Tin tức

Khản tiếng thường xuyên cần cảnh giác với các bệnh sau

Ngày 15/09/2021
Tham vấn y khoa: ThS.BS Hoàng Thị Thúy
Trong chúng ta hầu như ai cũng ít nhất có một vài lần bị khản tiếng nên nhiều người cho rằng đó là hiện tượng bình thường. Có nhiều nguyên nhân gây khản tiếng nhưng khi đã bị khản tiếng thường xuyên thì lúc đó cần cảnh giác bởi nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm.

1. Thế nào là khản tiếng, ai dễ bị khản tiếng

1.1. Thế nào là khản tiếng

Sở dĩ chúng ta phát ra được âm là do có sự rung động của 2 dây thanh. Khi chúng ta hát hoặc nói, luồng hơi từ phổi sẽ đẩy lên khiến cho các dây thanh rung động, từ đó phát ra tiếng. Nếu vì một lý do nào đó mà dây thanh mất đi khả năng rung động thì sẽ sinh ra hiện tượng khản tiếng ở nhiều mức độ khác nhau. Khản tiếng là thuật ngữ được dùng để miêu tả hiện tượng giọng bị khàn, nói thều thào, nói thô ráp hoặc âm thanh phát ra không mượt mà. 

1.2. Những ai dễ bị khản tiếng

Khản tiếng dễ xảy ra với những người có tính chất công việc phải nói nhiều như: giáo viên, buôn bán, ca sĩ, nghệ sĩ,... Những người này thường xuyên phải phát ra âm thanh nên nếu hoạt động nói hay hát quá mức sẽ làm tổn thương dây thanh quản và bị khản tiếng.

Do tính chất nghề nghiệp phải nói nhiều nên nhiều người hay bị khản tiếng

Do tính chất nghề nghiệp phải nói nhiều nên nhiều người hay bị khản tiếng

Ngoài ra, khản tiếng cũng có thể xảy ra với các trường hợp: 

- Hút thuốc lá hoặc uống rượu bia suốt một thời gian dài.

- Mắc các bệnh lý đường hô hấp trong thời gian dài khiến cho dây thanh quản bị xung huyết, phù nề.

- Mắc một số bệnh lý bên trong cơ thể.

2. Khản tiếng thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm

2.1. Khản tiếng khi nào không nguy hiểm

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho chúng ta bị khản tiếng. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn thì không đáng lo ngại bởi nó chủ yếu do:

- Nhiễm khuẩn, virus đường hô hấp trên.

- Cảm lạnh.

- Lạm dụng giọng nói quá mức.

- Hít phải hóa chất độc hại.

- Sử dụng cafein, đồ uống có cồn, hút thuốc,...

- Ho nhiều.

2.2. Những bệnh lý gây khản tiếng thường xuyên 

Khản tiếng thường xuyên không giống như khản tiếng trong thời gian ngắn bởi lúc ấy nguyên nhân gây ra nó có thể xuất phát từ rất nhiều bệnh lý mà chúng ta không thể chủ quan:

- Viêm amidan

Tác nhân của bệnh lý này là virus, vi khuẩn. Người bị viêm amidan kéo dài sẽ thường xuyên khản tiếng, đau họng, sốt, khó thở,... Chính vì tình trạng viêm nhiễm ở đây kéo dài và hay lặp lại nên dây thanh quản mới dễ bị tổn thương từ đó sinh ra khản tiếng.

- Hạt xơ dây thanh quản

Sự tổn thương xảy ra ở dây thanh quản làm xuất hiện khối u nhỏ mọc đối xứng gọi là hạt xơ dây thanh quản. Người mắc bệnh lý này thường có triệu chứng: khản tiếng thường xuyên, đau họng kéo dài,...

Khản tiếng thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày

Khản tiếng thường xuyên có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày

- Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản

Đây là bệnh lý dễ khiến cho dây thanh quản và niêm mạc họng bị tổn thương vì chất dịch axit trong dạ dày trào ngược lên vòm họng. Hệ quả của nó là người bệnh có triệu chứng đau họng, khản tiếng, mất giọng. Triệu chứng khản tiếng có xu hướng nặng vào buổi sáng.

- Viêm thanh quản

Những người làm công việc có tính chất phải nói quá nhiều, nói to trong suốt một thời gian dài rất dễ bị viêm dây thanh quản. Hậu quả của bệnh lý này chính là hiện tượng khản tiếng thường xuyên.

- Polyp hoặc u nang dây thanh âm

Khối u trên dây thanh âm cũng được xem là nguyên nhân gây ra hiện tượng khản tiếng, giọng nói yếu, khó nói. Bệnh lý này cần được điều trị sớm bởi nếu kéo dài nó có thể gây mất tiếng hoàn toàn.

- Dị ứng

Tiếp xúc với một số tác nhân gây dị ứng như: lông động vật, khói bụi, phấn hoa,... hay thay đổi thời tiết khiến nhiều người bị ngứa mắt, chảy mũi. Tình trạng này kéo dài sẽ làm cho vi khuẩn tấn công vòm họng và sinh ra đau rát ở cổ họng, khản tiếng.

Khản tiếng kéo dài trên 2 tuần cần khám bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân

Khản tiếng kéo dài trên 2 tuần cần khám bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân

- Bệnh lý tuyến giáp

Bệnh lý tuyến giáp cũng rất dễ gây khản tiếng kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng này là do tuyến giáp phình to và chèn ép vùng cổ, khiến cho họng bị nghẹn và giọng nói cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

- Bệnh ung thư

Nguy hiểm nhất của hiện tượng khản tiếng thường xuyên phải nói đến nguy cơ cảnh báo một số bệnh ung thư như: ung thư vòm họng, ung thư thanh quản, ung thư trung thất,... 

Nhiều nghiên cứu cho thấy bị khản tiếng trên 3 tuần có thể là dấu hiệu của ung thư thanh quản. Bệnh lý này càng nghiêm trọng thì mức độ khản tiếng càng tăng đồng thời người bệnh cũng sẽ có một số triệu chứng như: ho ra máu, khó thở, khó nuốt, họng bị đau,... Kể từ khi xuất hiện triệu chứng, bệnh sẽ diễn tiến rất nhanh, đe dọa trực tiếp đến sự sống.

Ngoài ra, bệnh ung thư tuyến giáp, ung thư vòm họng,... cũng có thể gây khản tiếng thường xuyên kèm theo hiện tượng ho, sốt, mệt mỏi,... Do những triệu chứng ấy tương đối mờ nhạt và giống với viêm đường hô hấp hay cảm cúm thông thường nên ít người phát hiện ra, đến khi bệnh đã trở nặng mới biết thì chữa trị không còn hiệu quả nữa.

Nhìn chung, bản thân khản tiếng chỉ là một dấu hiệu dễ gặp, hầu hết các trường hợp không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu khản tiếng thường xuyên trên 2 tuần kèm theo các triệu chứng: khó thở, sốt cao kéo dài khó hạ sốt, khó nuốt, ho ra máu,... thì cần thận trọng và nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay để tìm ra nguyên nhân.

Khản tiếng trong thời gian dài nếu không tìm ra căn nguyên và điều trị đúng cách thì rất dễ xảy ra những biến chứng nguy hiểm như đã nói đến ở trên. Do đó, nếu muốn bảo vệ mình thì tốt nhất không nên chủ quan mà hãy chủ động gặp bác sĩ để tìm ra phương án xử trí hiệu quả. 

Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào có liên quan đến hiện tượng khản tiếng thường xuyên, bạn đọc có thể gọi tới tổng đài 1900565656. Chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC làm việc 24/7, luôn sẵn sàng lắng nghe chia sẻ từ bạn và dựa trên kiến thức chuyên môn đã được đào tạo kỹ lưỡng để gửi đến bạn những thông tin xác đáng.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.