Tin tức
Mạch máu nổi ở tinh hoàn và những điều nam giới cần biết
- 07/09/2024 | Xoắn tinh hoàn ở trẻ nhỏ: Những điều ba mẹ nhất định phải biết
- 12/09/2024 | Vì sao bị teo tinh hoàn? Cách điều trị bệnh như thế nào?
- 18/09/2024 | Vì sao nam giới bị giãn tĩnh mạch tinh hoàn? Cách chữa bệnh như thế nào?
1. Nguyên nhân mạch máu nổi ở tinh hoàn
Giãn tĩnh mạch thừng tinh được cho là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng mạch máu nổi ở tinh hoàn. Trong đó, đại đa số các trường hợp xảy ra ở tinh hoàn trái, khoảng 10% còn lại là các trường hợp mắc cả hai bên. Vậy giãn tĩnh mạch thừng tinh do đâu?
Trong tĩnh mạch thừng tinh, hệ thống van một chiều giữ nhiệm vụ điều hướng máu về tim. Khi những van này không hoạt động hiệu quả, máu có thể chảy ngược, tích tụ và tạo áp lực lên tĩnh mạch thừng tinh. Điều này khiến tĩnh mạch giãn nở và trở nên lồi lên, có thể quan sát thấy bằng mắt thường.
Ngoài nguyên nhân trên thì giãn tĩnh mạch thừng tinh còn có thể do các bất thường trong vùng bụng. Chẳng hạn, trong thận xuất hiện khối u lớn chèn ép các tĩnh mạch trong bụng và gây áp lực lên các tĩnh mạch vùng bìu, khiến cho các tĩnh mạch tại đây giãn nở và nổi lên. Tuy nhiên, nguyên nhân này khá hiếm gặp.
Mạch máu nổi ở tinh hoàn do các tĩnh mạch thừng tinh bị giãn nở
2. Mạch máu nổi ở tinh hoàn kèm những triệu chứng nào?
Như đã nói, chúng ta có thể nhìn thấy được các mạch máu nổi ở tinh hoàn bằng mắt thường. Và đi kèm với hiện tượng này là các triệu chứng sau, cũng chính là triệu chứng của giãn tĩnh mạch thừng tinh.
- Vùng bìu thường gây ra cảm giác đau âm ỉ, và cảm giác này có thể tăng lên khi nam giới vận động, làm việc nặng hoặc gắng sức. Tuy nhiên, cơn đau có thể giảm khi họ nghỉ ngơi hoặc thư giãn.
- Tinh hoàn có thể thay đổi về hình dáng và kích thước, không cân xứng giữa hai bên.
- Nhiệt độ vùng bìu cũng cao hơn bình thường, điều này có thể dẫn đến co thắt, teo tinh hoàn và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây hoại tử tế bào tinh hoàn.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh khiến nam giới bị đau âm ỉ ở bìu
3. Các biến chứng của mạch máu nổi ở tinh hoàn là gì?
Nam giới không được chủ quan với hiện tượng mạch máu nổi ở tinh hoàn, nhất là khi cơ thể xuất hiện thêm nhiều triệu chứng khác. Những triệu chứng này một mặt khiến nam giới sinh hoạt bất tiện, mặt khác, tiềm ẩn các biến chứng cho đời sống tình dục và chức năng sinh sản.
- Nhiệt độ tinh hoàn tăng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tinh trùng, làm suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dẫn đến giảm khả năng sinh sản.
- Tĩnh mạch bị ứ đọng máu gây bất lợi cho sự sống của tinh trùng trong tinh hoàn.
- Tinh hoàn không nhận đủ oxy và máu nên suy giảm chức năng, cụ thể là giảm khả năng sinh tinh.
- Bên tinh hoàn bị giãn tĩnh mạch teo, co và trở nên nhỏ hơn so với bên tinh hoàn còn lại, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nam giới.
- Gây rối loạn nội tiết khiến sức khỏe tinh thần, tâm sinh lý của nam giới bị ảnh hưởng nặng nề.
Nói chung, các biến chứng của mạch máu nổi ở tinh hoàn là làm thay đổi tâm sinh lý của nam giới, từ đó, tác động tiêu cực đến đời sống tình dục. Ngoài ra, một số người còn đối mặt với nguy cơ vô sinh, hiếm muộn. Tuy nhiên, không phải ai cũng gặp phải các biến chứng này. Quan trọng nhất là phát hiện và điều trị kịp thời để giảm thiểu tối đa các biến chứng.
Tĩnh mạch nổi ở tinh hoàn có thể tác động tiêu cực đến đời sống chăn gối
4. Phương pháp điều trị mạch máu nổi ở tinh hoàn
Tùy vào từng tình trạng mà bác sĩ sẽ quyết định điều trị hay không điều trị mạch máu nổi ở tinh hoàn. Hay nói cách khác, mức độ bệnh sẽ giúp bác sĩ xác định có điều trị không, nếu có thì điều trị như thế nào.
Mức độ bệnh
Mức độ bệnh ở đây được hiểu là mức độ giãn tĩnh mạch thừng tinh, bao gồm:
- Độ 0: Các triệu chứng nhẹ, khó quan sát thấy, chỉ nhìn rõ được khi siêu âm.
- Độ 1: Có thể phát hiện được bệnh khi thăm khám lâm sàng và làm nghiệm pháp Valsalva.
- Độ 2: Người bệnh có thể sờ được búi tĩnh mạch tại bìu ở tư thế đứng thẳng.
- Độ 3: Bìu bị biến dạng, dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.
- Độ 4: Những mạch máu nổi rõ trên bìu.
Điều trị
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ sẽ đưa ra quyết định điều trị cho những trường hợp bị giãn tĩnh mạch thừng tinh nặng khiến người bệnh bị đau kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tinh trùng.
Còn những trường hợp giãn tĩnh mạch tinh mức độ nhẹ, không đau hoặc người mắc không có trở ngại nào trong vấn đề sinh sản, bác sĩ sẽ khuyên theo dõi tiếp trong một thời gian.
Phương pháp điều trị được áp dụng nhiều nhất hiện nay là phẫu thuật thắt tĩnh mạch thừng tinh giãn, bao gồm phẫu thuật mở, phẫu thuật qua đường bẹn, bìu hay phẫu thuật nội soi. Mục đích của phẫu thuật là xử lý tĩnh mạch bị giãn, bảo tồn động mạch ống dẫn tinh.
Điều trị tĩnh mạch nổi ở tinh hoàn bằng phẫu thuật
Sau điều trị
Sau phẫu thuật điều trị mạch máu nổi ở tinh hoàn, người bệnh cần lưu ý:
- Tại vết mổ có thể sưng đau và chảy dịch, nhưng đừng quá lo lắng. Chỉ cần vệ sinh và thay băng cho vết mổ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ là được.
- Sau 2 ngày, vết mổ tương đối lành, người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng nhưng đừng vận động quá mạnh.
- Sau 7 - 10 ngày, vết mổ lành và bìu có xu hướng co lên, điều này là bình thường.
- Sau 20 - 25 ngày, vết mổ đã lành hẳn, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường.
- Người bệnh cần ăn uống, sử dụng thuốc theo chỉ định. Đồng thời, trao đổi với bác sĩ về thời điểm khi nào có thể quan hệ, sinh hoạt tình dục được.
- Tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ và tái khám ngay nếu vết mổ đau kéo dài, bị chảy máu hoặc dịch, người sốt, ớn lạnh,…
Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bạn biết được mạch máu nổi ở tinh hoàn do đâu, điều trị như thế nào. Mọi nhu cầu thăm khám và điều trị các bệnh lý ở nam giới, bạn hãy đến Chuyên khoa Nam khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách có thể đặt lịch tại MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!