Tin tức
Nhận biết khớp gối bị thoái hóa
Thoái hóa khớp gối thường gặp ở người trên 50 tuổi, nhưng những người trẻ bị chấn thương khớp gối cũng có thể mắc bệnh này. Thoái hóa khớp gối còn do khớp biến dạng bẩm sinh và béo phì. Nhận biết sớm những dấu hiệu của thoái hóa khớp gối sẽ giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao.
Chụp X-quang để phát hiện
Đặc điểm của xương đầu gối khi bị thoái hóa này là lớp sụn bao bọc đầu xương bị thoái hóa, bong rộp từng mảng, lộ phần xương ra. Lớp sụn khớp ở khớp gối có có chức năng như một lớp đệm giữa hai đầu xương. Khi nó bị hư hỏng thì hai đầu xương sẽ cọ xát nhau khi cử động. Hậu quả là các triệu chứng đau, sưng, hình thành gai xương và giới hạn cử động khớp.
Sụn chêm cũng bị thoái hóa, mỏng, tưa và nham nhở do bị xơ hóa. Có những trường hợp nặng mất luôn cả sụn chêm.
Chụp X-quang khớp gối sẽ thấy khe khớp hẹp lại vì lớp sụn khớp đã bị mòn hay mất đi. Hình ảnh đầu xương thường bị loãng, đồng thời trục khớp bị lệch, biến dạng vẹo trong hay vẹo ngoài.
Mặt khớp gối bị lồi lõm bất thường. Có những gai xương và sụn khớp rải rác hai bên và trong khớp. Tùy theo mức độ bệnh mà sẽ có những hình ảnh X-quang tương ứng.
Triệu chứng của gối khi bị thoái hóa
Đau là triệu chứng đầu tiên khi bị thoái hóa khớp gối, đặc biệt khi đi đứng và khi ngồi xổm đứng dậy, khi ngồi nghỉ thì ít đau hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp lớp hoạt mạc bị viêm thì ngồi nghỉ cũng đau do phản ứng viêm khớp. Cơn đau cũng có thể lan dọc theo bờ trong xương chày.
Nhiều người còn bị những cơn đau ở mặt trong gối, nơi bám của gân cơ chân, ấn vào đây khiến người bệnh đau chói. Cảm giác đau giống như bị rút gân. Triệu chứng này xảy ra vì thoái hóa khớp gối có thể gây ra biến chứng co rút do mất cân bằng lực quanh khớp gối. Người bệnh không thể duỗi uỡn thẳng gối được. Gối bị co rút dần theo kiểu gối gấp nếu bệnh kéo dài. Có thể đưa lọt bàn tay hay nắm tay qua dưới khoeo dù người bệnh đã duỗi gối hết sức.
Một số bệnh nhân không đau mà chỉ có sưng do viêm hoạt mạc làm tăng tiết dịch viêm vào khớp. Sưng gây cảm giác căng tức, khó chịu, đôi khi gây hạn chế tầm vận động của khớp gối, thường là động tác gấp gối (ngồi xổm).
Duỗi gối và gấp gối không hoàn toàn, đau nhức khi đi, biến dạng lệch gối là những nguyên nhân gây ra dáng đi khập khiễng của người bệnh. Người bị bệnh thoái hóa khớp gối cũng gặp khó khăn trong động tác ngồi xổm cũng ảnh hưởng nhiều cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày.
Khi có dấu hiệu cảnh báo thoái hóa khớp, người bệnh nên sớm đi thăm khám bác sĩ, chẩn đoán bệnh kịp thời và áp dụng các liệu pháp phục hồi xương khớp. Bệnh có thể điều trị bằng liệu pháp dinh dưỡng, tập luyện và thay đổi các thói quen có hại cho khớp nếu được phát hiện sớm.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!