Tin tức

Lọc màng bụng và những điều cần lưu ý

Ngày 05/05/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Lọc màng bụng không thích hợp với tất cả bệnh nhân nhưng vẫn được đánh giá cao vì mang lại nhiều lợi ích trong điều trị suy thận. Vậy phương pháp này có những ưu điểm, nhược điểm gì và phù hợp với những ai?

1. Lọc màng bụng là gì và có những phương pháp nào?

Diện tích của màng bụng là từ 1 đến 2 mét vuông. Lọc màng bụng là cách dùng màng bụng làm màng lọc để lọc chất chuyển hóa,  nước điện giải giúp cơ thể cân bằng nội môi

Lọc màng bụng mang lại hiệu quả cao trong điều trị suy thận

Lọc màng bụng mang lại hiệu quả cao trong điều trị suy thận

Có 3 phương pháp lọc màng bụng phổ biến là: 

- Lọc màng bụng cấp: Được áp dụng với những ca bệnh chống chỉ định với thận nhân tạo, bệnh nhân bị suy thận cấp hoặc bị suy thận mạn tính nhưng đang ở giai đoạn tiến triển nghiêm trọng, thể tích tuần hoàn quá tải làm tăng nguy cơ phù phổi cấp,....

Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt vào khoang bụng của người bệnh một ống thông. Sau đó, nhờ ống thông này để đưa 2 lít dịch lọc vào khoang bụng. 2 giờ sau đó, tiến hành tháo dịch, đồng thời đưa 2 lít dịch lọc mới. Quy trình này được thực hiện liên tục đến khi cải thiện được tình trạng rối loạn điện giải, cân bằng nội môi, chức năng của thận được phục hồi trở lại. 

Lọc màng bụng được đánh giá là đơn giản, dễ thực hiện

Lọc màng bụng được đánh giá là đơn giản, dễ thực hiện

- Lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD)

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng ống thông để luồn qua da thành bụng để đi tới túi cùng Douglas trong khoang bụng. Kỹ thuật này cần được thực hiện trong phòng mổ và ống thông này sẽ được cố định trong cơ thể người bệnh cho đến khi kết thúc quá trình lọc màng bụng. 

Mỗi ngày, người bệnh cần thay dịch khoảng 4 lần ngay tại nhà. Quy trình trao đổi dịch được diễn ra như sau: 

+ Giai đoạn 1: Đưa dịch vào cơ thể bệnh nhân qua đường ống thông. 

+ Giai đoạn 2: Ngâm dịch từ 4 đến 8 tiếng. 

+ Giai đoạn 3: Tiến hành xả dịch để tiếp tục đưa dịch mới vào cơ thể. 

- Lọc màng bụng chu kỳ tự động: Phù hợp với những ca bệnh suy thận mạn giai đoạn muộn, người chống chỉ định với chạy thận nhân tạo hoặc không thể tiến hành chạy thận do ở quá xa trung tâm lọc máu.

Trong quá trình tiến hành cũng cần có một ống thông được đưa vào khoang bụng để trao đổi dịch và có thể chia thành 3 loại như sau:

+ Lọc liên tục theo chu kỳ: Cần đưa 3 đến 10 lần dịch lưu vào cơ thể mỗi đêm. Ban ngày, thể tích dịch lọc sẽ lưu lại tại ổ bụng và sau đó sẽ được tháo ra trước chu kỳ lọc vào buổi đêm. 

+ Lọc màng bụng cách quãng ban đêm: Ban ngày, cơ thể không lưu dịch lọc. Thay vào đó, chu kỳ lọc sẽ được thực hiện nhiều hơn vào ban đêm. 

+ Lọc màng bụng thủy triều: Đầu tiên, dịch lọc được đưa vào cơ thể bệnh nhân. Sau đó, sẽ thực hiện dẫn lưu 1 phần ở các khoảng nghỉ của chu kỳ. 

2. Lọc màng bụng có những ưu điểm gì?

- Không cần đến máy chạy thận nhân tạo và dễ thực hiện. 

Người bệnh không bị phụ thuộc vào thiết bị, máy móc khi lọc màng bụng

Người bệnh không bị phụ thuộc vào thiết bị, máy móc khi lọc màng bụng

- Phù hợp với nhiều người bệnh, nhất là các trường hợp bận rộn, người đi làm và đi học. 

- Phù hợp với những người bệnh có huyết động không ổn định.

- Lọc máu hiệu quả. 

- Có thể bảo tồn thận. 

- Giảm nguy cơ mất máu và thiếu sắt. 

- Khi áp dụng phương pháp này, chế độ ăn của người bệnh cũng ít bị hạn chế hơn. 

3. Một số hạn chế của lọc màng bụng

Ngoài những ưu điểm kể trên, lọc màng bụng cũng tồn tại nhiều mặt hạn chế nhất định. Cụ thể như sau: 

- Dịch lọc màng bụng có chứa glucose nên người bệnh có thể bị tăng đường huyết. 

- Trong quá trình thực hiện tại nhà, nếu bệnh nhân không thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong quá trình lọc dịch thì có thể gây ra một số vấn đề như viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng phần ra của ống thông.

Trường hợp có khối u trong bụng không thể lọc màng bụng

Trường hợp có khối u trong bụng không thể lọc màng bụng

- Khi một lượng dịch lớn được rút ra khỏi cơ thể, bệnh nhân có thể bị hạ huyết áp. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân bị xơ gan cổ chướng và tiến hành lọc dịch màng bụng thì có thể bị tăng huyết áp trong những ngày lọc dịch đầu tiên. 

- Trong quá trình lọc, cơ thể có thể bị mất nhiều protein. 

- Tăng nguy cơ bị rối loạn nhịp tim hay giảm thân nhiệt.

- Một số nguy cơ khác có thể kể đến như ống thông bị tắc hoặc bị tụt vào trong hay tuột ra ngoài ổ bụng, chảy máu tại vị trí đặt ông thống hay chảy máu tại khoang phúc mạc, dịch ổ bụng bị rò rỉ,... 

- Lọc màng bụng không phù hợp với tất cả các trường hợp bệnh nhân. Dưới đây là một số trường hợp chống chỉ định với lọc màng bụng: 

+ Người bệnh bị nhiễm khuẩn phúc mạc, dính phúc mạc,... có thể do vết mổ cũ hoặc chấn thương. 

+ Các trường hợp bị xơ hóa phúc mạc. 

+ Bệnh nhân mới thực hiện phẫu thuật ghép động mạch chủ bụng.

+ Có khối u trong khoang bụng.

+ Các trường hợp bị thoát vị thành bụng, cơ hoành hay thoát vị bẹn.

+ Nếu mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nghiêm trọng cũng không thể điều trị lọc màng bụng. 

+ Các trường hợp không dung nạp với chứa dịch trong ổ bụng.

+ Người bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, nhiễm trùng da, béo phì, mắc một số bệnh về ruột như viêm ruột hoặc viêm túi thừa,...

+ Người bệnh rất khó khăn để thực hiện các yêu cầu kỹ thuật mà bác sĩ đưa ra trong quá trình lọc dịch. 

Hi vọng với những thông tin trên, bạn đã hiểu rõ hơn về phương pháp lọc màng bụng. Tuy rằng vẫn có nhiều trường hợp chống chỉ định với phương pháp này nhưng đối với nhiều bệnh nhân suy thận nặng thì lọc màng bụng chính là phương pháp có thể mang lại hiệu quả cao, dễ thực hiện và người bệnh cũng không phải lệ thuộc quá nhiều vào máy móc. 

Để tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp này hoặc có nhu cầu kiểm tra thận hoặc các vấn đề sức khỏe khác, quý khách hàng có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, đội ngũ tư vấn viên sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.