Tin tức
Lý giải hiện tượng tăng canxi máu và cách khắc phục
- 18/09/2021 | Cách nhận biết những triệu chứng thường gặp hạ canxi máu
- 31/08/2021 | Tăng canxi máu ở bệnh nhân ung thư là gì, nguyên nhân do đâu?
- 18/09/2021 | Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào? Phương pháp phòng ngừa ra sao?
1. Các nguyên nhân khiến cho nồng độ canxi máu tăng cao
Canxi có tác dụng củng cố độ bền chắc cho xương và răng, ngoài ra còn giúp cho cơ bắp được hoạt động hiệu quả hơn và là một chất không thể thiếu trong quá trình dẫn truyền thần kinh. Trong trường hợp lượng canxi trong máu không có đủ, tuyến cận giáp sẽ bắt đầu tiết ra một loại hormone với mục đích:
-
Kích thích hệ xương giải phóng thêm canxi vào máu;
-
Kích thích hệ tiêu hóa tăng cường khả năng hấp thu canxi;
-
Kích hoạt thận tạo ra nhiều vitamin D và hạn chế bài tiết ít canxi hơn. Vitamin D vốn có nhiệm vụ quan trọng trong việc giúp hấp thu canxi.
Canxi là một chất rất cần thiết đối với cơ thể con người
Hiện tượng tăng canxi máu xảy ra khi lượng canxi có trong huyết thanh tăng cao hơn so với mức bình thường. Nồng độ canxi máu ở giới hạn bình thường là khoảng 2,1 - 2,6 mmol/L. Nếu nồng độ canxi lớn hơn mức này thì tức là người bệnh đang bị tăng canxi máu. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ gây suy yếu xương, hình thành sỏi thận và ảnh hưởng tới hoạt động của não và tim.
Có nhiều yếu tố làm phá vỡ mức cân bằng của lượng canxi trong máu, cụ thể là do:
-
Sự hoạt động quá mức của tuyến cận giáp: đây được coi là nguyên nhân thường gặp nhất đối với những trường hợp bị tăng canxi máu. Tuyến cận giáp hoạt động quá mức (hay chứng cường cận giáp) có thể là do có khối u nhỏ lành tính hình thành, hoặc là do 1 hay nhiều tuyến cận giáp bị phì đại;
-
Bệnh ung thư: tăng canxi máu thường xảy ra ở những bệnh nhân bị ung thư xương, hoặc mắc bệnh ung thư tại cơ quan khác khi đã bước vào giai đoạn di căn xương;
-
Do một số bệnh lý khác: bệnh lao, u hạt (sarcoidosis) có thể là nguyên nhân khiến nồng độ vitamin D trong máu gia tăng, gây kích thích hệ tiêu hóa tăng cường hấp thụ nhiều canxi hơn;
-
Những người bị hạn chế vận động: bệnh nhân luôn ở trong tình trạng nằm trên giường bệnh hoặc xe lăn lâu ngày sẽ dễ bị tăng canxi máu. Nguyên nhân là vì những phần xương không phải chịu trọng lượng của cơ thể sẽ dần giải phóng bớt canxi vào trong máu;
-
Tình trạng mất nước nghiêm trọng cũng là yếu tố khiến tăng canxi máu mức độ nhẹ;
-
Những người uống bổ sung quá nhiều vitamin D hoặc canxi khiến gia tăng và dư thừa lượng canxi trong máu nhiều hơn mức bình thường;
-
Tác dụng phụ của thuốc: ví dụ như thuốc lithium được dùng trong điều trị bệnh rối loạn lưỡng cực, có thể kích thích cơ thể giải phóng hormone của tuyến cận giáp;
2. Biểu hiện khi bị tăng canxi máu
Nếu chỉ tăng canxi ở mức độ nhẹ trong máu, bệnh nhân có thể không cảm nhận rõ rệt các triệu chứng đặc hiệu. Tuy nhiên nếu tăng nhiều thì tình trạng này sẽ gây nên một loạt các dấu hiệu bất thường ở những cơ quan khác nhau:
-
Xương và cơ bắp: do xương là bộ phận giải phóng canxi trong hầu hết các trường hợp tăng canxi máu nên xương sẽ trở nên suy yếu, đau nhức và yếu cơ;
-
Hệ tiêu hóa: tăng canxi máu có thể gây buồn nôn, nôn mửa, khó chịu ở dạ dày và táo bón;
-
Thận: do lượng canxi máu gia tăng nên thận sẽ phải làm việc vất vả hơn để lọc, gây nên hiện tượng mất nước và tiểu nhiều;
-
Tim mạch: bệnh nhân có thể bị rối loạn nhịp tim, đánh trống ngực, gặp một số vấn đề khác về tim mạch, thậm chí ngất xỉu;
-
Não bộ: nồng độ canxi trong máu tăng còn khiến cho người bệnh dễ bị mệt mỏi, lờ đờ, hay nhầm lẫn hoặc nghiêm trọng hơn là bị trầm cảm.
3. Cách khắc phục tình trạng tăng canxi máu
Trong trường hợp bị tăng nhẹ canxi trong máu, bệnh nhân trước hết nên theo dõi tiến triển của bệnh thông qua các biểu hiện ở xương và thận theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra nếu bệnh nhân tăng canxi máu ở mức trung bình và lưu ý khi tăng canxi máu cao là một cấp cứu thì bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số biện pháp như sau:
Sử dụng thuốc điều trị ví dụ như một số thuốc sau:
-
Bisphosphonate: được dùng theo đường tiêm tĩnh mạch trong điều trị loãng xương, công dụng là làm giảm nồng độ canxi và thường sử dụng khi điều trị chứng tăng canxi máu ở bệnh nhân ung thư. Các tác dụng phụ không mong muốn của Bisphosphonate là gãy xương đùi hoặc hoại tử xương hàm;
-
Calcimimetics (Cinacalcet): một điểm khá đặc biệt ở loại thuốc này là có thể “sao chép” bắt chước theo canxi đang có trong máu, từ đó tuyến cận giáp tưởng lầm đó là canxi thật nên giải phóng hormone tuyến cận giáp, giúp điều tiết hoạt động của tuyến cận giáp;
-
Calcitonin: đây là loại thuốc chiết xuất từ hormone cá hồi, có tác dụng kiểm soát tốt nồng độ canxi trong máu nhưng có tác dụng phụ là khiến cho người bệnh bị buồn nôn nhẹ;
-
Prednisone: thuộc nhóm thuốc steroid, khá hiệu quả đối với những trường hợp bị tăng canxi máu do sự gia tăng vitamin D;
-
Denosumab: dùng trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư có triệu chứng tăng canxi máu đã điều trị bằng Bisphosphonate nhưng không hiệu quả;
-
Thuốc lợi tiểu quai (furosemide) và dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch: thường áp dụng đối với những bệnh nhân có nồng độ canxi trong máu quá cao nên cần thực hiện cấp cứu để hạ mức canxi xuống một cách nhanh chóng, tránh các tổn thương xảy ra với hệ thần kinh và tim mạch.
Bệnh nhân bị tăng canxi máu cần theo dõi chỉ số canxi thường xuyên
Phương pháp khác:
Nếu tăng canxi máu là do cường cận giáp, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật, xét nghiệm hình ảnh để kiểm tra xem tuyến cận giáp nào đang hoạt động bất thường.
4. Tăng canxi máu có thể gây nên những biến chứng gì?
Khi bị tăng canxi máu cấp độ nặng, bệnh nhân có thể phải đối diện với những biến chứng sau:
-
Sỏi thận: khi trong nước tiểu có quá nhiều canxi sẽ hình thành các tinh thể đọng lại trong thận, lâu ngày sẽ hình thành nên sỏi thận có thể gây đau đớn cho bệnh nhân;
-
Suy thận: thận của người bệnh có thể bị hỏng nặng khi nồng độ canxi máu cao. Điều này dẫn đến việc bài tiết nước tiểu và khả năng làm sạch máu bị hạn chế rất nhiều;
-
Loãng xương: canxi từ xương nếu vẫn cứ tiếp tục bị giải phóng vào máu, bệnh nhân sẽ bị loãng xương, xương yếu dần và dễ gãy, cong cột sống và giảm chiều cao (còng lưng);
-
Rối loạn nhịp tim: khi bị tăng canxi máu, xung điện điều hòa nhịp tim cũng bị ảnh hưởng khiến nhịp tim bất thường, tim đập không đều;
-
Gặp vấn đề về hệ thần kinh: bệnh nhân gặp hiện tượng hay nhầm lẫn, mất trí nhớ hoặc hôn mê, nghiêm trọng nhất là tử vong.
Các biến chứng nguy hiểm khi nồng độ canxi trong máu quá cao
Nhìn chung, tình trạng tăng canxi máu báo hiệu cơ thể đang gặp phải vấn đề bất thường nào đó nên bệnh nhân nếu có các triệu chứng lâm sàng của hiện tượng này cần đi khám ngay để được điều trị càng sớm càng tốt. Khi được chữa trị đúng cách, đúng thời điểm thì tỷ lệ biến chứng sẽ đỡ hơn rất nhiều.
Để biết thêm thông tin chi tiết về dịch vụ thăm khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, quý bạn đọc hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 1900565656. Có rất nhiều gói khám với ưu đãi hấp dẫn và chi phí phải chăng đang được triển khai tại MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!