Tin tức

Nhận biết các giai đoạn sốt xuất huyết để có cách xử lý hiệu quả

Ngày 12/11/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Nguyên nhân gây nên bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết là do virus Dengue gây ra. Bệnh tập trung chủ yếu vào mùa mưa và vùng nhiệt đới - đây là khoảng thời gian và địa điểm sinh trưởng lý tưởng của loài muỗi vằn Aedes aegypti vốn là vật trung gian truyền bệnh. Bài viết sau sẽ giúp bạn chỉ ra các giai đoạn sốt xuất huyết để nếu bản thân và gia đình bị mắc thì cũng có thể dự phòng và xử trí đúng cách, kịp thời.

1. Đặc điểm của các giai đoạn sốt xuất huyết

Biểu hiện lâm sàng của sốt xuất huyết khá đa dạng, có thể từ nhẹ cho đến nặng. Bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân nếu không có phương pháp điều trị kịp thời. Các giai đoạn sốt xuất huyết bao gồm:

  • Giai đoạn sốt: diễn ra trong khoảng 3 ngày đầu theo các triệu chứng sau:

  • Người bệnh đột nhiên bị sốt cao, có khi lên tới 39 - 40 độ C.

  • Có thể bị buồn nôn, nôn mửa, chán ăn.

  • Đau nhức đầu, hốc mắt, các khớp, mỏi cơ, uể oải, có thể có hiện tượng viêm long đường hô hấp trên.

  • Có khả năng xuất hiện các nốt xuất huyết ở dưới da.

Các giai đoạn sốt xuất huyết

Ở giai đoạn đầu bệnh nhân thường bị sốt cao

  • Giai đoạn nguy hiểm: giai đoạn này xảy ra ở ngày thứ 3 - 7 của bệnh. Bệnh nhân có xu hướng giảm sốt hoặc hết sốt và rất nhiều người hiểu nhầm rằng bệnh đã thuyên giảm.Tuy nhiên, trong các giai đoạn sốt xuất huyết thì đây là lúc bệnh mới bắt đầu thể hiện những dấu hiệu nguy hiểm. Ở trường hợp sốt xuất huyết điển hình, bệnh nhân có thể sẽ xuất hiện một số biểu hiện như sau: 

  • Các vết phát ban nổi dần, nhiều lên từ nhẹ tới nặng, cảm thấy ngứa ngáy.

  • Chảy máu cam, hoặc chảy máu lợi, phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt, rong kinh.

  • Xuất huyết đường tiêu hóa: đi ngoài phân lẫn máu hoặc phân đen, nôn mửa ra máu tươi hoặc cục máu đông.

  • Xuất huyết trong ổ bụng hoặc xuất huyết não gây nguy hiểm tới tính mạng.

  • Hạ huyết áp do thiếu nước, không bù đủ dịch, giảm khối lượng tuần hoàn dẫn tới sốc.

  • Các biểu hiện khác: li bì hoặc kích thích, vật vã, đau bụng, nôn nhiều, tiểu ít, đầu đau dữ dội,...

Các triệu chứng trên là những triệu chứng có thể gặp ở các trường hợp sốt xuất huyết điển hình. Có rất nhiều trường hợp bệnh nhân không có các triệu chứng trên mà có thể tự khỏi hoặc là bệnh diễn biến âm thầm rồi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm một cách đột ngột.

  • Giai đoạn hồi phục: Người bệnh đã khỏi sốt được 48 giờ trở lên, cơ thể đã đỡ mệt, tiểu tiện nhiều, thèm ăn, tiểu cầu tăng.

Với những biểu hiện của các giai đoạn sốt xuất huyết nêu trên có thể nói đây là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh và đa dạng về triệu chứng. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu nên tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong do sốt xuất huyết mỗi năm vẫn ở mức cao. Khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, người bệnh không nên lơ là mà phải theo dõi và đi thăm khám càng sớm càng tốt để tránh gặp phải các biến chứng nặng.

2. Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết sao cho đúng cách  

Vì chưa có thuốc đặc trị nên hiện nay người bị sốt xuất huyết chủ yếu được điều trị triệu chứng kết hợp với chế độ chăm sóc. Dưới đây là một số điều cần lưu ý:

  • Đối với trường hợp bị nhẹ: bệnh nhân tự điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. trong khoảng 3 - 7 ngày cần theo dõi các triệu chứng của bệnh.

  • Nếu xuất hiện các dấu hiệu như: lờ đờ, li bì, vật vã, tiểu ít, nôn nhiều, đau vùng gan, xuất huyết trong với biểu hiện đại tiện ra máu hoặc phân đen, nôn máu thì cần khẩn trương chuyển người bệnh đi cấp cứu tại bệnh viện.

  • Người mẹ nếu bị sốt xuất huyết vẫn cho con bú bình thường được.

  • Trẻ em khi bị sốt xuất huyết thường biểu hiện nặng như dễ bị sốc hoặc tái sốc hơn so với người lớn. Nếu trẻ em đã dần hết sốt vào ngày thứ 4 và không kèm theo biểu hiện nào khác thì có nghĩa là sốt xuất huyết đã bắt đầu thuyên giảm, nhưng vẫn cần theo dõi tiếp. Trong trường hợp bé bị li bì, lừ đừ, xuất huyết niêm mạc, nôn nhiều, đau vùng gan, tiểu ít,... thì phải đưa bé tới viện.

Điều trị triệu chứng:

  • Phương pháp hạ sốt: 

  • Nếu người bệnh bị sốt dưới 38,5 độ C, nên kết hợp các biện pháp vật lý như: cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi; chườm khăn ấm vào trán, nách và bẹn.

  • Khi bệnh nhân sốt từ 38,5 độ C trở lên thì ngoài chườm ấm cần dùng thêm thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10 - 15 mg/kg, mỗi liều cách nhau 4 - 6 giờ. Lưu ý tuyệt đối không dùng aspirin hoặc ibuprofen vì sẽ khiến tình trạng xuất huyết nặng hơn.

  • Uống nhiều nước và bù điện giải (sốt dưới 38,5 độ C): hydrite và oresol được khuyến cáo sử dụng để bù điện giải. Bệnh nhân cần được cung cấp đủ nước cho cơ thể qua nước lọc, nước trái cây (dừa, cam,...), sữa, súp, cháo loãng. Nếu người bệnh mất nước mức độ vừa và nặng, nôn nhiều không tự uống được thì cần truyền dung dịch Nacl 0,9%.

Muỗi vằn Aedes aegypti chính là vật trung gian lây nhiễm sốt xuất huyết cho con người

Muỗi vằn Aedes aegypti chính là vật trung gian lây nhiễm sốt xuất huyết cho con người

Chế độ chăm sóc cho người bị sốt xuất huyết:

  • Bệnh nhân không nên đi lại nhiều, cần nghỉ ngơi tại giường.

  • Không nên ăn những thức ăn có màu đỏ, đen hoặc nâu để tránh nhầm lẫn với hiện tượng xuất huyết tiêu hóa khi đi đại tiện phân đen.

  • Ăn thức ăn dễ tiêu hóa, tăng cường bổ sung nước.

  • Nếu điều trị ngoại trú tại nhà thì cần có người bên cạnh chăm sóc và theo dõi chặt chẽ các biểu hiện. Nếu bệnh không thuyên giảm mà có dấu hiệu nặng lên cần đưa bệnh nhân tới khám ngay tại các cơ sở y tế và bệnh viện gần nhất. 

3. Cách để bảo vệ bản thân trước dịch sốt xuất huyết 

Biện pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa sự tấn công của bệnh sốt xuất huyết đó là tránh xa loài muỗi - vật trung gian truyền bệnh:

  • Giữ gìn vệ sinh khu nhà ở, nơi làm việc luôn luôn thoáng mát, sạch sẽ, khô ráo bằng cách: dọn dẹp thường xuyên, phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt muỗi, không để nước tù đọng, lưu cữu trong các chum, vại, bể chứa mà phải vệ sinh sạch sẽ và đậy kín nắp để loăng quăng, muỗi và bọ gậy không có nơi sinh sôi và phát triển.

  • Tránh muỗi đốt: ngủ trong màn che, mặc quần áo dài tay, bôi kem chống muỗi, thắp hương muỗi, dùng bình xịt côn trùng,...

Người đã từng bị sốt xuất huyết vẫn có khả năng mắc lại lần sau, do đó không nên chủ quan

Người đã từng bị sốt xuất huyết vẫn có khả năng mắc lại lần sau, do đó không nên chủ quan

Như vậy, sau khi đã nắm rõ các giai đoạn sốt xuất huyết và phương pháp điều trị cũng như cách phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn hãy chia sẻ những kiến thức hữu ích này cho những người xung quanh để góp phần đẩy lùi dịch sốt xuất huyết. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, việc hạn chế đi lại là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên bạn đừng quá lo lắng, nếu cảm thấy bản thân có những dấu hiệu của sốt xuất huyết, bạn hãy liên hệ ngay tới Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm tận nhà với chi phí hợp lý, hoặc đặt lịch khám trực tiếp tại viện với các  bác sĩ chuyên khoa.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.