Tin tức
Hướng dẫn phân loại insulin trong điều trị tiểu đường
- 11/07/2024 | Mối liên hệ giữa kháng insulin và béo phì
- 12/02/2025 | Cách tiêm insulin giúp người bệnh kiểm soát đường máu hiệu quả
- 17/02/2025 | Các loại insulin và cách dùng chuẩn để kiểm soát tiểu đường hiệu quả
- 03/04/2025 | Kỹ thuật tiêm insulin dưới da bụng đơn giản và không gây đau
1. Phân loại insulin
Sử dụng insulin là phương pháp rất phổ biến trong điều trị tiểu đường. Hiện nay, có rất nhiều loại insulin với tác dụng tương tự nhau. Tuy nhiên, do sự khác biệt về cấu trúc nên mỗi loại thuốc sẽ có tốc độ và thời gian duy trì tác dụng khác nhau. Insulin có thể được phân loại dựa trên những yếu tố sau:
1.1. Phân loại insulin theo thời gian tác động
Dựa vào thời gian tác động của thuốc, insulin có thể được phân thành 2 loại là insulin bữa ăn (insulin bolus) và insulin nền (insulin basal). Cụ thể là:
- Insulin bữa ăn (insulin bolus): Là loại insulin có tác dụng kiểm soát lượng đường huyết sinh ra từ bữa ăn và có thể được phân thành 2 loại nhỏ như sau:
+ Insulin tác dụng nhanh: Có thể dùng ngay trước khi bắt đầu bữa ăn. Sau khi dùng khoảng vài phút, thuốc sẽ phát huy tác dụng và kéo dài hiệu quả khoảng 3 đến 5 tiếng, tùy thuộc vào từng loại thuốc.
Thời điểm phát huy tác dụng của mỗi loại insulin sẽ khác nhau
+ Insulin tác dụng ngắn: Loại insulin này cũng có hiệu quả giống như insulin tác dụng nhanh nhưng tác động của thuốc sẽ chậm hơn. Người bệnh có thể dùng insulin tác dụng ngắn trước khi ăn khoảng 30 phút. Tác dụng của thuốc có thể duy trì từ 5 đến 8 tiếng.
- Insulin nền (insulin basal): Loại insulin này có thể được dùng 1-2 lần/ngày. Có thể được phân chia như sau:
+ Insulin NPH: Là một dạng hỗn dịch đục. Trong thuốc thường có chứa protamine và kẽm. Trước khi dùng thuốc, bạn cần trộn đều.
+ Insulin tác dụng kéo dài như Lantus, Detemir, Degludec: Tác dụng của thuốc sẽ kéo dài hơn và ổn định hơn so với insulin NPH.
- Insulin dạng hỗn hợp (pre-mix): Đây là sự kết hợp giữa insulin tác dụng nhanh và insulin có tác dụng chậm. Khi dùng loại thuốc này, bệnh nhân không cần dùng thêm loại insulin nền.
1.2. Phân loại theo nguồn gốc sản xuất
Dựa vào nguồn gốc sản xuất, có thể phân loại insulin như sau:
- Insulin người: Đây là loại insulin được tổng hợp trong phòng thí nghiệm bằng công nghệ tái tổ hợp DNA.
- Insulin analog: Đây cũng là một sản phẩm insulin tổng hợp. Tuy nhiên, cấu trúc của nó có một chút thay đổi tại các vị trí phân tử. Mục đích của sự thay đổi này là nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc.
- Insulin động vật: Là insulin từ động vật như bò, lợn,... Tuy nhiên, phương pháp này không được ưu tiên do khác biệt với insulin người nên có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
2. Thời điểm dùng và vị trí tiêm insulin
Sử dụng insulin đúng cách sẽ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả. Dưới đây là những hướng dẫn chi tiết:
- Thời điểm sử dụng: Mỗi loại insulin có thể được dùng trong những thời điểm khác nhau để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, cụ thể:
+ Insulin tác dụng nhanh: Thường được dùng ngay trước bữa ăn.
+ Insulin tác dụng ngắn: Thường được dùng trước bữa ăn khoảng 30 phút.
+ Insulin NPH: Dùng 1 - 2 lần mỗi ngày.
+ Insulin tác dụng kéo dài: Nên tiêm vào 1 thời điểm cố định trong ngày và thường chỉ cần dùng 1 lần/ngày.
+ Insulin hỗn hợp: Là loại insulin được chỉ định dùng trước bữa ăn.
- Vị trí tiêm insulin: Thường tiêm insulin dưới da để đảm bảo tốc độ và hiệu quả hấp thụ của thuốc. Trong đó, da vùng bụng là vị trí có thể hấp thụ insulin hiệu quả nhất. Một số trường hợp tăng đường máu cấp tính có thể cần tiêm hoặc truyền insulin tĩnh mạch.
3. Cần lưu ý gì khi tiêm insulin?
Nếu không sử dụng insulin đúng cách, người bệnh sẽ không thể có được hiệu quả điều trị như mong đợi và còn có thể gặp phải hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Dưới đây là một số lưu ý dành cho những trường hợp đang sử dụng insulin:
- Thường xuyên theo dõi đường huyết: Đây là cách giúp kiểm soát tình trạng bệnh và kịp thời xử trí khi có biểu hiện bất thường.
Bệnh nhân nên thường xuyên theo dõi đường huyết
- Điều chỉnh liều lượng khi cần thiết: Liều lượng insulin có thể được điều chỉnh do nhiều yếu tố chẳng hạn như do các loại thuốc điều trị người bệnh cần sử dụng, do người bệnh thay đổi chế độ ăn uống, tăng cân hoặc giảm cân, người bệnh tăng cường tập thể dục,... Đó chính là lý do mà người bệnh cần đi khám thường xuyên để bác sĩ đánh giá về tình trạng sức khỏe, hiệu quả của thuốc điều trị và từ đó điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.
- Lựa chọn vị trí tiêm: Có nhiều vị trí tiêm như bụng, tay, đùi,... . Người bệnh nên thay đổi luân phiên vị trí tiêm để hạn chế sần cứng da hay loạn dưỡng mô mỡ ở vùng tiêm.
- Không xoa bóp vùng tiêm: Người bệnh không nên xoa bóp vùng tiêm ngay sau khi tiêm để tránh làm ảnh hưởng đến tốc độ và thời gian tác dụng của thuốc.
- Một số tác dụng phụ có thể xảy ra: Tiêm thuốc sai cách hay không đúng liều lượng có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là tình trạng hạ đường huyết. Một số biểu hiện hạ đường huyết có thể kể đến như hoa mắt, run tay chân, mệt mỏi, thậm chí hôn mê, tử vong.
- Kiểm tra thuốc trước khi sử dụng: Người bệnh không nên dùng thuốc khi thấy insulin vón cục, có màu sắc lạ, hết hạn sử dụng,...
- Bảo quản insulin đúng cách: Nên bảo quản thuốc trong ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C. Nếu đã mở lọ thuốc, bệnh nhân nên bảo quản ở nhiệt độ phòng khoảng 25 độ C.
Bệnh nhân nên đi khám và kiểm tra đường huyết tại những cơ sở y tế uy tín
Trên đây là cách phân loại insulin giúp người bệnh hiểu rõ hơn về công dụng cũng như cách dùng thuốc. Bệnh nhân cần dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, người bệnh cần ăn uống theo đúng chế độ, điều chỉnh những thói quen sống khoa học để duy trì đường huyết ổn định, tăng chất lượng sống.
Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch xét nghiệm kiểm tra đường huyết trực tiếp tại Hệ thống Y tế MEDLATEC hay sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ nhanh nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
