Tin tức
Nguyên nhân do đâu khiến trẻ sơ sinh thở khụt khịt và hay vặn mình?
- 25/02/2023 | Bé thở khò khè nhưng không có nước mũi là do đâu?
- 30/11/2023 | Thở khò khè ở người lớn: Nguyên nhân và cách khắc phục
- 30/11/2023 | Trẻ thở khò khè có sao không? Cách điều trị
1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh thở khụt khịt và hay vặn mình
Tình trạng trẻ sơ sinh thở khụt khịt và hay vặn mình có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể như sau:
Đặc điểm sinh lý bình thường
Ở những tháng đầu đời, hệ hô hấp và thần kinh của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, dẫn đến một số phản xạ tự nhiên như thở khò khè, nấc cụt, vặn mình, giật mình khi ngủ. Cụ thể:
- Đường thở hẹp: Trẻ sơ sinh có đường hô hấp nhỏ, lớp niêm mạc mỏng nên khi hít thở, không khí dễ tạo ra âm thanh khò khè, nhất là khi có dịch nhầy tồn đọng;
- Phản xạ thần kinh: Hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh khiến trẻ dễ bị kích thích nhẹ như tiếng động, thay đổi tư thế, ánh sáng,… dẫn đến vặn mình, rướn người hoặc giật mình khi ngủ;
- Giấc ngủ chưa sâu: Trẻ thường ngủ nông, dễ chuyển giữa các giai đoạn ngủ khiến việc vặn mình hoặc có tiếng khụt khịt xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt vào ban đêm.
Thông thường, nếu trẻ vẫn bú tốt, tăng cân đều, không sốt hay khó thở thì đây chỉ là hiện tượng sinh lý và không quá đáng lo ngại.
Tích tụ đờm hoặc chất nhầy trong mũi họng
Trẻ sơ sinh rất dễ bị tích tụ chất nhầy trong cổ họng hoặc mũi do nằm nhiều, chưa biết cách khạc ra hay tự làm sạch dịch tiết. Điều này khiến âm thanh khi thở trở nên khò khè, nhất là sau khi bú hoặc khi vừa ngủ dậy. Nếu lượng dịch nhiều, trẻ có thể kèm theo ho nhẹ, ọc sữa hoặc hắt hơi.
Dị ứng hoặc kích ứng môi trường
Khói bụi, lông thú, nấm mốc, hoặc thời tiết hanh khô có thể kích thích niêm mạc mũi, họng của trẻ sơ sinh, làm tăng tiết dịch, gây nghẹt mũi, thở khụt khịt và khó chịu khiến trẻ hay vặn mình khi ngủ.
Kích ứng từ môi trường có thể khiến trẻ sơ sinh thở khụt khịt và hay vặn mình
Viêm đường hô hấp
Một số bệnh lý như viêm tiểu phế quản, viêm thanh quản, cảm lạnh có thể là nguyên nhân khiến trẻ thở khụt khịt. Kèm theo đó, trẻ có thể có những biểu hiện như:
- Sốt nhẹ hoặc cao;
- Ho;
- Biếng bú;
- Ngủ không yên;
- Vặn mình liên tục.
Nếu có các dấu hiệu này, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để tránh biến chứng hô hấp nặng hơn.
Trào ngược dạ dày – thực quản
Đây là một nguyên nhân phổ biến gây thở khụt khịt ở trẻ sơ sinh. Khi sữa hoặc axit dạ dày trào ngược lên thực quản, có thể kích thích đường hô hấp, gây co thắt phế quản hoặc viêm thanh quản, dẫn đến tiếng thở khò khè. Trẻ bị trào ngược thường kèm theo nôn trớ, quấy khóc, biếng ăn.
Thiếu vitamin D và canxi
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ canxi, cần thiết cho sự phát triển của xương và hệ thần kinh. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến hạ canxi máu, gây ra các triệu chứng như vặn mình, ra mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, khó ngủ.
2. Cần làm gì khi trẻ sơ sinh thở khụt khịt và hay vặn mình
Cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau đây để giúp hỗ trợ cải thiệu triệu chứng, hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh thở khụt khịt và hay vặn mình:
Vệ sinh đường hô hấp
Với trẻ khỏe mạnh, mẹ nên rửa mũi nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý 1-2 lần/ngày. Nếu bé bị nghẹt mũi hay sổ mũi, hãy nhỏ nước muối để làm mềm dịch, sau đó dùng dụng cụ hút mũi đầu mềm để làm sạch, tránh gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng
Cho trẻ bú đủ sữa mẹ hoặc sữa công thức để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ phát triển toàn diện. Nếu nghi ngờ thiếu canxi, mẹ nên bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa, trứng, tôm, cua và kết hợp với sử dụng vitamin D3 theo chỉ định của bác sĩ.
Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc, bụi bẩn, nước hoa, hoặc mùi hóa chất mạnh;
- Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, giặt sạch chăn màn, dùng máy lọc không khí nếu cần;
- Duy trì độ ẩm phù hợp trong phòng (khoảng 50 - 60%) để tránh làm khô niêm mạc hô hấp của trẻ.
Giữ môi trường lý tưởng để đảm bảo cho giấc ngủ của trẻ
Điều chỉnh tư thế ngủ
- Cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, kê gối thấp dưới lưng hoặc đầu bằng khăn mềm để hạn chế tình trạng trào ngược hoặc ứ đọng dịch;
- Tránh để trẻ nằm sấp khi ngủ vì có thể gây khó thở và tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
3. Khi nào nên đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Theo các chuyên gia Nhi khoa, hiện tượng thở khụt khịt và hay vặn mình ở trẻ sơ sinh trong những tháng đầu đời phần lớn là phản xạ sinh lý bình thường, nếu trẻ vẫn bú ngoan, ngủ tốt, lên cân đều, tỉnh táo và không kèm theo dấu hiệu bất thường thì cha mẹ có thể yên tâm. Tuy nhiên, khi chăm sóc trẻ tại nhà, nến nhận thấy trẻ sơ sinh thở khụt khịt và hay vặn mình kèm theo những dấu hiệu sau đây cha mẹ cần đưa trẻ ngay đến bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không mong muốn:
- Trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt cao, nôn ói, da tím tái, khó thở kèm co rút lồng ngực khi hít thở;
- Trẻ phải gắng sức để thở, thở dốc, nhịp thở không đều, thậm chí ngưng thở đột ngột;
- Trẻ có các bệnh lý mãn tính như hen suyễn hoặc nghi ngờ mắc bệnh lý nặng như viêm phổi, viêm phế quản, hoặc suy hô hấp;
- Trẻ có các biểu hiện nặng hơn hay tình trạng thở khụt khịt kéo dài dai dẳng.
Theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ và tiến hành đưa đi khám kịp thời
Tóm lại, tình trạng trẻ sơ sinh thở khụt khịt và hay vặn mình có thể là dấu hiệu sinh lý bình thường, nhưng cũng không loại trừ khả năng liên quan đến các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa hoặc thần kinh. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan mà cần theo dõi kỹ các biểu hiện đi kèm và đưa trẻ đi khám khi có dấu hiệu bất thường kéo dài.
Nếu bạn cần được thăm khám và tư vấn chuyên sâu, hãy liên hệ Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ bác sĩ nhi khoa nhiều kinh nghiệm hỗ trợ kịp thời, chính xác và tận tâm.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
