Tin tức

Khó thở tim đập nhanh khi nằm là bị làm sao?

Ngày 02/07/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Khó thở và tim đập nhanh khi nằm có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là vào ban đêm. Đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng không nên chủ quan. Bài viết sau đây sẽ cùng bạn đi tìm nguyên nhân của tình trạng này để hiểu hơn về tình trạng sức khỏe của mình.

1. Khó thở tim đập nhanh khi nằm là do mắc bệnh gì?

1.1. Suy tim

Suy tim xảy ra khi tim không bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Khi tim yếu, máu không được đẩy ra ngoài hiệu quả, dẫn đến sự trao đổi khí ở phổi bị trì trệ. Điều này gây ra hiện tượng khó thở, nhất là khi nằm xuống vì lúc này máu tại các cơ quan dồn về tim nhiều càng tạo gánh nặng cho tim đang suy yếu.

Người bị suy tim thường có các triệu chứng: khó thở khi nằm, phù chân và bụng, mệt mỏi, suy nhược, ho khan hoặc ho có đờm trắng hoặc hồng, tím tái,...

Người bị suy tim dễ có triệu chứng khó thở, tim đập nhanh khi nằm

Người bị suy tim dễ có triệu chứng khó thở, tim đập nhanh khi nằm

1.2. Hen phế quản

Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính đường thở, gây hẹp và co thắt phế quản. Khi nằm xuống, sự thay đổi tư thế có thể kích thích các triệu chứng hen, làm cho đường thở bị hẹp hơn, dẫn đến khó thở tim đập nhanh.

Triệu chứng viêm phế quản điển hình gồm:

- Khó thở, nhiều nhất là về đêm.

- Ho, nhiều nhất về ban đêm hoặc sáng sớm.

- Khò khè và thở gấp.

- Cảm giác tức ngực.

1.3. Bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính

Tắc nghẽn phổi mạn tính gồm hai bệnh chính: viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng. Đây là bệnh lý gây cản trở luồng không khí và gây khó thở. Người bị bệnh lý này có triệu chứng khó thở tim đập nhanh khi nằm do áp lực lên phổi tăng khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể xuất hiện triệu chứng như:

- Khó thở, nhất là khi hoạt động thể chất hoặc nằm xuống.

- Ho có đờm kéo dài.

- Khò khè.

- Mệt mỏi, suy nhược.

1.4. Hội chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ là tình trạng gián đoạn hô hấp trong khi ngủ, thường do tắc nghẽn đường thở trên. Sự gián đoạn này khiến cơ thể phải thức dậy để khôi phục khả năng hô hấp, từ đó người bệnh bị khó thở tim đập nhanh khi nằm.

Các triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ phổ biến nhất là:

- Ngáy lớn.

- Thức giấc nhiều buổi đêm.

- Khó thở đột ngột trong khi ngủ.

- Mệt mỏi vào ban ngày.

1.5. Rối loạn lo âu

Lo âu và căng thẳng có thể gây ra phản ứng sinh lý mạnh mẽ trong đó có tăng nhịp tim và khó thở. Khi nằm xuống, không có các hoạt động khác để phân tâm, người bệnh có thể tăng cảm giác lo âu nên bị khó thở và tim đập nhanh.

Các triệu chứng khác mà người bị rối loạn lo âu cũng có thể gặp là:

- Cảm giác lo lắng, căng thẳng.

- Tim đập nhanh, hồi hộp.

- Khó thở, cảm giác nghẹn.

- Đổ mồ hôi, run rẩy.

Chứng rối loạn lo âu thường gây nên dấu hiệu bồn chồn, tim đập nhanh, khó thở khi nằm

Chứng rối loạn lo âu thường gây nên dấu hiệu bồn chồn, tim đập nhanh, khó thở khi nằm

1.6. Tăng áp phổi

Tăng áp phổi là tình trạng tăng áp lực máu trong động mạch phổi. Điều này gây khó thở và tim đập nhanh khi nằm vì áp lực trong mạch máu phổi tăng cao, cản trở luồng máu trở về tim. Bệnh thường xuất hiện ở những người có hở hoặc hẹp van tim.

Triệu chứng phổ biến ở bệnh tăng áp phổi là:

- Khó thở, đặc biệt khi hoạt động thể chất hoặc nằm xuống.

- Mệt mỏi.

- Đau ngực.

- Sưng chân và mắt cá chân.

1.7. Trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây cảm giác nóng rát khó chịu. Khi nằm, axit dễ dàng trào ngược lên thực quản hơn, gây cảm giác khó thở và tim đập nhanh do phản ứng của cơ thể đối với axit trào ngược.

Ngoài ra, người bị trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể bị:

- Ợ nóng, nóng rát khó chịu ở ngực.

- Khó nuốt.

- Ho khan, thường ho nhiều vào ban đêm.

- Khó thở, cảm giác nghẹn.

1.8. Vấn đề về cấu trúc tim

Một số vấn đề về cấu trúc tim như hẹp van tim hoặc hở van tim, có thể gây khó thở tim đập nhanh khi nằm. Những vấn đề này làm giảm hiệu quả bơm máu của tim, khiến máu tích tụ trong phổi và gây khó thở.

Các triệu chứng sau cảnh báo bất thường về cấu trúc tim:

- Khó thở khi nằm hoặc khi phải gắng sức làm gì đó.

- Tim đập nhanh, không đều.

- Mệt mỏi.

- Sưng chân và mắt cá chân.

2. Phương pháp chẩn đoán nguyên nhân gây khó thở tim đập nhanh khi nằm

Quy trình chẩn đoán xác định nguyên nhân gây nên hiện tượng này thường bao gồm nhiều bước:

- Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng đang gặp phải và lịch sử bệnh lý của bệnh nhân để có căn cứ ban đầu trong xác định nguyên nhân gây khó thở và tim đập nhanh. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra thể chất để đánh giá tình trạng chung và tìm kiếm các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý cụ thể:

+ Nghe phổi: kiểm tra tiếng rít, tiếng khò khè, hoặc dấu hiệu của dịch trong phổi.

+ Nghe tim: phát hiện âm thanh bất thường như tiếng thổi tim hoặc nhịp tim không đều.

+ Kiểm tra phù nề: kiểm tra dấu hiệu suy tim.

- Điện tâm đồ 

Điện tâm đồ là phương pháp ghi lại hoạt động điện của tim, giúp phát hiện các rối loạn nhịp tim và vấn đề về tim mạch.

- Chụp X-quang ngực.

Chụp X-quang ngực giúp kiểm tra tình trạng phổi và tim, xác định các vấn đề như suy tim, viêm phổi hoặc COPD.

Nên khám bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán đúng nguyên nhân khó thở tim đập nhanh khi nằm

Nên khám bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán đúng nguyên nhân khó thở tim đập nhanh khi nằm

- Siêu âm tim

Siêu âm tim là phương pháp sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh của tim, giúp bác sĩ đánh giá chức năng và cấu trúc tim.

- Đo chức năng phổi

Đo chức năng phổi để kiểm tra khả năng hoạt động của phổi cùng các bệnh lý liên quan như hen phế quản và COPD.

- Chụp CT-Scanner hoặc MRI ngực

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT-Scanner hoặc MRI ngực để có hình ảnh chi tiết hơn về tim và phổi. Phương pháp này giúp phát hiện các khối u, u cục hoặc bất thường cấu trúc, đánh giá tình trạng động mạch vành và các mạch máu khác.

Tìm ra nguyên nhân khó thở tim đập nhanh khi nằm là cách tốt nhất để điều trị hiệu quả tình trạng này. Nếu bạn gặp phải triệu chứng nêu trên, tốt nhất nên sớm thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp chẩn đoán đúng nguyên nhân và được định hướng điều trị hiệu quả.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe Tim mạch có thể liên hệ đặt lịch cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.