Tin tức

Loãng xương uống thuốc gì? Những lưu ý khi dùng thuốc loãng xương

Ngày 05/06/2023
Loãng xương là tình trạng phổ biến có thể xảy ra ở những người trong độ tuổi trưởng thành, trung niên và phổ biến ở người cao tuổi. Để hạn chế tình trạng này thì thuốc điều trị loãng xương chính là mối quan tâm chung của nhiều người bệnh. Vậy bị loãng xương uống thuốc gì để cải thiện bệnh hiệu quả? Điều này sẽ được bật mí qua những thông tin dưới đây!

1. Bệnh loãng xương là gì?

Những người được có chỉ số mật độ xương dưới -2,5 thì được coi là bị loãng xương. Khi xương bị giảm mật độ khoáng thì cấu trúc của xương sẽ trở nên kém vững chắc hơn, từ đó xương trở nên yếu và dễ bị gãy. Loãng xương thường phát triển trong âm thầm vì ít bộc lộ triệu chứng cho tới khi xảy ra biến cố gãy xương. 

Các vị trí như cột sống, hông và cổ tay thường dễ gãy nhất do loãng xương. Đặc biệt tình trạng gãy xương cột sống khiến người bệnh phải duy trì tư thế khom lưng, đau lưng mạn tính và giảm chiều cao. Nguyên nhân dẫn đến loãng xương thường xuất phát từ chế độ ăn uống ít canxi, ít ra ngoài trời hoạt động và lười vận động, tập luyện thể chất. 

Để xác định được tình trạng loãng xương thì người bệnh cần tiến hành chụp mật độ khoáng xương, kết hợp với các dữ liệu khác như giới tính, độ tuổi, tiền sử chấn thương trước đây và nguy cơ gãy xương. 

Khi xương bị giảm mật độ khoáng thì cấu trúc của xương sẽ trở nên kém vững chắc hơn

Khi xương bị giảm mật độ khoáng thì cấu trúc của xương sẽ trở nên kém vững chắc hơn

Trước khi dùng thuốc điều trị loãng xương, bệnh nhân cần thay đổi lối sống khoa học hơn bằng cách cung cấp vitamin C và canxi cho cơ thể thông qua thực đơn dinh dưỡng hàng ngày, tập thể dục thường xuyên, đều đặn, từ bỏ thuốc lá và hạn chế sử dụng rượu bia, đi ngủ sớm.

Ngoài ra để cải thiện tình trạng loãng xương, bệnh nhân sẽ cần phải dùng thêm một số loại thuốc có tác dụng làm tăng khối lượng xương, hạn chế rủi ro gãy xương nhưng các thuốc này cần phải do bác sĩ kê đơn và chỉ định. 

2. Loãng xương uống thuốc gì?

Sau đây là các loại thuốc thường được dùng trong điều trị loãng xương bạn có thể tham khảo:

Chất bổ sung vitamin D và canxi:

Không phải lúc nào chúng ta cũng bổ sung vitamin D và canxi đầy đủ thông qua chế độ ăn. Do đó bạn nên sử dụng thêm các thuốc cung cấp 2 loại dưỡng chất này với liều lượng được khuyến cáo như sau:

  • Vitamin D: bổ sung từ 800 - 1.000 UI/ngày.

  • Canxi: dùng khoảng 500 - 1.500mg/ngày.

Các thuốc chống hủy xương: 

Dựa trên chỉ số mật độ xương, giới tính, độ tuổi và sức khỏe hiện tại của bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê đơn một số thuốc điều trị, đó có thể là:

  • Calcitonin: tận dụng chức năng của một loại hormone tuyến giáp, thuốc này thường được chỉ định cho những trường hợp phụ nữ loãng xương giai đoạn sau mãn kinh hay bệnh nhân không đáp ứng với các loại thuốc trị loãng xương khác. Chỉ nên dùng thuốc trong thời gian ngắn (2 - 4 tuần), không dùng lâu dài, áp dụng cho những bệnh nhân mới gãy xương cho đến khi giảm đau thì tiếp tục uống hoặc truyền nhóm thuốc Bisphosphonat;

  • Bisphosphonat: hoạt động theo cơ chế làm chậm quá trình loãng xương và phải điều trị liên tục từ 3 - 5 năm. Đây được coi là thuốc hàng đầu đem lại hiệu quả đáng kể cho đối tượng loãng xương là người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh hay bệnh nhân đang phải điều trị bằng thuốc kháng viêm glucocorticoid trong thời gian dài;

  • Thuốc chủ vận/đối kháng estrogen: cũng là một loại thuốc rất thích hợp để điều trị loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh. Tác dụng của thuốc tương tự như estrogen đối với một số loại mô, giúp giảm thiểu rủi ro gãy xương bằng cách cải thiện mật độ xương;

  • Estrogen và liệu pháp hormone: phù hợp với đối tượng phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương. Tuy nhiên các biện pháp này lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nên bệnh nhân chỉ nên bắt đầu với liều lượng thấp, sử dụng trong thời gian ngắn và cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro trong việc dùng thuốc khi điều trị loãng xương.

Có nhiều loại thuốc chống loãng xương khác nhau

Có nhiều loại thuốc chống loãng xương khác nhau

3. Cần lưu ý gì khi dùng thuốc điều trị loãng xương? 

Thuốc loãng xương cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Do đó người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc để tránh gặp phải các tác dụng phụ sau đây:

  • Thuốc bisphosphonate: có thể gây đầy hơi, đau bụng, buồn nôn, đau đầu, đau cơ xương khớp. Thuốc có khả năng ảnh hưởng tới xương hàm do đó trước khi dùng thuốc người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe răng miệng. Không dùng thuốc cho bệnh nhân mắc các bệnh lý về dạ dày, hạ canxi máu, vấn đề tại thực quản (trào ngược, chứng achalasia, hẹp thực quản) và thận trọng với những trường hợp bị suy thận;

  • Calcitonin: có thể gây đau đầu, buồn nôn, tăng canxi máu, phát ban, đau bụng nhiễm trùng đường tiết niệu. Không nên dùng cho những người bị tăng canxi huyết, nhiễm độc vitamin D hay vôi hóa di căn. Nếu cần điều trị bằng calcitonin thì nên ngừng bổ sung vitamin D qua thực phẩm chức năng. Ngoài ra trước khi dùng thuốc hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc kháng axit hay thuốc lợi tiểu.

Nên bảo quản thuốc chống loãng xương ở những nơi thoáng mát, khô ráo và để xa tầm với của trẻ nhỏ.

4. Các biện pháp giúp phòng ngừa chứng loãng xương

Để phòng tránh nguy cơ loãng xương thì chúng ta nên áp dụng các cách sau:

  • Tránh hút thuốc vì trong thuốc chứa các hóa chất làm tăng tốc độ loãng xương;

  • Hạn chế uống bia rượu: những chất này không những cản trở quá trình hình thành cấu trúc xương mà còn khiến bạn dễ mất kiểm soát hành động, tăng nguy cơ bị té ngã;

  • Thường xuyên tập thể dục và vận động đều đặn mỗi ngày;

  • Bổ sung canxi và vitamin D qua chế độ ăn uống;

  • Hạn chế nguy cơ té ngã bằng cách: kiểm tra nhà cửa, đi giày dép chống trượt, để gọn dây điện, đồ đạc gây cản đường đi, thắp sáng không gian sống để tránh bị ngã;

  • Tắm nắng để hấp thụ nhiều vitamin D hơn.

Để tránh loãng xương mỗi người cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng 

Để tránh loãng xương mỗi người cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng 

Loãng xương thường diễn tiến trong âm thầm với dấu hiệu ít ỏi, do đó nên khi bệnh biểu hiện ra các triệu chứng cụ thể thì lúc đó người bệnh cũng đã bị thiếu hụt một lượng lớn canxi. Vì vậy nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ loãng xương cao thì nên tiến hành đo mật độ xương định kỳ và tham khảo tư vấn từ bác sĩ để phòng tránh tình trạng loãng xương hiệu quả.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ