Tin tức
Mọi điều cần biết về xét nghiệm tiền sản giật
- 22/03/2022 | Tiền sản giật nguy hiểm không và biến chứng thường gặp
- 22/03/2022 | Bác sĩ chỉ rõ triệu chứng tiền sản giật điển hình nhất
- 20/01/2021 | Những triệu chứng tiền sản giật mẹ bầu nhất định không thể bỏ qua
1. Xét nghiệm tiền sản giật dành cho ai, có ý nghĩa gì?
1.1. Tiền sản giật là bệnh gì?
Tiền sản giật là hội chứng thai nghén toàn thân xảy ra từ tuần thứ 20 của thai kỳ với 3 triệu chứng đặc trưng là tăng huyết áp, phù và xuất hiện protein niệu. Hội chứng này không được điều trị sớm có thể làm tổn thương đa cơ quan trong cơ thể mẹ, đe dọa tính mạng thai nhi.
Tiền sản giật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ
1.2. Xét nghiệm tiền sản giật: đối tượng và ý nghĩa
1.2.1. Đối tượng của xét nghiệm tiền sản giật
Mọi thai phụ mang thai từ tuần 11 đến 13 tuần 6 ngày đều nên làm sàng lọc tiền sản giật (theo quyết định số 1911/QĐ-BYT), đặc biệt là các trường hợp:
- Thai phụ có gen di truyền hoặc tiền sử với tiền sản giật
- Thai phụ mang đa thai.
- Phụ nữ mang thai ở độ tuổi quá lớn.
- Thai phụ bị phù toàn thân hoặc tăng cân nhanh quá mức bình thường.
- Khoảng cách giữa các lần mang thai quá gần hay quá xa: dưới 12 tháng hoặc trên 10 năm.
1.2.2. Ý nghĩa của xét nghiệm tiền sản giật
Xét nghiệm tiền sản giật nên được tiến hành khi thai nhi từ 11 tuần 0 ngày đến 13 tuần 6 ngày. Vậy ý nghĩa của việc xét nghiệm tiền sản giật là gì? Bằng cách thực hiện xét nghiệm này, thai phụ sẽ được tính toán nguy cơ và sàng lọc khả năng bị tiền sản giật. Trường hợp có nguy cơ cao, thai phụ sẽ được tư vấn liệu trình kiểm soát bệnh hiệu quả. Nếu có nguy cơ thấp cũng không có nghĩa là thai phụ sẽ không bị tiền sản giật mà vẫn cần thăm khám thai định kỳ để dự phòng và phát hiện bệnh kịp thời.
2. Các loại xét nghiệm tiền sản giật
Hiện nay, các xét nghiệm sau đang được dùng để chẩn đoán tiền sản giật cho thai phụ:
2.1. Xét nghiệm máu đo nồng độ Elecsys sFlt-1 và PIGF
Đây là xét nghiệm miễn dịch tự động đầu tiên có tác dụng hỗ trợ chẩn đoán tiền sản giật và phân biệt hội chứng này với các trường hợp rối loạn huyết áp khác. Cũng nhờ đó mà bác sĩ có cơ sở phân tầng và theo dõi hiệu quả tiến triển của bệnh.
PIGF là một yếu tố tăng trưởng có vai trò quan trọng đối với cải tạo mạch máu nhau thai; sFlt-1 là yếu tố cần cho sự phát triển của tế bào nội mạc hòa tan giữ nhiệm vụ kháng tân tạo mạch máu trong giai đoạn thai nhi phát triển.
Xét nghiệm tiền sản giật giúp đo nồng độ PlGF - yếu tố quyết định sự tăng trưởng thai nhi
So với thai phụ có sức khỏe bình thường và có cùng độ tuổi thai thì thai phụ bị tăng huyết áp dẫn đến tiền sản giật nồng độ PlGF giảm còn nồng độ sFlt-1 tăng. Sự thay đổi nồng độ này thường xuất hiện từ trước khi thai phụ có triệu chứng tiền sản giật lâm sàng.
Chính vì thế mà thông qua sự thay đổi nồng độ của PIGF và sFlt-1 trong xét nghiệm tiền sản giật mà bác sĩ có thể chẩn đoán tiền sản giật từ 3 tháng giữa của thai kỳ. Đây cũng là 2 dấu ấn sinh học có giá trị chẩn đoán phân biệt tiền sản giật ở thai phụ đã từng mắc bệnh nội khoa có triệu chứng tương tự với tiền sản giật trước khi mang thai như: viêm cầu thận, lupus ban đỏ, tăng huyết áp,...
2.2. Xét nghiệm nước tiểu đo protein niệu
Đây cũng là một trong các xét nghiệm không thể bỏ qua để sàng lọc nguy cơ tiền sản giật. Thông qua chỉ số protein trong nước tiểu bác sĩ sẽ có căn cứ để xác định mức độ bệnh.
Chẩn đoán protein niệu trong thai kỳ khi lượng protein bài xuất trong nước tiểu ≥ 300 mg/24 giờ, hoặc tỷ lệ protein/creatinine niệu ≥ 0,3 (mg/dl) (Quyết định số 1911/QĐ-BYT). Trường hợp này nếu kèm theo phù chân, tăng huyết áp bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra tiền sản giật ngay.
2.3. Kiểm tra sức khỏe thai nhi
Đây là hình thức kiểm tra nhịp tim của thai nhi trong quá trình vận động để chắc chắn về việc thai nhi có được nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng hay không. Kết quả thu được kết hợp cùng dữ liệu siêu âm thai để tạo thành trắc đồ sinh lý học về hoạt động hô hấp, chuyển động của thai nhi cùng lượng nước ối của thai phụ.
Nếu thấy cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số kiểm tra khác đi kèm như: kiểm tra chức năng đông máu, dự trữ kiềm và điện giải đồ.
Khám thai và siêu âm định kỳ giúp phát hiện sớm nguy cơ tiền sản giật
2.4. Siêu âm thai
Mục đích của kiểm tra này là theo dõi quá trình phát triển của thai nhi. Đây là hình thức kiểm tra luôn có mặt trong các lần khám thai định kỳ. Thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ đo được trở kháng động mạch tử cung, ước lượng nước ối để đánh giá sự an toàn của thai nhi. Thai phụ bị tiền sản giật thì khi siêu âm, chỉ số trở kháng động mạch tăng.
3. Đôi điều lưu ý
Nguyên nhân tiền sản giật đến nay vẫn chưa được kết luận chính xác và vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Vì thế, để chủ động phòng ngừa nguy cơ mắc phải hội chứng này, thai phụ nên:
- Không bỏ qua bất cứ lịch khám thai nào để chắc chắn rằng thai nhi đang phát triển khỏe mạnh và thai phụ đang có một thai kỳ an toàn. Qua các lần khám thai, nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm tiền sản giật để sàng lọc bệnh cho thai phụ.
- Tự theo dõi huyết áp và cân nặng thường xuyên để nếu phát hiện bất thường cần thông báo ngay với bác sĩ.
- Nếu bỗng nhiên xuất hiện các triệu chứng: tăng cân bất thường, khó thở nghiêm trọng, đau bụng dưới dữ dội, mờ mắt, đau đầu trầm trọng,... thì thai phụ cần khám bác sĩ ngay.
Quản lý thai kỳ với sự tuân thủ hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa là việc cần thiết để thai phụ có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
Để chăm sóc thai kỳ toàn diện, quý khách hàng có thể tham khảo dịch vụ tại Chuyên khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tại đây có đội ngũ bác sĩ sản khoa giàu kinh nghiệm, giỏi chuyên môn luôn sẵn sàng tư vấn các xét nghiệm tiền sản giật phù hợp và theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ để có phương án bảo vệ tốt nhất.
Quý khách có nhu cầu đặt lịch xét nghiệm, tìm hiểu xét nghiệm tiền sản giật hết bao nhiêu tiền hay các vấn đề liên quan có thể gọi tới hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được giải đáp cặn kẽ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!