Tin tức
Ngộ độc vitamin D có biểu hiện gì? Khắc phục ra sao?
- 14/02/2023 | Vitamin D có tác dụng gì? Cách bổ sung vitamin D hợp lý
- 21/04/2023 | Hướng dẫn sử dụng vitamin D3 đúng cách cho trẻ nhỏ
- 21/04/2023 | Vitamin D3 cho người lớn - Bổ sung thế nào cho đúng cách?
1. Các nguồn bổ sung vitamin D
Vitamin D gồm 2 loại đó là vitamin D2 và vitamin D3. Ta có thể tìm thấy vitamin D2 từ nguồn thực vật như rau xanh, nấm. Còn vitamin D3 chứa nhiều trong thịt động vật như trứng, sữa, cá béo,... Không chỉ tồn tại trong thực phẩm, vitamin D3 còn được tổng hợp nhờ tác động của tia UVB từ ánh nắng tự nhiên và nguồn vitamin D3 này chiếm đến 90% số vitamin D3 trong cơ thể người, trong khi đó chỉ có khoảng 10% vitamin D3 là từ thức ăn.
Vitamin D chứa nhiều trong thịt động vật như trứng, sữa, cá béo
Để sử dụng được số vitamin D3 được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời, cơ thể sẽ phải chuyển chúng đến gan và được gắn thêm gốc - OH, sau đó vitamin D3 được chuyển tới thận và có thêm một gốc - OH tại đây để trở thành 1,25 (OH) 2D. Lúc này cơ thể mới sử dụng được.
Dựa trên quy trình này có thể thấy lá gan chỉ giữ vai trò là nơi chuyển tiếp của vitamin D3 chứ không phải là cơ quan dự trữ. Thay vào đó mô mỡ mới là nơi tích trữ vitamin D3.
2. Nên bổ sung vitamin D với mức bao nhiêu thì hợp lý?
Có một điều cần lưu ý là tia UVB trong ánh nắng mặt trời thường chỉ có thể chạm tới trái đất trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 3h chiều. Mà đây lại là thời điểm ánh nắng rất gay gắt có thể gây ung thư da, vì vậy ít người phơi nắng vào khoảng thời gian này. Bên cạnh đó, việc phơi nắng để bổ sung vitamin D còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết (mùa đông mây che ít nắng, mùa mưa), dùng kem chống nắng, màu da (da càng tối màu càng khó hấp thụ vitamin D),...
Vì vậy nguồn bổ sung vitamin D hợp lý hơn cả là từ thực phẩm thiên nhiên kết hợp với thực phẩm chức năng. Tùy từng đối tượng sẽ có mức bổ sung phù hợp, cụ thể:
-
Đối với trẻ còn bú mẹ: vitamin D trong sữa mẹ có hàm lượng thấp và trẻ cũng không nên được phơi nắng buổi trưa, vì vậy cha mẹ nên bổ sung cho trẻ khoảng 400IU vitamin D3/ngày cho đến khi 1 tuổi. Phụ huynh cũng cần cân đối lượng vitamin D3 bổ sung ngoài với vitamin D3 có trong sữa công thức đối với những trẻ dùng sữa này. Ngoài 1 tuổi thì phụ thuộc vào thời gian trẻ được tiếp xúc với ánh nắng và chế độ dinh dưỡng hàng ngày để bổ sung cho hợp lý. Tốt nhất nên cho trẻ khám dinh dưỡng để được tư vấn bởi bác sĩ nhi khoa;
-
Đối với người lớn: những người ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, các mẹ bầu hoặc đang cho con bú thì nên bổ sung vitamin D với liều khuyến cáo là 600UI/ngày (khoảng 15 microgram bao gồm vitamin D từ thức ăn và bổ sung từ thuốc);
-
Đối với người cao tuổi (> 71 tuổi): nên bổ sung khoảng 800UI/ngày (tương đương 20 microgram).
Bạn cũng có thể bổ sung vitamin D thông qua thực phẩm chức năng
3. Khi nào thì xảy ra ngộ độc vitamin D?
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội tiết thì liều dùng tối đa đối với vitamin D ở trẻ dưới 6 tháng tuổi là 1000UI/ngày; 1500UI/ngày đối với trẻ 12 tháng tuổi; Trẻ trong độ tuổi từ 1 - 3 là 2500UI/ngày; Con số này sẽ tăng lên tối đa là 3000UI/ngày và trên 9 tuổi là 4000UI/ngày. Cũng có những trường hợp liều ngộ độc vitamin D có thể cao hoặc thấp hơn các mức nêu trên tùy từng thể trạng.
Việc thường xuyên sử dụng vitamin D quá liều có thể gây ngộ độc nhưng điều này sẽ không xảy ra ngay mà khoảng một vài tháng hay thậm chí là một vài năm sau mới bộc lộ triệu chứng ngộ độc. Do đó những ca ngộ độc vitamin D thường khó phát hiện sớm. Có người chỉ vô tình phát hiện ra tình trạng này khi tiến hành xét nghiệm máu. Lúc này chỉ số canxi trong máu có dấu hiệu tăng cao và bệnh suy thận.
Khi bị ngộ độc vitamin D, trong máu bệnh nhân sẽ bị lắng đọng nhiều canxi, dẫn đến các vấn đề khác như tăng huyết áp, mất thính lực, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi, vôi hóa ống thận, suy thận,...
Nếu không sớm phát hiện ra tình trạng này thì bệnh nhân sẽ phải đối mặt với những biến chứng nặng nề. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi bị ngộ độc vitamin D sẽ có những biểu hiện như tiểu nhiều, uống nước nhiều, nôn, ăn kém, bụng đau, giảm cân, nghiêm trọng hơn là mất nước đe dọa trực tiếp đến tính mạng của trẻ. Tương tự như người lớn, khi canxi tích tụ quá nhiều trong ống thận sẽ làm vôi hóa tháp thận. Hiện tượng mất nước, mức lọc cầu thận giảm kết hợp với vôi hóa tháp thận sẽ khiến chức năng thận suy giảm, lâu ngày gây suy thận.
Như vậy để đảm bảo an toàn khi sử dụng vitamin D, phụ huynh nên tham khảo trước ý kiến và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi bổ sung bất kỳ loại thực phẩm chức năng, vitamin hay thuốc gì cho trẻ. Ngoài ra cần tuân thủ những biện pháp sau để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cả gia đình:
-
Không nên tự ý mua vitamin hay các loại thuốc cho con uống khi chưa có chỉ định và tư vấn từ bác sĩ. Khi đi thăm khám cần dùng thuốc theo đơn kê, không lấy thuốc của người lớn hay thuốc của trẻ khác cho trẻ dùng;
-
Các loại thuốc, vitamin cần được để ngoài tầm tay của trẻ nhỏ. Tốt hơn hết cha mẹ hãy để thuốc vào trong tủ riêng và có khóa;
-
Mỗi loại vitamin, thuốc cần được bảo quản ở nơi khô ráo, đựng trong hộp, lọ kín, có kèm nhãn dán, tờ hướng dẫn sử dụng đi kèm và hạn sử dụng của từng loại;
-
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tủ thuốc của gia đình, không được tiếp tục sử dụng thuốc bị hỏng hay thuốc đã quá hạn;
-
Khi uống thuốc không nên để trẻ nhìn thấy vì trẻ sẽ bắt chước làm theo;
-
Cha mẹ, ông bà hay người chăm sóc trẻ cần phải nắm rõ công dụng, liều dùng, đối tượng sử dụng của từng loại vitamin, thực phẩm chức năng hay các loại thuốc và dùng theo đúng chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Vitamin D cũng tồn tại trong ánh nắng mặt trời
Nhìn chung vitamin D đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên trong quá trình bổ sung vitamin D thì bạn cần lưu ý đến những tác dụng phụ khi dùng quá liều bởi vì điều này có thể khiến bạn bị ngộ độc vitamin D, nguy cơ biến chứng trong các trường hợp này tuy ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!