Tin tức

Nhiễm khuẩn hậu sản ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Ngày 05/07/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Nhiễm khuẩn hậu sản là một trong những tai biến sản khoa có thể gặp ở phụ nữ sau sinh, hầu hết do điều kiện sinh không tốt, không đảm bảo an toàn và vô trùng. Nhiễm khuẩn hậu sản ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của sản phụ, thậm chí gây tử vong nếu không được điều trị tốt. 

1. Nhiễm khuẩn hậu sản là gì?

Nhiễm khuẩn hậu sản bao gồm một loạt các loại nhiễm trùng có thể xảy ra sau khi sinh, kể cả sinh tự nhiên qua đường sinh dục hoặc sinh mổ. Tình trạng này có thể xảy ra ngay sau khi sinh hoặc xuất hiện muộn khoảng vài tuần, gây ra những cơn đau tương tự như đau sau sinh nên rất khó để phân biệt. Vị trí có thể bị nhiễm khuẩn có thể là âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn, tử cung, nội mạc tử cung, tiểu khung,... tác nhân là các vi khuẩn thường gặp như: liên cầu, tụ cầu, vi khuẩn kỵ khí,…

Nhiễm khuẩn hậu sản có thể xuất hiện sau sinh một vài ngày

Nhiễm khuẩn hậu sản có thể xuất hiện sau sinh một vài ngày

Có nhiều yếu tố tác động dẫn đến nhiễm khuẩn hậu sản, thường kết hợp cả chấn thương trong quá trình sinh, thay đổi sinh lý trong và sau thai kỳ, dinh dưỡng kém, bế sản dịch, can thiệp thủ thuật không đảm bảo vệ sinh,… 

Các nhiễm khuẩn hậu sản thường gặp bao gồm:

  • Nhiễm trùng vết mổ.

  • Nhiễm khuẩn âm hộ âm đạo, viêm tử cung - phần phụ.

  • Viêm, nhiễm trùng nội mạc tử cung.

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Ngoài ra có thể gặp tình trạng nhiễm trùng huyết, viêm phúc mạc tiểu cung, viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm khuẩn tầng sinh môn,… Tùy vào tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản mà sản phụ có triệu chứng khác nhau, điển hình là tình trạng sốt nhẹ, xuất hiện sản dịch có mùi hôi, đau vùng viêm nhiễm,…

Sốt kèm ớn lạnh là triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn hậu sản

Sốt kèm ớn lạnh là triệu chứng điển hình của nhiễm khuẩn hậu sản

Cần phát hiện sớm và điều trị nhiễm khuẩn hậu sản, nhiều trường hợp diễn tiến nặng phải cấp cứu khẩn cấp để cứu sống sản phụ. 

2. Hậu quả của nhiễm khuẩn hậu sản tới cơ thể

Hậu quả của nhiễm khuẩn hậu sản với sức khỏe của sản phụ còn phụ thuộc vào hình thái nhiễm trùng cũng như mức độ bệnh. Cụ thể như sau:

2.1. Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ

Hầu hết tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản là do can thiệp cắt, rạch tầng sinh môn để hỗ trợ sinh dễ dàng hơn song sau đó khâu tầng sinh môn không đúng kỹ thuật, không vô trùng, không khâu hoặc sót gạc trong âm đạo. Do đó, sinh tại cơ sở y tế uy tín, điều kiện trang thiết bị tốt và vô trùng rất quan trọng để phòng ngừa nhiễm khuẩn hậu sản.

Hậu quả của nhiễm khuẩn hậu sản ngoài này thường không nghiêm trọng, gây đau, sưng đỏ, mưng mủ ở vùng âm đạo, âm hộ hoặc tầng sinh môn. Hầu hết nhiễm khuẩn này không gây mùi hôi sản dịch. Để khắc phục, cần chăm sóc tại chỗ bằng cách: rửa vùng viêm nhiễm bằng thuốc sát khuẩn, dùng gạc vô khuẩn, đóng khố vệ sinh và cắt chỉ khi xuất hiện mưng mủ.

2.2. Viêm niêm mạc tử cung

Viêm niêm mạc tử cung là dạng nhiễm khuẩn hậu sản nghiêm trọng, nguyên nhân có thể gây ra bao gồm: nhiễm khuẩn ối, sót rau, bóc rau nhân tạo, kiểm soát tử cung không vô khuẩn hoặc sót màng. Triệu chứng nhiễm khuẩn này thường nghiêm trọng hơn như: 

Viêm niêm mạc tử cung gây đau và ra nhiều sản dịch hôi

Viêm niêm mạc tử cung gây đau và ra nhiều sản dịch hôi

  • Xuất hiện sản dịch có mùi hôi, lẫn máu mủ, số lượng nhiều.

  • Sản phụ sốt cao từ 38 - 38.5 độ C sau khi sinh kèm theo khó chịu, mệt mỏi.

  • Cổ tử cung hé mở, ấn thấy đau, khả năng phục hồi chậm, bụng căng, tức.

Nếu viêm tử cung toàn bộ sẽ gây xuất hiện những ổ áp xe nhỏ ở quanh lớp cơ tử cung, nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn máu hoặc viêm phúc mạc nguy hiểm.

2.3. Viêm tử cung, viêm quanh tử cung

Tình trạng nhiễm khuẩn hậu sản này thường gây sốt muộn hơn khoảng 8 - 10 ngày sau sinh, đi kèm với triệu chứng khác như: ra nhiều sản dịch có mùi hôi, tử cung co hồi chậm, cổ tử cung đóng chậm, nắn tiểu khung thấy có khối mềm, hạn chế di động,…

Cần điều trị tích cực viêm tử cung hoặc viêm quanh tử cung, nếu không sẽ phát triển thành viêm phúc mạc tiểu khung. Sản phụ mắc nhiễm khuẩn hậu sản này cần nghỉ ngơi nhiều hơn và điều trị bằng kháng sinh phù hợp. Nếu nhiễm khuẩn nặng gây hình thành túi mủ thì cần chọc mủ, dẫn lưu qua âm đạo.

2.4. Viêm phúc mạc tiểu khung

Đây là tình trạng viêm không khu trú phát triển vào tiểu khung, gây xuất hiện các giả mạng ở các tạng trong tiểu khung và dính lại với nhau. Hậu quả là xuất hiện các túi dịch chứa mủ và máu trong phúc mạc, triệu chứng sản phụ gặp phải nặng hơn như: rét run, sốt cao 39 - 40 độ C, cơ thể mệt mỏi, lưỡi bẩn. 

Cần điều trị sớm và tích cực viêm phúc mạc tiểu khung, nếu không sẽ tiến triển thành viêm phúc mạc toàn bộ.

Viêm phúc mạc toàn bộ thường gặp ở mẹ sinh mổ

Viêm phúc mạc toàn bộ thường gặp ở mẹ sinh mổ

2.5. Viêm phúc mạc toàn bộ

Viêm phúc mạc toàn bộ là dạng nhiễm khuẩn hậu sản nguy hiểm chủ yếu gặp ở thai phụ mổ lấy thai nhưng không đảm bảo vô khuẩn hoặc tiến triển từ dạng nhiễm khuẩn hậu sản khác. Triệu chứng bệnh có thể xuất hiện sau sinh từ 3 - 10 ngày gồm:

  • Hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc.

  • Môi khô, mắt trũng, lưỡi bẩn.

  • Đại tiện ra phân lỏng, mùi rất hôi, có cảm ứng phúc mạc và phản ứng thành bụng.

Nếu nhiễm trùng nghiêm trọng, có thể phải cắt bỏ một phần tử cung, rửa và dẫn lưu ổ bụng nên viêm phúc mạc toàn bộ cần phát hiện, điều trị sớm.

2.6. Nhiễm khuẩn huyết

Nhiễm khuẩn huyết là dạng nhiễm khuẩn hậu sản nguy hiểm nhất, ảnh hưởng nặng nhất đến sức khỏe, thậm chí có thể gây sốc tử vong. Bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng toàn thân rầm rộ như:

  • Nhiễm trùng, nhiễm độc: khó thở, da vàng, lưỡi bẩn, môi khô, nước tiểu sẫm màu.

  • Sốt cao liên tục đi kèm với rét run, mỏi mệt toàn thân.

Nhiễm khuẩn huyết sẽ biến chứng đến suy thận, áp xe não, viêm thận kẽ, viêm nội tâm mạc, áp xe phổi, viêm màng não,… tùy vào tình trạng sức khỏe và đáp ứng điều trị.

Nhiễm khuẩn huyết sau sinh có thể gây tử vong

Nhiễm khuẩn huyết sau sinh có thể gây tử vong

3. Phòng ngừa nhiễm khuẩn hậu sản như thế nào?

Nhiễm khuẩn hậu sản rất nguy hiểm bởi sức khỏe, sức đề kháng của sản phụ còn yếu, phải chăm sóc trẻ nên nguy cơ biến chứng cao. Cần chú ý những điều sau để phòng ngừa bệnh:

  • Điều trị ổ viêm khi mang thai: viêm sinh dục, viêm đường tiết niệu.

  • Lựa chọn địa chỉ y tế uy tín, hiện đại, trang thiết bị và phòng sinh vô trùng.

  • Đề phòng nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài.

  • Chăm sóc, vệ sinh tầng sinh môn sau sinh đúng cách, tránh bế sản dịch.

Nhiễm khuẩn hậu sản ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sự phục hồi của sản phụ sau sinh, thậm chí có thể gây biến chứng nặng. Do đó, chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa nhiễm khuẩn hậu sản là rất quan trọng, đây là điều mà bất cứ sản phụ nào cũng cần dự phòng tốt.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.