Tin tức

Những bệnh thường gặp ở tuổi mãn kinh và phương pháp phòng ngừa

Ngày 10/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Tuổi mãn kinh không chỉ đánh dấu sự kết thúc chu kỳ sinh sản mà còn kéo theo hàng loạt bệnh lý như loãng xương, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phụ khoa, rối loạn mỡ máu, trầm cảm,… Bài viết dưới đây cùng bạn tìm hiểu về những bệnh thường gặp ở tuổi mãn kinh và phương pháp phòng ngừa hiệu quả để yên tâm vượt qua giai đoạn này.

1. Như thế nào gọi là tuổi mãn kinh?

Mãn kinh là giai đoạn sinh lý tự nhiên xảy ra khi buồng trứng của người phụ nữ ngừng sản xuất hormone sinh dục estrogen trong ít nhất 12 tháng liên tục. Giai đoạn này thường xảy ra ở độ tuổi 45 - 55, kéo theo nhiều sự thay đổi của cơ thể như:

  • Chu kỳ kinh nguyệt dừng hẳn.
  • Gặp hiện tượng nóng bừng người, đổ mồ hôi đêm.
  • Rối loạn giấc ngủ.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Dễ cáu gắt, lo âu, trầm cảm.

Phụ nữ tuổi mãn kinh thường xuyên gặp tình trạng nóng bừng người, cáu gắt, mệt mỏi

Phụ nữ tuổi mãn kinh thường xuyên gặp tình trạng nóng bừng người, cáu gắt, mệt mỏi

2. Lý do nào khiến phụ nữ tăng nguy cơ mắc bệnh ở độ tuổi mãn kinh?

Nguyên nhân chính gây nên những bệnh thường gặp ở tuổi mãn kinh là:

  • Suy giảm nội tiết tố nữ.
  • Lối sống ít vận động dễ gây béo phì, loãng xương, trầm cảm,...
  • Chế độ ăn uống quá nhiều đường, chất béo bão hòa và ít rau xanh gây rối loạn mỡ máu, tiểu đường,...
  • Áp lực từ công việc, gia đình, thay đổi vai trò xã hội,... làm gia tăng căng thẳng tinh thần từ đó tạo áp lực lên hệ thần kinh của phụ nữ tuổi mãn kinh.

Những yếu tố này kết hợp với chế độ chăm sóc sức khỏe không khoa học sẽ khiến phụ nữ tuổi mãn kinh có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý khác nhau.

3. Những bệnh thường gặp ở tuổi mãn kinh

3.1. Loãng xương

Sự suy giảm nội tiết tố estrogen khiến quá trình tái tạo xương bị chậm lại và làm tăng tốc độ tiêu xương. Đây chính là lý do làm cho mật độ xương giảm sút nhanh chóng, gây ra tình trạng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh với các triệu chứng: đau nhức âm ỉ vùng cột sống, giảm chiều cao, dễ gãy xương sau những chấn động nhẹ,...

3.2. Bệnh tim mạch

Estrogen đóng vai trò bảo vệ tim mạch nên nội tiết tố này suy giảm, phụ nữ có nguy cơ đối mặt với những bệnh thường gặp ở tuổi mãn kinh như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,...

Những bệnh lý này thường có triệu chứng chung là: hồi hộp, khó thở, đau ngực, mệt mỏi khi hoạt động gắng sức,... Nếu không phát hiện sớm để có phương án điều trị, bệnh tim mạch có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh lý tim mạch rất dễ gặp phải ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh

Bệnh lý tim mạch rất dễ gặp phải ở phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh

3.3. Rối loạn mỡ máu

Suy giảm estrogen cũng là nguyên nhân gây mất cân bằng mỡ máu với tình trạng tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt. Đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu cho bệnh tim mạch.

Hầu hết các trường hợp phụ nữ tuổi mãn kinh bị rối loạn mỡ máu không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ được phát hiện qua xét nghiệm máu khi kiểm tra sức khỏe. Nếu không được kiểm soát sớm, rối loạn mỡ máu sẽ làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim.

3.4. Đái tháo đường type 2

Tuổi mãn kinh thường kéo theo thay đổi chuyển hóa trong cơ thể, khiến việc kiểm soát glucose trở nên khó khăn từ đó tăng khả năng mắc đái tháo đường type 2. Đây cũng là một trong những bệnh thường gặp ở độ tuổi mãn kinh, với triệu chứng điển hình là: nhìn mờ, mệt mỏi, ăn nhiều nhưng sụt cân, tiểu nhiều lần, thường xuyên khát nước,... 

Nếu không điều trị sớm, đái tháo đường type 2 có thể gây tổn thương thận, mắt, thần kinh và tim mạch.

3.5. Trầm cảm và rối loạn lo âu

Nội tiết tố nữ cũng ảnh hưởng đến tâm trạng và giấc ngủ. Khi estrogen giảm, serotonin trong não cũng bị ảnh hưởng nên phụ nữ tuổi mãn kinh có thể bị tăng cảm giác lo âu, trầm cảm

Triệu chứng điển hình cho tình trạng này là: chán ăn, mất ngủ, dễ xúc động, buồn bã không lý do, không còn hứng thú với các hoạt động yêu thích,... Nếu kéo dài, trầm cảm có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, gây suy giảm trí nhớ hoặc xuất hiện các ý nghĩ tiêu cực.

3.6. Bệnh Alzheimer

Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ cao hơn nam giới mắc Alzheimer do mất đi khả năng bảo vệ của estrogen lên các tế bào thần kinh. Bệnh lý này gây nên triệu chứng: hay quên, lú lẫn, mất định hướng, khó nhận biết người quen hoặc địa điểm quen thuộc,... 

Bệnh Alzheimer tiến triển âm thầm và nặng dần theo thời gian, khiến người bệnh dần mất đi khả năng tự phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

3.7. Bệnh phụ khoa

Sự suy giảm hormone estrogen khiến niêm mạc âm đạo mỏng và khô hơn nên phụ nữ mãn kinh dễ bị nhiễm khuẩn. Đây chính là lý do khiến cho bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm âm hộ,... trở thành một trong những bệnh thường gặp ở tuổi mãn kinh.

4. Phương pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp ở tuổi mãn kinh

Để phòng ngừa nguy cơ mắc phải những bệnh thường gặp ở tuổi mãn kinh, bạn nên: 

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với sự tăng cường nhóm chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây,... và thực phẩm giàu canxi như đậu hũ, sữa, các loại cá nhỏ,...
  • Tập thể dục đều đặn 30 phút/ngày giúp cải thiện tuần hoàn, kiểm soát cân nặng, ổn định đường huyết và giảm stress.
  • Ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi đêm và tham gia các hoạt động yêu thích để chăm sóc đời sống tinh thần, tránh căng thẳng.
  • Khám sức khỏe định kỳ nhằm tầm soát nguy cơ bị mỡ máu, tiểu đường, bệnh phụ khoa, loãng xương,... 
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa về việc sử dụng thực phẩm chức năng chứa isoflavone, vitamin D, canxi, omega-3,... để bảo vệ sức khỏe tim mạch, xương khớp và nội tiết tố.

Khách hàng khám sức khỏe, tầm soát những bệnh lý thường gặp ở tuổi mãn kinh tại MEDLATEC

Khách hàng khám sức khỏe, tầm soát những bệnh lý thường gặp ở tuổi mãn kinh tại MEDLATEC

Tuổi mãn kinh là giai đoạn thay đổi tự nhiên của cơ thể nhưng cũng kéo theo nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý mạn tính. Việc nhận biết sớm những bệnh thường gặp ở tuổi mãn kinh sẽ giúp chị em phụ nữ biết cách khắc phục để duy trì sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mình.

Nếu đang trong độ tuổi tiền mãn kinh hoặc mãn kinh và gặp các triệu chứng như: tiểu đau, tiểu mất kiểm soát, dừng kinh trước 40 tuổi, đau xương khớp trong thời gian dài,... quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56, đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được chẩn đoán nguyên nhân và có biện pháp khắc phục tốt nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ