Tin tức

Nấm da có lây không, biện pháp điều trị và phòng ngừa hiệu quả?

Ngày 28/03/2025
Tham vấn y khoa: BS Nguyễn Thu Trang
Nấm da gây ra tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, khiến da bị tổn thương và mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Bệnh nấm da có lây không là thắc mắc không chỉ của người bệnh mà còn là mối quan tâm của những người sống cùng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ các thông tin liên quan để bạn giải đáp về khả năng lây nhiễm, cách điều trị và phòng ngừa bệnh lý này.

1. Tổng quan về bệnh nấm da

Nấm da là một nhóm các bệnh ngoài da do vi nấm gây ra. Các loại nấm này thường phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, ấm áp và có thể tấn công các vùng da, móng tay, móng chân, hay bất cứ vùng da nào của cơ thể. Trong đó, nấm gây bệnh ở da chia thành nấm nông và nấm sâu, trong đó hay gặp nhất là nấm nông gồm nấm men (candida, malassezia, trichosporon) và nấm sợi (Trichophyton, microsporum, Epidermophyton).

Các triệu chứng của bệnh nấm da sẽ có sự khác nhau tùy vào loại nấm và vùng da bị ảnh hưởng. Trong đó, điển hình nhất là: ngứa, nổi mẩn đỏ gây sưng và rát da, bong tróc ở vùng da bị nấm,...

Tổn thương da do nấm

Tổn thương da do nấm

2. Nấm da có lây không và cách thức lây nhiễm

2.1. Nấm da có thể lây cho người khác không?

Nấm da có lây không là mối quan tâm của rất nhiều bệnh nhân mắc phải bệnh lý này. Các chuyên gia da liễu cho biết, bệnh nấm da có thể lây lan từ vùng da bệnh sang các vùng da lành và lây từ người sang người.

Những yếu tố thuận lợi để lây lan nấm da bao gồm:

- Môi trường ẩm ướt, ấm áp, nhất là các nơi công cộng như phòng tập gym, hồ bơi, phòng xông hơi,...

- Hệ miễn dịch yếu.

- Vệ sinh cá nhân kém.

- Môi trường sống đông người.

- Hoạt động thể thao làm tăng tiết mồ hôi.

2.2. Cách thức lây nhiễm nấm da

Nấm gây bệnh từ người sang người, từ động vật và thực vật sang người, trong đó nấm gây từ động thực vật sang người thường có thương tổn nặng hơn và lây lan nhanh hơn.

Khi đã trả lời được câu hỏi nấm da có lây không, người bệnh nên chú ý đến cách thức lây nhiễm căn bệnh này để phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Căn bệnh nấm da thường lây lan qua:

- Tiếp xúc da - da: Khi có tiếp xúc trực tiếp với vùng da bị nhiễm, nấm dễ dàng di chuyển từ người bệnh sang người lành.

- Sử dụng chung vật dụng: Các đồ dùng cá nhân của người bị nấm da như khăn, giày dép, dụng cụ làm đẹp,... có thể là nguồn lây lan nấm.

- Tiếp xúc với bề mặt nhiễm nấm: Các khu vực công cộng có môi trường ẩm ướt như phòng tập gym, hồ bơi, phòng tắm hơi,... cũng là môi trường thuận lợi cho nấm lây lan.

Bệnh nhân được bác sĩ giải thích nấm da có lây không và hướng dẫn cách thức điều trị

Bệnh nhân được bác sĩ giải thích nấm da có lây không và hướng dẫn cách thức điều trị

3. Chẩn đoán và điều trị nấm da bằng cách nào?

3.1. Chẩn đoán

Nếu nghi ngờ người bệnh mắc nấm da, ngoài việc thăm khám lâm sàng các tổn thương trên da, bác sĩ còn chỉ định những xét nghiệm cần thiết sau đây để xác định chính xác tình trạng nhiễm nấm:

- Cạo da để nhuộm soi tìm kiếm sự hiện diện của vi nấm.

- Nuôi cấy mẫu bệnh phẩm ở vùng da tổn thương để xác định loại nấm gây bệnh.

- Soi đèn Wood phát hiện nấm.

3.2. Điều trị

Hầu hết các trường hợp bị nấm da sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc như:

- Thuốc bôi kháng nấm

Đây là phương pháp điều trị thông dụng cho các trường hợp nấm da mức độ nhẹ. Việc dùng thuốc bôi có tác dụng giảm ngứa, giảm viêm và tiêu diệt vi nấm.

Các loại thuốc bôi chứa thành phần kháng nấm thường được sử dụng như clotrimazole, miconazole, terbinafine,... sẽ được bác sĩ hướng dẫn bôi lên vùng da nhiễm nấm trong 2 - 4 tuần để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn vi nấm. 

- Thuốc chống nấm đường uống

Những loại thuốc này có tác dụng tiêu diệt nấm từ bên trong cơ thể, mang lại hiệu quả toàn thân. Đơn thuốc uống chứa thành phần kháng nấm như itraconazole, fluconazole, terbinafine,... thường được chỉ định dùng trong 2 - 6 tuần tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng và phản ứng của cơ thể. Bệnh nhân cần theo dõi sát các tác dụng phụ và tuân thủ đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả và tránh tình trạng kháng thuốc.

Trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ kết hợp cả thuốc uống và thuốc bôi để đạt hiệu quả điều trị tối ưu, nhất là khi nhiễm trùng lan rộng.

Sau khi kết thúc liệu trình điều trị, người bệnh cần xét nghiệm lại để đánh giá hiệu quả tiêu diệt vi nấm và dự phòng nguy cơ tái phát.

Fluconazole - một trong những loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị nấm da

Fluconazole - một trong những loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định để điều trị nấm da

4. Biện pháp phòng ngừa tái phát nấm da

Ngoài mối quan tâm về việc nấm da có lây không, người bệnh cần lưu ý rằng, đây là bệnh lý có khả năng tái phát cao. Vì thế, để tránh xảy ra tình trạng bệnh tái diễn, người bệnh nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:

4.1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân

Người đã có tiền sử nấm da cần đảm bảo duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng việc:

- Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày và luôn giữ khô ráo các vùng da dễ bị ẩm ướt như nách, khuỷu tay, khu vực bộ phận sinh dục.

- Thay quần áo thường xuyên, nhất là sau khi ra nhiều mồ hôi.

- Không chia sẻ đồ dùng cá nhân với người khác.

- Sau khi tắm, hãy lau khô cơ thể kỹ càng.

4.2. Tăng cường miễn dịch

Hệ miễn dịch khỏe mạnh là yếu tố cần thiết để cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi nấm. Để làm được điều này, người có tiền sử nấm da nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây tươi, đặc biệt là nhóm giàu vitamin C, D và các loại khoáng chất.

Luyện tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc cũng giúp tăng cường sức khỏe, giảm căng thẳng, cải thiện miễn dịch.

4.3. Tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm

Nếu đã biết nấm da có lây không và cách thức lây nhiễm bệnh thì việc tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cũng sẽ giúp tránh tái phát căn bệnh này. Nếu phát hiện người xung quanh đang nhiễm nấm da, bạn hãy tránh tiếp xúc trực tiếp và không chia sẻ đồ dùng cá nhân với họ.

Đối với bệnh nấm da, chẩn đoán và điều trị sớm có vai trò quan trọng đối với khả năng ngăn ngừa lây lan bệnh sang vùng da lành và kiểm soát lây nhiễm cho những người xung quanh. Vì thế, nếu có tổn thương nghi ngờ nấm da, người bệnh nên sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa.

Để được chẩn đoán và điều trị nấm da hiệu quả, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ Da liễu - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ