Tin tức

Nhận biết viêm thành mạch dị ứng

Ngày 09/05/2013
ThS.BS.Bùi Mai Hương
Bệnh viêm thành mạch dị ứng đã được phát hiện năm 1874 bởi Henoch và được mô tả chi tiết bởi Schoenlein vào năm 1941, vì vậy còn được gọi là bệnh Choenlein - Henoch. Viêm thành mạch dị ứng là một bệnh gặp chủ yếu ở trẻ em hoặc người trẻ tuổi, rất ít khi gặp ở người cao tuổi, bệnh thường thứ phát và mang tính chất cấp tính.


Tại sao bị viêm thành mạch dị ứng?

Cẩn thận với bệnh viêm thành mạch dị ứng bởi vì có thể nhầm với bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD), đặc biệt nhất là nếu bệnh xảy ra trong vùng đang có dịch SXHD lưu hành. Bệnh SXHD là một bệnh truyền nhiễm, tác nhân gây bệnh là virut Dengue và môi giới truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti và Aedes albopictus. Bệnh SXHD bao giờ cũng có sốt.
 

Bệnh viêm thành mạch dị ứng là bệnh thứ phát cấp tính, nguyên nhân chủ yếu do dị ứng. Các nguyên cứu đã cho thấy rằng, do có sự phản ứng miễn dịch giữa kháng nguyên và kháng thể diễn ra trên lớp nội mạc mạch (chủ yếu là mao mạch). Phản ứng kháng nguyên và kháng thể này sẽ giải phóng ra các chất trung gian hóa học, đồng thời xuất hiện sự lắng đọng phức hợp miễn dịch tại lớp niêm mạc của mao mạch. Chất trung gian hóa học và phức hợp miễn dịch này sẽ làm tổn thương, tăng tính thấm thành mao mạch gây hiện tượng thoát quản (xuất huyết). Bệnh thường mang tính chất thứ phát nhưng xảy ra đột ngột, cấp tính. Sự xuất hiện của bệnh không lệ thuộc vào tác động cơ học (tức là không phải do sang chấn) mà liên quan tới cơ địa dị ứng, viêm da dị ứng, thức ăn lạ, thay đổi thời tiết hoặc có sự viêm nhiễm. 
 

Biểu hiện của bệnh viêm thành mạch dị ứng

Biểu hiện xuất huyết của bệnh viêm thành mạch dị ứng khác hẳn với bệnh SXHD. Viêm thành mạch dị ứng chủ yếu là xuất huyết dưới da. Xuất huyết dưới da có các đặc điểm nổi trội là xuất huyết tự nhiên không liên quan tới tác động cơ học và hiện tượng xuất huyết tăng nặng khi đi lại nhiều và đứng lâu.
 

Đặc điểm của xuất huyết là nốt xuất huyết thường nhỏ, có màu đỏ, ít khi thành các nốt lớn hoặc ít khi nốt xuất huyết thành từng mảng, từng đám hoặc máu tụ. Vị trí xuất huyết thường dưới da tứ chi, tập trung nhiều nhất ở các đầu chi. Sự xuất huyết dưới da ở chi đối xứng hai bên (khác hoàn toàn với SXHD). Một điểm cần chú ý là  xuất huyết dưới da của bệnh viêm thành mạch dị ứng rất ít khi gặp ở thân mình, đầu, mặt hoặc cổ (khác với bệnh SXHD là xuất huyết dưới da ở bất cứ vị trí nào của da). Màu sắc của các nốt xuất huyết là đỏ và đồng đều như nhau.
 

Trong giai đoạn bệnh đang tiến triển, có thể làm phản ứng dây thắt dương tính (giống với SXHD). Trong một số trường hợp, bệnh viêm thành mạch dị ứng có thể gây nên cả xuất huyết niêm mạc nội tạng như xuất huyết đường tiêu hóa kèm theo đau bụng. Biểu hiện của xuất huyết đường tiêu hóa là đau bụng, đi ngoài phân đen, đo huyết áp có thể thấy huyết áp dưới mức bình thường, kèm theo hoa mắt chóng mặt lúc ngồi xuống, đứng lên; niêm mạc môi, mắt nhợt nhạt. Một số trường hợp có tổn thương mao mạch cầu thận gây nên hiện tượng đái máu vi thể (soi cặn nước tiểu bằng kính hiển vi quang học thấy có hồng cầu) nhưng rất ít khi thấy đái máu đại thể (mắt thường có thể nhìn thấy nước tiểu có màu đỏ).
 

 Ngoài ra, một số trường hợp có thể thấy hiện tượng đau nhức khớp gối, khớp cổ chân. Biến chứng của bệnh viêm thành mạch dị ứng có thể là viêm cầu thận mạn hoặc trong trường hợp viêm thanh mạc ruột có thể gây thủng ruột do hoại tử nhưng các loại biến chứng này rất ít gặp. Vì vậy, bệnh viêm thành mạch dị ứng cần phân biệt với bệnh SXHD. SXHD bao giờ cũng có sốt và xuất huyết dưới da ở bất kỳ vị trí bộ phận nào trên cơ thể do giảm tiểu cầu. SXHD xảy ra chắc chắn phải có virut Dengue và muỗi Aedes aegypti, Aedes albopictus truyền bệnh. Còn viêm thành mạch dị ứng không do virut Dengue và không có vật chủ trung gian truyền bệnh. Viêm thành mạch dị ứng chủ yếu ở chi (nhiều nhất ở đầu các chi), đối xứng hai bên.
 

Khi bị viêm thành mạch dị ứng nên làm gì?

Do nguyên nhân gây bệnh khác nhau nên phác đồ điều trị bệnh viêm thành mạch dị ứng khác hoàn toàn với phác đồ điều trị bệnh SXHD. Để bệnh không tái phát, cần tìm nguyên nhân gây bệnh, đó là dị ứng nguyên hoặc tác nhân gây nhiễm khuẩn. Qua đó để hạn chế hoặc không tiếp xúc với dị ứng nguyên và nếu do nhiễm khuẩn thì sẽ có biện pháp xử trí thích hợp. Việc xác định dị ứng nguyên sẽ được thực hiện tại khoa dị ứng hoặc trung tâm dị ứng của các cơ sở y tế có đủ điều kiện.
 

Vì vậy, khi nghi bị viêm thành mạch dị ứng nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt, không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình hoặc người thân và không tự mua thuốc để điều trị. Nếu làm như vậy, bệnh không những không khỏi mà có thể nặng thêm, đôi khi gây nguy hiểm cho tính mạng, đặc biệt là dùng các loại corticoid. Điều trị bệnh viêm thành mạch dị ứng chủ yếu dựa vào chống dị ứng, bảo vệ thành mạch, nếu xuất huyết gây thiếu máu nhiều sẽ có chỉ định bổ sung hồng cầu hoặc nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn sẽ được dùng kháng sinh điều trị. Tuy vậy, cần dùng thuốc gì và trong thời gian bao lâu là do bác sĩ khám bệnh trực tiếp chỉ định, người bệnh cần tuân theo chỉ dẫn và thực hiện theo đơn của bác sĩ.
 

Bên cạnh đó, người bệnh cần nghỉ ngơi, tránh đi lại nhiều và không nên đứng lâu. Nên ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn và quả tươi có chứa nhiều vitamin C, cần kiêng các loại thực phẩm gây dị ứng cho bản thân mình đã từng xảy ra.    
 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.