Tin tức

6 cách đơn giản phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em

Ngày 03/06/2021
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Trần Thị Kim Ngọc
Nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em là bệnh lý thường gặp song nhiều bậc phụ huynh không biết đến và không hiểu rõ về bệnh. Điều này dẫn đến nguy cơ mắc bệnh và tiến triển bệnh nặng hơn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hệ tiết niệu của trẻ. Nắm bắt được thông tin bệnh lý giúp cha mẹ phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em tốt hơn.

1. Yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn hệ hô hấp và tiết niệu. Song nhiễm khuẩn tiết niệu ít được các bậc phụ huynh chú ý chăm sóc, khiến bệnh tái phát nhiều lần ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe hiện tại và sau này của trẻ.

phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em

Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Hệ miễn dịch của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên khả năng chống lại tác nhân gây bệnh kém. Ngoài ra, trẻ còn nhỏ tuổi chưa kiểm soát tốt đại tiểu tiện nên việc vệ sinh cũng khó khăn. Không phải bậc phụ huynh nào cũng biết cách vệ sinh sạch sẽ, an toàn cho trẻ sau khi đi vệ sinh và đây là những yếu tố nguy cơ cao dẫn đến nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ.

Ngoài ra, nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu tăng lên ở những trẻ sau:

Bé trai bị hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu khiến vi khuẩn, nước tiểu,… dễ ứ đọng lại, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm khuẩn tiết niệu. Đặc biệt, việc vệ sinh vùng kín cho bé trai chưa được nhiều bậc phụ huynh chú ý.

Bé trai bị hẹp bao quy đầu dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Bé trai bị hẹp bao quy đầu dễ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Trẻ bị dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu

Nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cao ở những trẻ bị chít hẹp niệu đạo, giãn đài bể thận niệu quản, chít hẹp niệu quản, niệu quản đôi,… Đa phần những trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần khó điều trị khi đi khám với phát hiện các dị tật bẩm sinh này. Bác sĩ có thể yêu cầu can thiệp để khắc phục, giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh lý.

Điều kiện vệ sinh kém, cha mẹ vệ sinh không đúng cách

Những trẻ ở nông thôn, vùng cao có điều kiện vệ sinh kém, nước sạch hiếm có nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cao hơn. Cha mẹ cũng không được tiếp xúc với truyền thông nhiều nên việc chăm sóc, vệ sinh cho trẻ phòng ngừa bệnh cũng còn hạn chế, không đúng cách.

Trẻ mắc bệnh lý suy giảm miễn dịch

Hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ vốn chưa hoàn thiện, nếu trẻ mắc các bệnh suy giảm miễn dịch thì nguy cơ mắc bệnh cao và dễ tiến triển nặng gây biến chứng. Những bệnh dễ gây suy giảm miễn dịch ở trẻ bao gồm: Bệnh lý tiêu hóa, bệnh lý hô hấp, suy dinh dưỡng,…

Thói quen nhịn tiểu, uống ít nước

Do ham chơi mà nhiều trẻ có thói quen nhịn tiểu, điều này không tốt cho sức khỏe hệ tiết niệu, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cao hơn. Ngoài ra, thói quen uống ít nước cũng góp phần gây ra bệnh lý.

Bé gái do niệu đạo ngắn và gần lỗ hậu môn nên nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cao

Bé gái do niệu đạo ngắn và gần lỗ hậu môn nên nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cao

Thực tế, do cấu tạo giải phẫu niệu đạo của bé gái ngắn hơn, gần lỗ hậu môn hơn so với bé trai nên nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cũng cao hơn. Vì thế việc chăm sóc, vệ sinh và hướng dẫn bé gái tự vệ sinh vùng kín từ sớm là cần thiết.

2. Cách phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em hiệu quả

Trẻ nhỏ cần được chăm sóc, chú ý phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu, đặc biệt ở bé gái và các bé có nguy cơ mắc bệnh cao. Những biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em dưới đây tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả:

2.1. Vệ sinh vùng kín đúng cách

Với trẻ còn nhỏ, cha mẹ có thể hỗ trợ trẻ vệ sinh vùng kín, nhất là bé gái. Lưu ý nên rửa tay sát khuẩn sạch sẽ trước khi thực hiện, cần vệ sinh từ trước ra sau tránh vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập ngược gây bệnh.

Nên hướng dẫn dần dần để trẻ hiểu tầm quan trọng của việc vệ sinh vùng kín cũng như biết cách tự vệ sinh từ sớm.

2.2. Thường xuyên thay bỉm, lau khô và chú ý dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ

Trẻ nhỏ chưa kiểm soát được việc đại tiểu tiện nên trong thời gian sử dụng bỉm, cha mẹ lưu ý thường xuyên thay bỉm, lau khô cho trẻ sau khi vệ sinh. Đồng thời cần thường xuyên quan sát kỹ màu sắc bỉm có bất thường không, có đọng cặn trắng hay dịch nhiễm khuẩn không.

Nên thường xuyên thay bỉm tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ

Nên thường xuyên thay bỉm tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ

2.3. Kiểm tra và xử lý hẹp bao quy đầu ở bé trai

Với bé trai, cha mẹ cần kiểm tra bằng cách vuốt nhẹ bao quy đầu xem trẻ có bị hẹp bao quy đầu không. Hiện tượng phồng bao quy đầu khi trẻ đi tiểu cũng là một dấu hiệu nhận biết bệnh. Nếu trẻ mắc bệnh, nên lưu ý vệ sinh và đưa trẻ tới cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.

2.4. Cho trẻ uống đủ nước

Cần tập thói quen cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày, đa dạng với các loại nước canh, nước súp, nước hoa quả bên cạnh nước lọc.

2.5. Tập thói quen đi tiểu khoa học cho trẻ

Nên dặn trẻ không nên nhịn tiểu, có thể tập thói quen đi tiểu đúng giờ để tạo phản xạ tự nhiên.

2.6. Đưa trẻ đi khám và điều trị nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu

Nếu cha mẹ đã chăm sóc, vệ sinh tốt vùng kín nhưng trẻ vẫn bị nhiễm khuẩn tiết niệu tái phát nhiều lần, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám chuyên sâu và điều trị y tế sớm. 

3. Triệu chứng trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Đôi khi, nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ không có triệu chứng, chỉ phát hiện qua thăm khám và xét nghiệm cận lâm sàng.

Tuy nhiên, đa phần trường hợp sẽ có những biểu hiện dưới đây: 

  • Cảm giác đau buốt, nóng rát khi đi tiểu khiến trẻ nhăn mặt, quấy khóc, sợ đi tiểu.

  • Sốt nhẹ đến sốt vừa.

  • Đi tiểu nhiều lần, mỗi lần với lượng nước tiểu ít.

  • Nước tiểu hôi, có màu đục và có thể lẫn máu.

  • Đau bụng vùng bàng quang dưới rốn.

Trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu nên đi khám và điều trị sớm

Trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn tiết niệu nên đi khám và điều trị sớm

Ngoài ra, nếu trẻ bị nhiễm trùng niệu quản tới bể thận, triệu chứng thường nặng, khiến trẻ mệt mỏi, sốt cao liên tục. Trong cơn sốt có thể kèm theo rét run, trẻ bị nôn nhiều và đau vùng lưng. Trẻ có những dấu hiệu này cần được chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng sớm, tránh biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Hãy thực hiện tốt những biện pháp trên để phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em, để trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.