Tin tức

Người đái tháo đường thêm tự tin nhờ chương trình tọa đàm

Ngày 26/03/2014
Ban biên tập
Ngày 23/3, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tổ chức thành công chương trình tọa đàm: “Dinh dưỡng cho người đái tháo đường”, với sự tham gia của chuyên gia và thạc sỹ đầu ngành bệnh viện.


Đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh rối loạn chuyển hóa, tăng đường huyết mãn tính, do thiếu về số lượng hoặc kháng tác dụng của hormon Insulin. Bệnh ĐTĐ nếu phát hiện muộn sẽ làm tổn thương các mạch máu nhỏ và lớn, dẫn tới các biến chứng như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, đục nhân mắt, xuất huyết võng mạc, bệnh mạch vành, tổn thương thận,…

 

Trên thực tế, sự hiểu biết của nhân dân về bệnh ĐTĐ còn hạn chế nên phần lớn chưa chủ động đi kiểm tra mà phát hiện bệnh tình cờ qua khám sức khỏe định kỳ hoặc khi trong cơ thể có biểu hiện bất thường. Khi phát hiện ra bệnh, không ít bệnh nhân “sợ” nên kiêng khem hoặc không dám ăn, trong thực đơn hàng ngày mới chỉ dừng ở kinh nghiệm của các bà nội trợ rỉ tai nhau. Người bệnh có dùng thuốc nhưng đôi khi lại chưa dùng đúng liều hoặc chưa phù hợp với giai đoạn phát triển của bệnh,… Tại buổi tọa, khách mời là các bệnh nhân đã và đang điều trị ĐTĐ cũng thực sự quan tâm những vấn đề này.

 

Bằng kinh nghiệm, kiến thức khoa học, PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh - Chuyên gia Dinh dưỡng và ThS Phan Thanh Sơn - Chuyên ngành Nội tiết đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích với các bệnh nhân.

 

10 năm chỉ dùng 2 viên Diamicron, cách đây 1 tháng đường máu là 12,9 mmol/L (đường lúc đói) làm thế nào chỉnh được đường máu? (Ngô Thị Quý, 61 tuổi, Hòe Nhai)

ThS Phan Thanh Sơn tư vấn tại buổi tọa đàm

ThS Phan Thanh Sơn: Với chỉ số đó của bác kể cả đường sau ăn hay lúc đói đều không đạt yêu cầu vì đường sau ăn thường phải dưới 10 mmol/L mới tạm đạt yêu cầu và đường lúc đói đạt dưới 7,8 mmol/L. Vậy điều trị thế nào? Ngay từ lúc đầu, bác đã chưa điều trị đúng theo như khuyến cáo điều trị hiện tại, hơn nữa, bác có thể trạng trung bình trong khi tác dụng phụ của Diamicron là gây tăng cân, do đó với người có nguy cơ béo người ta phải dùng hạn chế và cần phối hợp thuốc. Thuốc đầu tiên (khi mà không có chống chỉ định) cần phải dùng là Metformin, nếu không hiệu quả mới phối hợp với Diamicron hoặc các Sulfamid chống đái tháo đường khác.

 

Để đánh giá hiệu quả điều trị, bác phải kiểm tra HbA1c để biết được đường trung bình trong 3 tháng của bác bây giờ thế nào. Vì đường lúc đói có thể lên xuống không ổn định, ví dụ như mất ngủ hôm trước, uống chút cà phê hay có sự lo lắng cũng thể làm tăng đường. Khuyến cáo bác: 1. Cần phối hợp thuốc (Metformin), 2. Cần định lượng Insulin và C peptide máu, nếu đã suy giảm thì lúc đó vẫn là đái tháo đường type 2 nhưng lại cần điều trị bằng Insulin, còn nếu lượng Insualin và C peptide vẫn đảm bảo thì có thể dùng thuốc uống hạ đường huyết.

 

Tôi muốn hỏi bác sỹ cách lựa chọn Glucid, Protit, Lipid cho người ĐTĐ. Mong bác sỹ giải đáp.(Phạm Thị Chanh, 50 tuổi, Hà Nội)

 

PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh

 

PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh: Câu hỏi này tương đối rộng vì dinh dưỡng cho người ĐTĐ bao gồm cả Glucid, Protit, Lipid nhưng quan trọng nhất là nhóm đường Glucid (tức bột đường) thì phải chọn loại gì không ngọt quá, không có đường tinh chế nhiều, ví dụ: cơm, gạo, mì vẫn ăn hàng ngày nhưng không nên xay sát kỹ, ăn một bữa hai lần xới hoặc miệng bát.

 

Nhóm bột đường không nên xay sát kỹ như gạo lức, gạo giã rối, bánh mì toàn phần, ngô, khoai hoặc sắn mỗi thứ một ít gọi là nhóm đối đính.

 

Về chất đạm thì trừ người những người bị bệnh gout cần tính toán thêm một ít, còn nếu không có thể ăn các loại, ví dụ: cá có thể 1-3 lần/tuần, trứng ăn 2-3 quả/tuần.

 

Về nhóm mỡ nên thiên ăn dầu thực vật nhiều hơn như dầu đậu nành, dầu oliu đều rất tốt. Ngoài 3 nhóm trên, bác cần chú ý tới hệ thống tiêu hóa như ăn thêm rau, tập thể dục,…

Bác sỹ giải thích giúp về ĐTĐ không phụ thuộc Insulin là thế nào? Và ĐTĐ type 1 và type 2 là như thế nào? (Cai Văn Vịnh, 56 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)

 

ThS Phan Thanh Sơn: Theo ICD 10 của tổ chức Y tế thế giới phân làm 2 loại: ĐTĐ phụ thuộc vào insulin và ĐTĐ không phụ thuộc vào insulin là nhấn mạnh có dùng insulin để điều trị ngay từ đầu hay không. Ví dụ ĐTĐ type 1 là ĐTĐ bắt buộc phải điều trị bằng insulin, đấy là ĐTĐ thường phát hiện sớm ở người trẻ. ĐTĐ type 2 hay ĐTĐ không phụ thuộc insulin, là ĐTĐ nhưng có thể dùng các biện pháp khác như dùng thuốc uống chứ chưa phải dùng insulin ngày từ đầu. Ở bệnh nhân ĐTĐ không phụ thuộc insulin, tế bào beta của tụy vẫn tiết được insulin nhưng cơ thể có hiện tượng kháng insulin hoặc insulin sản xuất ra không đủ chất lượng để đảm bảo nhu cầu của cơ thể. Ngoài ra, còn có ĐTĐ type 1.5 là ĐTĐ tự miễn khởi phát muộn ở người trẻ, là ĐTĐ phụ thuộc insulin nhưng giai đoạn đầu người ta vẫn có thể dùng thuốc uống để điều trị. Ngày nay, thậm trí cả trẻ 6 tuổi vẫn có ĐTĐ không phụ thuộc insulin hay ĐTĐ type 2 vì chế độ dinh dưỡng có sự thay đổi. Béo phì dẫn đến kháng insulin và gây ra ĐTĐ type 2 ở người rất trẻ.

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều khách mời.

 

Tôi bị ĐTĐ từ năm 1994, như bác sĩ hướng dẫn điều trị từ nhẹ đến tăng dần rồi mới dùng insulin. Tôi đã sử dụng các biện pháp, tập thể dục, uống thuốc đông-tây y, vì không hiệu quả nên phải sử dụng thuốc viên, thuốc tây. Sử dụng thuốc tây được một thời gian lại gây phản ứng phụ, men gan tăng nên không sử dụng nữa, sau đó đã dùng insulin. Trên thị trường có thuốc viên và tôi uống 3-4 năm nay thì đường huyết hiện giữ ở mức 6-7 hoặc trên 7, xét nghiệm thường xuyên thấy có gan, thận tốt. Đây là thuốc gia truyền, bán nhiều trên thị trường. Vậy cho tôi hỏi thuốc đó là như thế nào?

(
Nguyễn Thế Đệ, 58 tuổi, Cầu Giấy)

 

ThS Phan Thanh Sơn: Điều trị ĐTĐ type 1 hay ĐTĐ type 2 đều phải tuân theo nguyên tắc. Hướng dẫn chung nhất của tổ chức Y tế thế giới và Hội Nội tiết Việt Nam, theo các bậc thang điều trị: thứ nhất là chế độ ăn, thay đổi lối sống, thứ hai là phối hợp thuốc, còn thuốc đông y hay các thực phẩm chức năng khác không có vai trò kiểm soát đường huyết mà chỉ có chức năng hỗ trợ. Và các thực phẩm chức năng hay thuốc đông y vẫn có các tác dụng không mong muốn và cần được theo dõi định kỳ.

 

Nguyên tắc điều trị, bác đã điều trị nhiều năm bằng insulin rồi, trước đây quan niệm điều trị tiểu đường type 2 là ở giai đoạn mắc các bệnh cấp tính khác, hoặc uống thuốc không có tác dụng nữa thì người ta mới dùng insulin. Hiện nay, quan điểm mới cho rằng không bao giờ là quá sớm để điều trị insulin, insulin đã được sản xuất dưới dạng bút tiêm rất dễ sử dụng, kiểm soát đường tốt hơn, dẫn tới biến chứng chậm hơn,… như thế để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

 

Bác sỹ cho tôi hỏi về người bệnh ĐTĐ, hiện người ta hay nói các cửa hàng có bán thuốc chống biến chứng như hộ tạng đường, trà,… Vậy người ĐTĐ mới và người ĐTĐ lâu có nên dùng được những loại thuốc đó không? (Nguyễn Thanh Hằng, 49 tuổi, Tây Hồ).

 

ThS Phan Thanh Sơn: Hộ tạng đường, sữa dành cho người tiểu đường,… tất cả những loại đó được xếp vào thực phẩm chức năng. Các thuốc đó hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Mỗi người bệnh có phác đồ điều trị riêng, bác nên dùng thuốc điều trị chính, sau khi ổn, mới dùng các thuốc hỗ trợ.

 

Trong thời lượng gần 2 tiếng, tuy chưa đủ dài nhưng đã giải quyết phần nào thắc mắc, băn khoăn của khách mời về bệnh đái tháo đường. Bằng sự chia sẻ thông tin bổ ích, những hiểu biết căn bản về chế độ dinh dưỡng, giai đoạn điều trị hiệu quả bệnh ĐTĐ,… chương trình tọa đàm: “Dinh dưỡng cho người đái tháo đường” góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người để chung tay kiểm soát và hạn chế bệnh ĐTĐ trong nhân dân.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.