Tin tức

Lao phổi - Hiểm nguy rình rập

Ngày 13/03/2014
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung
Lao phổi là thể bệnh hay gặp nhất, chiếm khoảng 80% tổng số bệnh lao. Ở nước ta, hàng năm, theo ước tính cứ trên 100.000 dân có 85 trường hợp lao phổi có vi khuẩn trong đờm tìm thấy được bằng phương pháp nhuộm soi kính trực tiếp.

Nguồn lây bệnh lao cho người lành chủ yếu là người bệnh mắc lao phổi, đặc biệt là người bệnh có vi khuẩn tìm thấy được bằng xét nghiệm đờm soi kính trực tiếp. Đây chính là nguyên nhân làm cho bệnh lao tồn tại ở mọi quốc gia.

Bệnh lao phổi

Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 12 trong số 22 quốc gia có tình trạng bệnh lao nặng nề nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 130.000 người mới mắc bệnh lao và chúng ta mới chỉ phát hiện được 100.000 người. Ước tính mỗi năm có khoảng 18.000 người chết vì lao, khoảng 8.000 người vừa mắc bệnh lao vừa nhiễm HIV, khoảng 6.000 người mắc lao đa kháng thuốc.
 


Vi khuẩn gây bệnh lao chủ yếu là vi khuẩn lao người (M. tuberculosis hominis); có thể do vi khuẩn lao bò nhưng ít gặp hơn. Một người bị bệnh lao nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng sẽ làm lây lan sang người khác. Trung bình một bệnh nhân lao nếu không được điều trị sẽ lây cho khoảng 10 người. Những người tiếp xúc với bệnh nhân càng nhiều thời gian và càng trực tiếp thì nguy cơ bị lây bệnh càng cao. Bệnh nhân lao phổi khi ho, khạc, hắt hơi... sẽ làm bắn ra môi trường xung quanh những hạt nước bọt có chứa vi khuẩn lao. Những hạt này, đặc biệt những hạt dưới 5 micrômét bay lơ lửng trong không khí, người bình thường hít phải những hạt này sẽ bị nhiễm vi khuẩn lao. Trên thế giới, hiện nay có 1/3 dân số đã bị nhiễm lao, riêng khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam có tới 44% dân số đã nhiễm lao, tuy nhiên, chỉ có 5 - 10% những người nhiễm lao chuyển thành mắc bệnh lao trong cuộc đời. Đó là lúc cơ thể bị suy giảm miễn dịch như giai đoạn nhiễm virut, suy kiệt do lao động nặng, dùng một số thuốc giảm miễn dịch kéo dài, mắc một số bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, nhiễm HIV..., vi khuẩn lao sẽ sinh sôi và gây bệnh. Ngoài phổi ra, vi khuẩn lao có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể như hạch bạch huyết, màng phổi, não - màng não, xương, khớp, ruột...


Lao phổi là thể bệnh thường gặp cả ở người lớn và trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên theo lứa tuổi, nhất là ở người già do sức đề kháng ngày càng giảm đi; Tuy nhiên, số người mắc lao nhiều nhất lại là ở tuổi lao động, vì vậy, ảnh hưởng rất lớn đến bản thân gia đình và cộng đồng vì đây là tuổi sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội.
 

Yếu tố thuận lợi, nguy cơ mắc bệnh lao phổi

Tiếp xúc nguồn lây là một yếu tố rất quan trọng, đặc biệt với trẻ nhỏ khi mà sức đề kháng miễn dịch đang hình thành, chưa hoàn chỉnh, đặc biệt là tiếp xúc lâu dài và trực tiếp thì càng dễ bị bệnh. Vì vậy, khi phát hiện một trường hợp bị lao phổi, thầy thuốc nên khuyên người ở cùng nhà và những người tiếp xúc gần cần có khám sàng lọc, theo dõi trong 2 năm và cần đi khám phát hiện khi có các triệu chứng nghi lao như ho kéo dài, sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân hoặc ra mồ hôi đêm kéo dài, dùng các thuốc thông thường không thuyên giảm.
 

Ngành y tế, hàng đầu phải kể đến là nhân viên y tế, những người thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc bệnh lao. Ngành công an, những người làm quản giáo và theo dõi đối tượng mắc bệnh lao tại các trại giam... - đó là môi trường có nguy cơ cao. Vì vậy, các cơ sở y tế cần thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát lây nhiễm bao gồm thông khí đúng và đủ, thực hành đeo khẩu trang cho người bệnh và cách giao tiếp giữa nhân viên y tế với người bệnh làm sao để không trực tiếp mà vẫn ôn tồn, thân mật. Nhân viên y tế mắc bệnh lao trong quá trình làm việc thì được xác định là mắc bệnh lao nghề nghiệp và được hưởng chế độ của Nhà nước.
 

Một số bệnh, một số trạng thái sức khỏe đặc biệt cũng là điều kiện thuận lợi dễ mắc lao phổi: bệnh bụi phổi, bệnh phổi do virut, bệnh đái tháo đường, loét dạ dày – tá tràng; có HIV/AIDS, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, nghiện rượu, người già, dùng các thuốc giảm miễn dịch kéo dài (bệnh khớp, bệnh hệ thống)... do sức đề kháng suy giảm.
 

Mức sống thấp, chiến tranh, căng thẳng tinh thần, stress... đều là yếu tố thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển của bệnh lao nói chung và lao phổi nói riêng.
 

Yếu tố gien: Những năm gần đây, có một số công trình nghiên cứu đề cập đến vai trò của hệ HLA, Haptoglobulin và một số gien khác được chứng minh có liên quan đến tính cảm nhiễm đối với bệnh lao.
 

Ngoài những đối tượng có nguy cơ mắc cao, những người bình thường cũng có nguy cơ lây nhiễm lao và mắc lao từ những thói quen hàng ngày như:
 

- Không có thói quen đeo khẩu trang, bảo hộ lao động: Môi trường sống của con người đang ngày càng bị ô nhiễm, tuy nhiên, rất nhiều người chủ quan, thờ ơ với sức khỏe của chính mình. Khói bụi, chất thải, rác rưởi... tất cả các “kí sinh” này có ở khắp mọi nơi xung quanh con người. Vì vậy, việc tiếp xúc và hít phải những chất độc lại chính là điều khiến lao dễ xâm nhập vào cơ thể. Điều đáng quan tâm ở đây là ngày càng ít người để ý đến việc bảo vệ sức khỏe cho gia đình và những người xung quanh, không sử dụng khẩu trang khi ra đường, không sử dụng các dụng cụ bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại... chính là những nguyên nhân trực tiếp khiến lao phổi gõ cửa gia đình bạn nhanh hơn.
 

- Làm việc quá sức: Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh khi lao động quá sức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến cơ thể của chúng ta bị giảm sức đề kháng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi trùng lao tấn công.
 

- Uống rượu: Rượu là chất kích thích có hại cho sức khỏe, trong rượu có chứa rất nhiều cồn, khi uống nhiều rượu sẽ làm giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tương tự như các yếu tố khác sẽ tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho trực khuẩn lao bùng phát và hoành hành. Đặc biệt, những ai đã và đang điều trị bệnh lao cần tuyệt đối không sử dụng rượu bia, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
 

- Hút thuốc lá, lào: thuốc lá, thuốc lào có chất độc tương tự như nhau, trong thuốc lá có hơn 40.000 chất độc, trong đó có nicotin. Đối với cơ thể người lớn khỏe mạnh, chỉ cần 50mg nicotin có thể cướp đi sinh mạng. Đặc biệt, trong khói thuốc còn có các chất độc gây ung thư vô cùng nguy hiểm với sức khỏe. Với những người thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào sẽ làm tăng nguy cơ lao phổi lên đến hơn 80%. Đặc biệt là những bệnh nhân đã và đang điều trị bệnh lao phổi cần tuyệt đối tránh xa các chất này.
 

- Thức khuya, mất ngủ: Thức khuya, mất ngủ là nguyên nhân khiến cơ thể của bạn bị suy nhược, tinh thần sa sút. Với những người có tiền sử mất ngủ, cần nghĩ ngay đến phương pháp ngăn ngừa khả năng suy giảm sức đề kháng bởi mất ngủ là nguyên nhân khiến tình trạng mệt mỏi, dẫn tới kém ăn lâu dần sẽ dẫn đến suy nhược, sút cân... ảnh hưởng lớn đến đời sống của người bệnh.
 

Phòng bệnh lao phổi

Khi bạn chỉ cần có một trong những dấu hiệu sau đây: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần; Sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi ban đêm; Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân; Có thể ho ra máu thì bạn nên đi khám để xác định xem có bị bệnh lao không.
 

Để phòng mắc lao theo nguyên tắc chung, trước tiên phải thanh toán được nguồn lây, phát hiện triệt để và điều trị khỏi. Những biện pháp khác cũng rất quan trọng:
 

+ Người bệnh: người lao phổi phải mang khẩu trang, không được khạc nhổ lung tung mà phải khạc vào giấy hoặc ca, cốc để đúng nơi quy định để khử trùng, tiêu hủy. Lấy bệnh phẩm xét nghiệm đúng nơi quy định, thông thoáng; tốt nhất là ở ngoài trời.
 

+ Nhân viên y tế phục vụ bệnh nhân lao, nhất là lao kháng thuốc và những nơi nguy cơ cao như các phòng xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn lao phải mang khẩu trang đúng tiêu chuẩn (N95). Tiếp xúc với người bệnh qua kính ngăn, thực hiện khám chữa bệnh, tư vấn phía sau người bệnh...
 

+ Các cơ sở y tế phục vụ người bệnh lao phải thực hiện tốt quy chế chống lây nhiễm. Đầu tư thích hợp các trang bị phòng hộ cần thiết cho nhân viên và người bệnh. Có kế hoạch và quy trình cụ thể thực hiện đầy đủ và hướng dẫn cụ thể cho nhân viên và người bệnh...

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ