Tin tức
Nhiễm giun sán gây ngứa: Nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và điều trị
- 23/03/2022 | Một số bệnh giun sán hay gặp ở trẻ - thông tin cha mẹ nào cũng cần
- 23/12/2022 | Nhiễm trùng não do giun sán có nguy hiểm không và cách điều trị
- 19/02/2025 | Xét nghiệm giun sán ở đâu? Thông tin về địa chỉ thực hiện uy tín, chất lượng
1. Nhiễm giun sán gây ngứa là như thế nào?
1.1. Nguyên nhân gây ngứa khi nhiễm giun sán
Ngứa là một trong những triệu thường gặp khi cơ thể bị nhiễm giun sán. Tình trạng này là kết quả từ:
- Phản ứng miễn dịch của cơ thể
Khi giun sán xâm nhập vào bên trong cơ thể, hệ thống miễn dịch sẽ nhận diện chúng là tác nhân lạ và giải phóng histamin để chống lại. Histamin chính là nguyên nhân gây ngứa khi nhiễm giun sán.
- Độc tố do giun sán tiết ra
Trong quá trình sinh trưởng, giun sán tiết ra chất thải và độc tố vào máu. Những độc tố này khiến gan phải tăng hoạt động để đào thải độc tố. Vì thế nhiễm giun sán gây ngứa khiến da bị nổi mẩn đỏ.
- Hoạt động của giun sán
Một số loại giun như giun móc, giun lươn có thể xâm nhập qua da, gây nên các vết hằn đỏ và gây ngứa dữ dội. Giun kim thường đẻ trứng ở vùng hậu môn, làm người bệnh ngứa ngáy và mất ngủ.
Quá trình hoạt động và tiết độc tố của giun sán là nguyên nhân gây ngứa cho người bệnh
1.2. Triệu chứng ngứa ngáy khi nhiễm giun sán
Nhiễm giun sán gây ngứa là một trong những dấu hiệu đầu tiên mà cơ thể cảnh báo khi bị ký sinh trùng tấn công. Cơn ngứa có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, tùy vào loại giun sán gây bệnh:
- Ngứa vùng hậu môn
Ngứa ở hậu môn thường là do giun kim, dễ gặp ở trẻ nhỏ. Giun kim thường đẻ trứng ở vùng hậu môn vào ban đêm nên khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, mất ngủ, thường xuyên đưa tay gãi hậu môn.
- Ngứa da toàn thân
Khi giun sán xâm nhập vào cơ thể, chúng tiết ra các độc tố kích thích phản ứng miễn dịch, gây ngứa da toàn thân và nổi mảng đỏ da, có thể kèm sốt nhẹ hoặc đau bụng.
- Ngứa và sưng tay, chân
Ấu trùng giun móc hoặc giun lươn xâm nhập qua da, gây viêm nhiễm cục bộ. Đây là lý do người bệnh có các đường hằn đỏ trên da, sưng tấy, ngứa ngáy, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi,...
1.3. Nhiễm giun sán gây ảnh hưởng gì đối với sức khỏe?
Nhiễm giun sán không chỉ gây ngứa ngáy mà về lâu dài còn gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe:
- Rối loạn tiêu hóa
Giun sán ký sinh trong ruột có thể gây đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, chướng bụng hoặc táo bón kéo dài. Nếu giun kết thành búi có thể làm tắc ruột.
- Thiếu máu và suy dinh dưỡng
Giun móc, giun lươn có thể lấy máu từ niêm mạc ruột để phát triển và sinh sản. Điều này khiến người bệnh bị xanh xao, mệt mỏi do thiếu máu. Ngoài ra, giun sán còn hấp thụ chất dinh dưỡng, khiến người bệnh suy dinh dưỡng, gây chậm phát triển thế chất và trí tuệ ở trẻ em.
- Tổn thương nội tạng
Một số loại giun sán có thể xâm nhập vào gan, phổi, tim, mắt, não, gây viêm nhiễm, áp xe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiễm giun sán trong thời gian dài là nguyên nhân suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ
2. Xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị khi nhiễm giun sán gây ngứa
2.1. Chẩn đoán
Khi nghi ngờ nhiễm giun sán gây ngứa, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định một số xét nghiệm chẩn đoán sau:
- Xét nghiệm phân
Mẫu phân của bệnh nhân sẽ được phân tích dưới kính hiển vi để phát hiện sự tồn tại của ký sinh trùng.
- Xét nghiệm máu
Mẫu máu của bệnh nhân sẽ được dùng để đo lượng bạch cầu ái toan. Nếu chỉ số tăng cao chứng tỏ cơ thể phản ứng với giun sán. Xét nghiệm máu cũng có thể giúp xác định kháng thể đối với mỗi loại giun sán để chẩn đoán nhiễm giun sán.
- Chẩn đoán hình ảnh
Trong trường hợp nghi ngờ giun sán ký sinh ở não, phổi, gan,... bác sĩ có thể chỉ định chụp CT-Scanner hoặc chụp MRI để chẩn đoán chính xác, kịp thời điều trị ngăn ngừa biến chứng và tránh nguy cơ tái nhiễm.
2.2. Điều trị
Các trường hợp đã được nhiễm giun sán gây ngứa thường được bác sĩ chỉ định dùng thuốc điều trị để loại bỏ ký sinh trùng như:
- Thuốc tẩy giun
Albendazole và Mebendazole là các loại thuốc tẩy giun thường dùng nhất. Trường hợp nhiễm sán lá hoặc sán dây có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng Praziquantel. Nếu là giun lươn hoặc ký sinh trùng ngoài da, người bệnh có thể được kê đơn thuốc Ivermectin.
- Thuốc kháng histamin
Do nhiễm giun sán gây ngứa nên bác sĩ cũng sẽ kê đơn thuốc kháng histamin để giảm phản ứng dị ứng gây ngứa. Ngoài ra, kem chứa hydrocortisone hoặc kem dưỡng ẩm cũng có thể được dùng để làm dịu da.
Bên cạnh việc điều trị đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cũng cần:
- Tăng cường miễn dịch bằng cách bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C và kẽm.
- Uống nhiều nước để tăng khả năng đào thải độc tố của giun sán.
- Vệ sinh tay chân sạch sẽ, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn uống.
Khi nghi ngờ nhiễm giun sán gây ngứa người bệnh đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm
3. Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm giun sán
Để tránh trường hợp bị nhiễm giun sán gây ngứa, mỗi cá nhân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Cắt ngắn móng tay và không đưa tay vào miệng để hạn chế lây nhiễm Giun kim.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng cách rửa sạch rau quả bằng nước muối hoặc dung dịch rửa chuyên dụng, nấu chín kỹ đồ ăn, không ăn đồ ăn sống hoặc chưa được nấu kỹ.
- Dọn dẹp môi trường sống sạch sẽ, tránh ẩm thấp để ký sinh trùng không có cơ hội phát triển.
- Không để chất thải ô nhiễm ra ngoài môi trường, không tiếp xúc với nguồn nước hoặc đất bẩn.
- Tẩy giun 6 tháng/lần đối với người lớn và trẻ em trên 2 tuổi.
- Người làm công việc có nguy cơ lây nhiễm giun sán cao như: làm nông, chăn nuôi,... nên xét nghiệm ký sinh trùng định kỳ để kịp thời điều trị nếu được phát hiện nhiễm giun sán.
Nhiễm giun sán gây ngứa là một tình trạng phổ biến nhưng có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm giun sán, quý khách hàng có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn xét nghiệm chẩn đoán và định hướng điều trị.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
