Tin tức
Nguyên nhân điển hình dẫn tới tình trạng đau khớp ngón tay cái
- 28/09/2021 | Chuyên gia tư vấn các bài tập thể dục cho người đau khớp gối
- 24/09/2021 | Đau khớp bả vai là dấu hiệu của bệnh gì và cách phòng ngừa
- 14/08/2021 | Lý giải nguyên nhân gây ra hiện tượng đau khớp gối ở người trẻ tuổi
1. Những nguyên nhân gây đau khớp ngón tay cái
Nhìn chung, đau khớp ngón tay cái có thể do 4 nguyên nhân chính gây ra mức độ đau và tổn thương là khác nhau.
Đau khớp ngón tay cái ảnh hưởng lớn đến hoạt động cầm nắm
Cụ thể như sau:
1.1. Đau khớp ngón tay cái do chấn thương
Với cấu trúc phức tạp, ngón tay cái lại nằm cách xa các ngón khác, tại vị trí dễ bị tổn thương nên chấn thương cũng thường gặp hơn. Các loại chấn thương khớp ngón tay cái có thể gặp gồm:
-
Bong gân: Khi xảy ra tình trạng giãn, rách dây chằng.
-
Căng kéo: Do các cơ và gân cơ bị giãn dẫn đến rách.
-
Trật khớp: Khi tác động lực quá mạnh, đốt ngón tay cái có thể bị lệch khỏi vị trí đúng.
-
Nứt hoặc gãy ngón tay cái: thường xảy ra khi bị vật nặng rơi vào tay hoặc khi đấm với lực quá lớn.
Có thể thấy, chấn thương gây đau khớp ngón tay cái rất đa dạng, vì thế mà mức độ đau có thể từ nhẹ đến nặng tùy theo. Đa phần cơn đau xuất hiện ngay sau khi chấn thương, sau đó khớp sẽ dần bị sưng to, giảm tính linh hoạt, hạn chế cử động ngón tay cái.
Chấn thương có thể gây đau khớp ngón tay
Nếu chỉ là chấn thương ngón tay cái nhẹ, sau thời gian nghỉ ngơi, chườm lạnh hoặc dùng thuốc hỗ trợ, cơn đau sẽ giảm và chức năng khớp cũng phục hồi. Song cần cẩn thận với trường hợp nặng, có dấu hiệu của nứt, gãy ngón tay cái như: bầm tím, có cảm giác kim châm hoặc tê ngứa tại ngón tay cái, giới hạn hoặc hoàn toàn không thể cử động, ngón tay cái bị gập góc bất thường,... Cần đi khám chuyên khoa, chẩn đoán mức độ chấn thương và điều trị càng sớm càng tốt tránh làm mất hoàn toàn khả năng cử động ngón tay.
1.2. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn xảy ra do hoạt động bất thường của hệ miễn dịch, dẫn đến viêm các khớp. Bệnh lý này thường gây ảnh hưởng đến các khớp chuyển động như khớp đầu gối, khớp cổ tay,... song khớp ngón tay cái cũng hoàn toàn có thể bị viêm đau.
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp xảy ra ở ngón tay cái nói riêng và các khớp ngón tay nói chung có thể nhận biết như sau:
-
Bị cứng các khớp ngón tay, đặc biệt là buổi sáng khi vừa thức dậy.
-
Cảm giác đau, tăng nhạy cảm ở khớp ngón tay cái và cả các ngón tay khác của bàn tay.
-
Đau, cứng các khớp xung quanh như khớp cổ tay, đầu gối,...
Cẩn thận đau khớp ngón tay do viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý phức tạp, khó điều trị, người bệnh có thể phải sống chung với bệnh trong thời gian dài. Song nếu điều trị tích cực, đáp ứng tốt, các triệu chứng đau, viêm ngón tay cái và các khớp ảnh hưởng khác sẽ được cải thiện.
1.3. Viêm khớp ngón tay cái
Viêm khớp ngón tay cái thường xảy ra cùng với quá trình lão hóa, nghĩa là người cao tuổi có nguy cơ mắc phải tình trạng này cao hơn. Ngoài ra, những người từng bị chấn thương ở ngón tay này trước đó thì khả năng bị viêm ngón tay cái cũng cao hơn.
Khi mắc bệnh này, càng cố gắng vận động tác động đến khớp ngón tay cái thì các xương càng chà xát nhiều với nhau, gây sưng đau nghiêm trọng hơn. Tổn thương do viêm khớp ngón tay cái còn có thể gây mọc xương mới bất thường, còn gọi là cựa xương. Cựa xương này càng phát triển lại càng gây đau đớn và biến dạng cấu trúc khớp ngón tay cái.
Triệu chứng đầu tiên của viêm khớp ngón tay cái là đau, cơn đau thường xuất hiện ở gốc ngón tay cái khi dùng tay nắm, chụp bắt hoặc bóp vật nào đó. Ngoài ra còn 1 số triệu chứng khác như:
-
Sưng to ở khớp gốc ngón tay cái, có thể nhìn thấy cục xương.
-
Giảm sức mạnh khi nắm hoặc véo vật.
-
Sưng, đau, nóng hoặc cứng ở gốc ngón tay cái.
Viêm khớp ngón tay cái thường gặp hơn ở người cao tuổi, song những người gặp chấn thương hoặc làm công việc yêu cầu lực tay lớn cũng có thể mắc phải.
Nên đi khám nếu khớp ngón tay đau kéo dài
Ngoài những nguyên nhân phổ biến trên, đau khớp ngón tay cái còn có thể do những nguyên nhân ít gặp hơn như: gout, nang bao hoạt dịch, nhiễm trùng, sưng gân cơ, ung thư xương, xơ cứng bì, Lupus ban đỏ,...
2. Phương pháp chẩn đoán nguyên nhân gây đau khớp ngón tay cái
Chẩn đoán nguyên nhân là bước quan trọng để điều trị cho các trường hợp đau ngón tay cái kéo dài, nghỉ ngơi và massage không giúp cải thiện bệnh. Bác sĩ thường kiểm tra dấu hiệu viêm đầu tiên bởi đây là nguyên nhân thường gặp. Kiểm tra lâm sàng có thể phát hiện được dấu hiệu của trật khớp hoặc gãy khớp ngón tay cái, song cần chẩn đoán hình ảnh chính xác qua các xét nghiệm như:
-
Chụp X-quang.
-
Chụp MRI.
-
Chụp CT-Scan.
-
Chọc hút dịch khớp.
-
Xét nghiệm máu: tổng phân tích tế bào máu, máu lắng, CRP, acid uric, calci, RF, anti CCP, Beta Crosslaps,...
Chọc hút dịch khớp và phân tích mới xác định được đau khớp ngón tay cái do nguyên nhân là Gout hoặc viêm khớp dạng thấp.
3. Khi nào nên đi khám bác sĩ do đau khớp ngón tay cái?
Nếu đau khớp ngón tay cái không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể nghỉ ngơi và điều trị tại nhà một vài ngày, triệu chứng sẽ dần thuyên giảm. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài, không cải thiện dù điều trị tại nhà tích cực thì người bệnh nên đi khám bác sĩ.
Đau khớp ngón tay thường gặp ở dân văn phòng
Ngoài ra, nếu đau khớp ngón tay cái đi kèm với các dấu hiệu nguy hiểm sau, hãy đi khám càng sớm càng tốt:
-
Đau, cứng nhiều khớp ngón tay.
-
Xương ngón tay lỏng lẻo, giống như gãy, nứt xương hoặc trật khớp.
-
Cảm giác tê, châm chích cả ngón tay cái lẫn các ngón tay hoặc lan rộng ra bàn tay.
-
Xuất hiện cục u đau, nhạy cảm ở khớp ngón tay.
Để phòng ngừa đau ngón tay cái do hoạt động quá mức, nên xoa bóp, thư giãn tay thường xuyên khi phải làm việc cần sử dụng ngón tay nhiều như: viết chữ, đánh máy,... Nếu nguyên nhân gây đau khớp ngón tay cái là do bệnh lý, không nên chủ quan mà cần điều trị càng sớm càng tốt để đẩy lùi bệnh, tránh gây biến chứng giảm vận động cho ngón tay.
Liên hệ 1900 56 56 56 để được tư vấn kỹ hơn nếu bạn còn có bất kỳ thắc mắc nào khác.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!