Tin tức

Lý giải hiện tượng “đến tháng” nhưng không có kinh nguyệt của nữ giới

Ngày 23/07/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Đối với phụ nữ kinh nguyệt là một trong những yếu tố không thể thiếu trong việc góp phần tạo nên quá trình thụ thai. Vì thế, bất kỳ dấu hiệu bất thường nào có liên quan đến kinh nguyệt đều có nguy cơ cảnh báo đe dọa thiên chức làm mẹ. Vậy nếu nữ giới “đến tháng” mà không có kinh nguyệt thì nguyên nhân là do đâu, có ảnh hưởng đến khả năng mang thai không?

1. Kinh nguyệt là gì, có vai trò như thế nào?

Kinh nguyệt là kết quả của việc niêm mạc tử cung bong ra mang tính chu kỳ sự thay đổi của nội tiết làm máu chảy từ buồng tử cung ra ngoài âm đạo. Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường sẽ kéo dài trung bình trong khoảng 28 ngày với lượng máu mất ở mỗi kỳ kinh là 50 - 150 ml.

Kinh nguyệt là hiện tượng mang tính chu kỳ, lặp lại sau khoảng 28 - 35 ngày

Kinh nguyệt là hiện tượng mang tính chu kỳ, lặp lại sau khoảng 28 - 35 ngày

Mỗi tháng, kinh nguyệt đều ghé thăm nữ giới vì có sự phối hợp nhịp nhàng về chức năng hoạt động giữa hệ thống cơ quan và nội tiết sinh sản. Nếu xảy ra bất cứ vấn đề nào trong quá trình hoạt động của các cơ quan này thì kinh nguyệt sẽ bị rối loạn. 

Ở mỗi kỳ kinh, buồng trứng sẽ rụng 1 - 2 trứng. Khi trứng rụng, nếu gặp được tinh trùng thì sẽ diễn ra quá trình thụ tinh và lớp niêm mạc tử cung không bong nữa vì lúc này nó phải thực hiện chức năng làm tổ. Ngược lại, nếu quá trình ấy không diễn ra thì lớp nội mạc tử cung sẽ tiếp tục bong ra để chuẩn bị cho quá trình đào thải cùng máu kinh ra ngoài âm đạo. Vì thế, khi không có kinh nguyệt cũng đồng nghĩa với việc sức khỏe sinh sản của nữ giới đang bị đe dọa.

2. Tại sao “đến tháng” mà lại không có kinh nguyệt?

2.1. Căng thẳng

Trải qua trạng thái tâm lý căng thẳng trong suốt thời gian dài rất dễ khiến cho quá trình sản xuất hormone giải phóng gonadotropin bị thay đổi, từ đó làm cản trở sự rụng trứng và kinh nguyệt bị rối loạn hoặc mất kinh.

2.2. Thể dục thể thao quá sức

Nếu tập thể dục thể thao quá sức có thể làm cho hormone tuyến giáp và tuyến yên bị thay đổi dẫn đến việc sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt cũng bất bình thường. Hệ lụy sinh ra từ vấn đề này chính là phụ nữ dù đã “đến tháng” những vẫn không có kinh nguyệt. Tất nhiên, nếu việc tập thể dục thể thao chỉ duy trì mỗi ngày khoảng 1 - 2 giờ thì nó sẽ không phải là nguyên nhân gây nên tình trạng này.

2.3. Một số bệnh lý mạn tính

Có một số bệnh lý mạn tính như: tuyến giáp, buồng trứng đa nang, đái tháo đường, u tuyến yên,... khiến cho nữ giới bị mất kinh cho đến khi bệnh được điều trị hiệu quả. 

Mắc hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân khiến cho nữ giới không có kinh nguyệt

Mắc hội chứng buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân khiến cho nữ giới không có kinh nguyệt

Ngoài ra, có một số bệnh lý cấp tính làm cân nặng giảm sút nhanh chóng, thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn nội tiết tố cũng gây ra hiện tượng không có kinh nguyệt ở nữ giới và phải vài tháng sau khi đã điều trị bệnh xong thì kinh nguyệt mới trở về bình thường.

2.4. Đồng hồ sinh học

Vì một lý do nào đó mà lịch trình sinh hoạt bị thay đổi sẽ khiến cho đồng hồ sinh học của cơ thể thay đổi theo và kết quả là đã “đến tháng” nhưng nàng “dâu” vẫn không ghé thăm. 

2.5. Tác động của thuốc

Việc dùng một số loại thuốc như: thuốc tuyến giáp, thuốc trầm cảm, thuốc chống co giật,... dễ gây ra hiện tượng trễ hoặc mất kinh tạm thời. Bên cạnh đó, sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố như: cấy que cấy tránh thai Implanon, đặt vòng tránh thai IUD chứa nội tiết tố Mirena,... cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh.

2.6. Thay đổi về cân nặng

Bỗng nhiên cơ thể phải trải qua sự thay đổi đột ngột và mạnh mẽ về cân nặng thì cũng có thể không có kinh nguyệt. Béo phì ảnh hưởng đến progesterone và  estrogen và thậm chí nó còn làm suy giảm khả năng sinh sản. Mặt khác, chỉ số khối cơ thể quá cao cũng dễ gây vô kinh.

Với những người thiếu cân quá nhiều, do cơ thể bị thiếu chất béo và chất dinh dưỡng nên không có khả năng sản xuất hormone và kết quả là mất kinh tạm thời hoặc có kinh nhưng không đều. Nói chung, việc thay đổi đột ngột về cân nặng gây trở ngại cho việc giải phóng hoặc sản xuất hormone từ đó trở thành nguyên nhân gây mất kinh.

2.7. Đang cho con bú

Khi đang cho con bú rất nhiều phụ nữ không có kinh, kinh ít hoặc kinh nguyệt không đều. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ thể người mẹ đã cung cấp tất cả lượng calo cần thiết cho con.

Nếu không có kinh nguyệt từ 2 tháng trở lên nữ giới nên khám bác sĩ chuyên khoa

Nếu không có kinh nguyệt từ 2 tháng trở lên nữ giới nên khám bác sĩ chuyên khoa

2.8. Đang trong thời kỳ kinh nguyệt không đều

Chu kỳ kinh nguyệt có thể không đều nếu như một thời gian dài trước đó đã bị mất kinh hoặc đang bắt đầu có kinh. Trong độ tuổi dậy thì, các bạn gái có thể bị mất kinh cho đến khi kinh nguyệt bắt đầu trở lại. Ngoài ra, một số can thiệp bằng liệu pháp hormone, thuốc tránh thai cũng có thể gây mất kinh hoặc trong một thời gian bị kinh nguyệt không đều.

2.9. Thời kỳ mãn kinh và tiền mãn kinh

Giai đoạn tiền mãn kinh là thời điểm phụ nữ chuyển từ tuổi sinh sản sang giai đoạn không còn khả năng sinh sản. Lúc này, kinh nguyệt có thể ra nhiều hoặc ít, thường xuyên hoặc mất kinh. Thời kỳ mãn kinh khiến cho trứng không rụng nữa nên phụ nữ cũng không còn kinh nguyệt.

2.10. Mang thai ngoài dạ con

Để chẩn đoán có mang thai không thì sử dụng que thử thai hoặc xét nghiệm máu beta-HCG.

Như vậy có thể thấy rằng hiện tượng không có kinh ở nữ giới xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến thiên chức làm mẹ. Vì thế, nếu tình trạng không có kinh nguyệt đã xảy ra trên 2 tháng hoặc kèm theo dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì tốt nhất nữ giới nên đến khám bác sĩ chuyên khoa.

Nếu còn thắc mắc nào về hiện tượng nữ giới không có kinh nguyệt khi đã “đến tháng”, bạn đọc có thể gọi trực tiếp đến số điện thoại 1900 56 56 56 để nhận được những giải đáp cụ thể từ Tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.