Tin tức

Nguyên nhân nước tiểu có máu và cách chẩn đoán, điều trị

Ngày 07/05/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Nước tiểu phản ánh một cách tương đối tình trạng sức khỏe. Đó là lý do khi nước tiểu có máu kèm nhiều triệu chứng bất thường, bạn tuyệt đối không được chủ quan bởi đây là dấu hiệu cảnh báo sức khỏe đang gặp vấn đề.

1. Nước tiểu có máu do đâu? 

Nước tiểu có máu hay đi tiểu ra máu có thể là do các nguyên nhân sau. 

Nguyên nhân bệnh lý

Nếu bạn mắc các bệnh lý dưới đây thì khi đi tiểu sẽ thấy có máu lẫn trong nước tiểu.

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo và sinh sôi, phát triển trong đường tiết niệu sẽ gây tổn thương và xuất huyết, dẫn đến nước tiểu có máu và nặng mùi, kèm theo đó là cảm giác muốn đi tiểu nhưng tiểu khó, nóng rát.
  • Viêm thận bể thận do nhiễm khuẩn: Triệu chứng là sốt, đau vùng thắt lưng, lan xuống cơ quan sinh dục, tiểu máu.
  • Sỏi tiết niệu: Đây cũng là nguyên nhân điển hình gây ra tình trạng đi tiểu ra máu. Sỏi ma sát với lớp niêm mạc đường tiết niệu, gây tổn thương, chảy máu nên khi đi tiểu sẽ thấy nước tiểu có máu.
  • Bệnh về thận: Có thể là viêm thận, viêm cầu thận,… làm chức năng lọc máu bị suy giảm. Hệ quả là đi tiểu ra máu kèm cảm giác đau vùng lưng hông và nóng rát, sốt cao kèm rét run. 
  • Ung thư: Nếu nước tiểu có máu và dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường thì không loại trừ khả năng bạn bị ung thư như ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt,… Khối u ung thư phát triển và di căn, xâm lấn và làm vỡ các mô, mạch máu, gây chảy máu và máu được bài tiết qua đường tiểu.

Nước tiểu có máu kèm cảm giác buốt tiểu cảnh báo nhiều bệnh lý

Nước tiểu có máu kèm cảm giác buốt tiểu cảnh báo nhiều bệnh lý

Tai nạn, chấn thương

Nước tiểu có máu có thể là do bạn bị tai nạn, chấn thương trong quá trình làm việc, tập luyện. Theo đó, chấn thương xảy ra và tác động trực tiếp đến thận khiến mạch máu tại thận bị vỡ hay mô thận bị tổn thương, gây chảy máu và máu sẽ theo nước tiểu để bài tiết ra ngoài.

Tập thể thao quá sức 

Khi tập luyện thể thao quá sức hay không đúng cách cũng sẽ gây ra tình trạng đi tiểu ra máu. Bởi lúc này, cơ thể giải phóng protein myoglobin vào trong máu làm cho chức năng thanh lọc máu của thận bị suy giảm. Hệ quả là myoglobin sẽ bài tiết ra ngoài theo đường tiểu, khiến nước tiểu lẫn máu. Tình trạng kéo dài còn gây suy thận. 

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc điều trị có thể gây tác dụng phụ là tiểu ra máu. Trong khi đó, một số thuốc khác sẽ khiến nước tiểu có màu đỏ, không phải là nước tiểu có máu. Do đó, bạn cần trao đổi với bác sĩ trước về các tác dụng phụ của những loại thuốc này để tránh bị nhầm lẫn. 

Trong chu kỳ kinh nguyệt

Trong thời gian hành kinh, chị em có thể thấy nước tiểu có máu. Điều này là hết sức bình thường vì khi đi tiểu, máu kinh sẽ dính vào nước tiểu khiến nước tiểu có màu hồng hoặc đỏ sẫm. Chị em không cần lo ngại trong trường hợp này. 

Nước tiểu có máu khi trong chu kỳ kinh nguyệt không đáng lo ngại

Nước tiểu có máu khi trong chu kỳ kinh nguyệt không đáng lo ngại

2. Chẩn đoán và điều trị đi tiểu ra máu 

Nếu nước tiểu có máu kèm theo các dấu hiệu dưới đây thì bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ.

  • Xuất hiện cục máu đông trong nước tiểu.
  • Nước tiểu có dịch mủ và mùi hôi nặng. 
  • Luôn có cảm giác buồn tiểu, tiểu gấp nhưng khi đi tiểu thì tiểu rất ít.
  • Khó tiểu, bí tiểu, nước tiểu không chảy thành dòng.
  • Nóng rát và khó chịu trong và sau khi tiểu. 
  • Đau lưng, đau hố thắt lưng, đau hông và đau háng.
  • Sốt cao, mệt mỏi.
  • Có dấu hiệu chấn thương ở vùng sinh dục, thắt lưng, ổ bụng trước đó.

Lúc này, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng kết hợp với các phương pháp chẩn đoán sau.

  • Chẩn đoán hình ảnh: Bao gồm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, chụp MRI,… để tìm ra nguyên nhân khiến nước tiểu có máu. 
  • Xét nghiệm nước tiểu: Giúp xác định nồng độ các chất trong nước tiểu cũng như phát hiện tình trạng nhiễm trùng hay khoáng chất hình thành nên sỏi. Đặc biệt là tìm ra những tế bào bất thường có trong nước tiểu. 
  • Nội soi bàng quang: Tìm ra các bệnh lý gây ra tình trạng đi tiểu ra máu.
  • Xét nghiệm máu: đánh giá chức năng thận, tình trạng viêm nhiễm,... 

Sau khi đã xác định được nguyên nhân thì bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp. Nếu nước tiểu có máu do nhiễm trùng tiết niệu thì bạn có thể dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Nếu là do sỏi thận thì bạn sẽ được hướng dẫn uống nhiều nước kết hợp với thuốc để sỏi đào thải ra ngoài. Trường hợp sỏi có kích thước lớn thì phải áp dụng phương pháp tán sỏi hoặc phẫu thuật. Song song với các phương pháp điều trị, bạn cũng sẽ được hướng dẫn chế độ ăn và sinh hoạt để cải thiện tình trạng. 

Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp chẩn đoán quan trọng để xác định nguyên nhân nước tiểu có máu

Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp chẩn đoán quan trọng để xác định nguyên nhân nước tiểu có máu 

3. Biện pháp phòng ngừa đi tiểu ra máu

Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa tình trạng đi tiểu ra máu bằng những biện pháp sau.

  • Luôn đi tiểu khi có nhu cầu, tuyệt đối không được nhịn tiểu để không bị mất phản xạ tiểu và đối mặt với nguy cơ sỏi thận.
  • Trước và sau khi quan hệ tình dục, nên đi tiểu và vệ sinh vùng kín sạch sẽ để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Thay quần lót 2 lần/ ngày và ưu tiên mặc quần lót bằng chất liệu thấm hút mồ hôi, co giãn tốt, tránh để vùng kín bí bách, ẩm ướt, tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, gây bệnh. 
  • Uống nhiều nước mỗi ngày, đồng thời, giảm độ mặn trong chế độ ăn hàng ngày để phòng sỏi thận.
  • Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ trước để tránh được những tác dụng phụ không mong muốn, trong đó có hiện tượng nước tiểu có máu hoặc màu đỏ như máu. 
  • Tránh xa thuốc lá và hạn chế uống rượu bia. 

Uống nhiều nước và không nhịn tiểu để phòng tránh sỏi thận

Uống nhiều nước và không nhịn tiểu để phòng tránh sỏi thận 

Chúng ta đã cùng tìm hiểu hiện tượng nước tiểu có máu cũng như nắm được các phương pháp chẩn đoán, điều trị và biện pháp phòng ngừa. Mọi nhu cầu thăm khám bệnh lý về tiết niệu, quý khách hãy đến Chuyên khoa Tiết niệu của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi để kiểm tra, đánh giá sức khỏe nếu thấy nước tiểu bất thường. Với dịch vụ này, khách hàng sẽ tiết kiệm được thời gian vì không phải đến bệnh viện lấy mẫu, sau khi có kết quả sẽ nhận được hướng dẫn tra cứu qua tin nhắn, đồng thời bác sĩ của MEDLATEC sẽ gọi điện tư vấn, đưa ra những lời khuyên, chỉ định thăm khám chuyên sâu nếu cần.

Để tìm hiểu kỹ hơn về dịch vụ hoặc đặt lịch khám, lấy mẫu xét nghiệm tận nơi, khách hàng có thể gọi đến hotline của MEDLATEC theo số 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.