu hàn để lấp đầy vào lỗ sâu. 

+ Trong trường hợp chất hàn cứng, bác sĩ sẽ chỉnh bỏ để đảm bảo tính thẩm mỹ và giúp người bệnh luôn cảm thấy thoải mái khi nhai. 

1.3. Hàn răng có đau không?

Nhiều người lo ngại hàn răng gây đau nên trì hoãn việc điều trị sâu răng. Tuy nhiên, các chuyên gia giải thích rằng, hàn răng không gây ảnh hưởng đến các phần khác trong khoang miệng và các bác sĩ có sử dụng thuốc tê nên người bệnh sẽ không có cảm giác đau. 

Một số bệnh nhân bị đau khi hàn răng là do một số vấn đề sau: 

+ Người bệnh có cảm giác đau nhẹ khi thuốc tê hết tác dụng. 

+ Người bệnh bị sứt mẻ răng hoặc bị thưa răng thì bác sĩ có thể dùng máy tạo hình để đưa vật liệu hàn vào. Vì thế, bệnh nhân sẽ có thể bị đau buốt nhẹ. 

+ Nha sĩ không thực hiện đúng kỹ thuật hàn răng khiến cho miếng hàn không được khít với lỗ sâu. 

+ Trước khi hàn, những vấn đề như sâu răng, viêm tủy chưa được xử lý triệt để. 

2. Những điều lưu ý sau khi hàn răng sâu

Để tránh bị đau khi hàn răng sâu, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau: 

- Điều quan trọng đầu tiên là cần lựa chọn các cơ sở nha khoa uy tín với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm và các thiết bị y tế hiện đại. Khi thực hiện đúng kỹ thuật với những vật liệu hàn răng đảm bảo chất lượng thì có thể hạn chế được nguy cơ bị đau sau khi hàn răng. 

Khách hàng nên lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín

Khách hàng nên lựa chọn cơ sở nha khoa uy tín

- Không nên nhai bên có răng hàn và tốt nhất chỉ nên ăn những món ăn mềm và dễ nuốt. Tránh những món ăn, đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh để đảm bảo răng không bị ê buốt. 

- Với một số vật liệu hàn, bệnh nhân có thể được ăn ngay. Nhưng cũng có một số chất liệu hàn, cần phải chờ đợi một thời gian nhất định mới được nhai. Do đó, người bệnh cần được chỉ dẫn cụ thể về thời gian được ăn nhai, từ đó tránh tối đa nguy cơ đau buốt hay bong miếng hàn. 

- Không được dùng tăm hay các vật cứng để xỉa răng để tránh làm bong miếng hàn. Tốt nhất hãy dùng chỉ nha khoa và chỉ nên đánh răng nhẹ nhàng theo lời chỉ dẫn của bác sĩ. 

Tránh ăn đồ lạnh sau khi hàn răng

Tránh ăn đồ lạnh sau khi hàn răng

- Hạn chế dùng những loại thực phẩm có màu như cà phê, thuốc lá,… để tránh khiến răng bị xỉn màu. 

Để tìm hiểu thêm về vấn đề hàn răng có đau không hoặc có nhu cầu kiểm khám Nha khoa tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, mời quý khách hàng vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.