Tin tức

Lý giải khoa học về bệnh nhân HIV đầu tiên khỏi bệnh

Ngày 09/10/2014
Hoàng Lan - Theo Livescience
Cho đến nay, chỉ mới duy nhất một người được cho là chữa khỏi HIV - đó là Timothy Ray Brown. Nhưng đáng tiếc là không ai biết chính xác phương pháp điều trị nào đã giúp Brown chữa khỏi "căn bệnh thế kỷ" này.

Thí nghiệm mới với loài khỉ đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy có sự đột biến di truyền hiếm gặp ở người đã hiến tặng tủy cho Brown, có thể chính điều đó đã giúp Brown khỏi bệnh HIV.

Brown đã thoát khỏi virus HIV vào năm 2007 sau khi trải qua cuộc điều trị bệnh bạch cầu tại Đức, một loại bệnh ung thư tế bào máu trắng. Khi điều trị bệnh bạch cầu, đầu tiên Brown được xạ trị để diệt các tế bào ung thư và tế bào gốc trong tủy tạo ra tế bào ung thư, sau đó anh được ghép tủy từ một người hiến tặng khỏe mạnh để tạo ra các tế bào máu mới.

Sau khi điều trị, không chỉ bệnh bạch cầu thuyên giảm, mà mức độ nhiễm HIV của Brown cũng giảm mạnh đến mức không thể dò ra virus HIV nữa và từ đó đến nay, tình hình vẫn tốt như thế, dù Brown không hề dùng thuốc kháng virus (ARV) - loại thuốc thường được dùng để kiềm chế mức độ nhiễm HIV trong cơ thể bệnh nhân.

Có thể do Brown đã được cấy ghép tủy từ một người có đột biến di truyền hiếm gặp, nên virus HIV trong cơ thể anh đã giảm đến mức không còn tìm thấy. Loại đột biến này giúp tạo ra các tế bào CD4-T, là những tế bào miễn dịch giúp chống lại sự lây nhiễm của virus HIV, ngăn cản virus xâm nhập vào tế bào.

Tuy nhiên, cũng có thể biện pháp xạ trị đã giết chết gần như tất cả các tế bào của Brown, trong đó có các tế bào chứa virus HIV.

Ngoài ra, còn một khả năng nữa là các tế bào miễn dịch mới (được sản sinh nhờ các tế bào tủy xương vừa cấy ghép) đã tấn công vào các tế bào gốc của Brown. Các tế bào miễn dịch mới có thể đã giết chết bất cứ tế bào nào chứa HIV trong cơ thể Brown.

Trong một nghiên cứu nhỏ, Tiến sĩ Guido Silvestri, một nhà nghiên cứu bệnh học tại Đại học Emory ở Atlanta (Mỹ) và các đồng nghiệp đã áp dụng phương pháp điều trị tương tự cho ba con khỉ, nhằm tìm ra giải pháp điều trị ung thư nào đã giúp diệt trừ các virus HIV.

Những con khỉ này bị nhiễm Simian-Human Immunodeficiency Virus, hay gọi tắt là virus SHIV, đó là một loại virus liên quan đến HIV và gây ra căn bệnh tương tự như bệnh AIDS ở động vật. Chúng được uống thuốc kháng virus trong một thời gian, để bắt chước chính xác tình hình của bệnh nhân HIV. Sau đó, chúng cũng trải qua các cuộc xạ trị và được cấy ghép tế bào tủy xương của chính chúng. Những tế bào này được lấy trước khi chúng bị nhiễm SHIV.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra quá trình xạ trị đã diệt hầu hết tế bào máu và miễn dịch của khỉ, trong đó có tới 99% tế bào CD4-T. Phát hiện này cho thấy một khả năng, đó là bức xạ có thể là một bước quan trọng trong việc Brown khỏi bệnh HIV, bằng cách giết chết hầu hết các tế bào chứa HIV.

Các nhà khoa học cũng nhận thấy việc cấy ghép tủy đã dẫn đến việc tạo ra tế bào máu và tế bào miễn dịch không chứa HIV trong vòng một vài tuần, cho thấy rằng thí nghiệm cấy ghép tủy xương ở khỉ đã thành công. Nếu những con khỉ cũng chữa khỏi HIV, các nhà nghiên cứu sẽ có thể loại trừ khả năng về đột biến di truyền hiếm gặp, bởi vì các con khỉ này đều được cấy ghép tủy của chính chúng.

Nhưng sau khi điều trị, nếu các nhà nghiên cứu không cho khỉ uống thuốc thuốc kháng virus, có 2 trong số 3 con khỉ lại có mức độ virus HIV nhanh chóng tăng trở lại.

Con khỉ thứ ba, đã chết sau khi bị suy thận, vẫn dính một số mức độ nhiễm HIV trong một số mô. Như vậy, không một con khỉ nào khỏi bệnh HIV nhờ phương pháp điều trị trên.

Các phát hiện này hỗ trợ cho ý tưởng mặc dù xạ trị có thể làm giảm nồng độ HIV, nhưng vẫn không đủ để loại bỏ tất cả các tế bào chứa virus. Kết quả cho thấy trong trường hợp của Brown, sự đột biến di truyền của người hiến tặng tủy xương "đóng vai trò quan trọng" giúp chữa khỏi HIV.

Phương pháp điều trị cho Brown đã được thử nghiệm với ít nhất hai bệnh nhân HIV khác, những người cũng có u lympho - ung thư hạch bạch huyết. Tuy nhiên, trong trường hợp này, những người hiến tủy xương không có đột biến hiếm gặp trong gen CCR5. Ban đầu, các bệnh nhân có vẻ đã thoát khỏi HIV, nhưng sau một vài tháng, virus lại trở lại và bệnh nhân phải dùng thuốc kháng virus.

Nguồn: vnreview.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.