Tin tức
Những biến chứng nặng do thủy đậu
Virut thủy đậu có trong đường hô hấp của bệnh nhân đang mắc thủy đậu ở thời kỳ đầu, thường một ngày trước khi mọc các nốt đậu cho đến 5 ngày sau khi mọc hoặc khi toàn bộ các nốt đậu chưa đóng vảy, khô ráo đều có nguy cơ lây nhiễm. Lây nhiễm thủy đậu chủ yếu từ nước bọt bắn ra, cũng có thể do tiếp xúc với quần áo, đồ chơi, dụng cụ... đã bị nhiễm virut thủy đậu. Đối tượng mắc phần lớn là trẻ em từ 1 - 10 tuổi, nhưng lứa tuổi thanh, thiếu niên và người lớn cũng có thể mắc nếu chưa có miễn dịch, trẻ dưới 6 tháng tuổi ít mắc vì đã có miễn dịch tạm thời từ mẹ truyền sang. Cả 4 mùa trong năm đều có thể mắc bệnh, trong đó hay mắc nhiều vào mùa đông - xuân. Các trường mẫu giáo, nhà giữ trẻ... rất dễ phát dịch thủy đậu cục bộ.
Nhận biết thế nào?
Từ khi nhiễm virut thủy đậu cho đến khi phát bệnh khoảng 14 - 21 ngày. Lúc đầu hơi sốt, toàn thân thấy khó chịu, ăn không ngon, ho hoặc đi lỏng nhẹ kèm với sốt. 1 - 2 ngày sau, da trên người bệnh nhân thấy xuất hiện các nốt mẩn đỏ, ít giờ sau sẽ biến thành các mụn nước nhỏ có dịch thể trong. Nốt đậu thường có hình bầu dục, lớn nhỏ không đều nhau, mọc nông, trông như nổi trên mặt da, thường kèm theo ngứa khiến bệnh nhân bứt rứt không yên. Trong vòng từ 1 - 3 ngày, trong lòng các nốt đậu bắt đầu khô và lõm xuống, đóng vảy, qua vài ngày nữa, các vảy bong ra nhưng không để lại vết sẹo. Nếu không cẩn thận, một số ít các nốt nhiễm khuẩn (do gãi, để nốt đậu vỡ không vệ sinh...) nên để lại sẹo. Các nốt đậu có tính chất lan khắp thân mình nhưng không đều, vùng mặt, chân tay mọc ít hơn ở vùng ngực lưng. Các nốt thủy đậu mọc theo từng đợt, vì vậy, cùng ở một nơi nhưng có thể đồng thời thấy các nốt mẩn, nốt sần, mụn rộp và các mụn đã đóng vảy của các giai đoạn khác nhau - đây là một đặc điểm riêng có của bệnh thủy đậu.
Một số điểm cần lưu ý khi theo dõi bệnh thủy đậu:
Khi phát bệnh thường bị sốt nhưng không cao, ở trẻ nhỏ không có triệu chứng nhiễm độc nặng. Tuy vậy, bệnh tình nặng nhẹ ở mỗi bệnh nhân khác nhau, mức độ nhẹ thì các nốt thủy đậu mọc thưa thớt và nhỏ; trường hợp nặng, các nốt thủy đậu mọc dày đặc, có thể mọc cả trong miệng, họng, niêm mạc mắt, vùng âm đạo... Các mụn rộp có thể xuất huyết, triệu chứng toàn thân tương đối nặng, nhất là các trường hợp bệnh nhi yếu, suy dinh dưỡng... Về biến chứng của bệnh thủy đậu, chủ yếu là biến chứng nhiễm khuẩn thứ phát ở da, nhiễm khuẩn tại các nốt rộp thủy đậu. Nhưng bệnh thủy đậu cũng có thể gây các biến chứng nặng như viêm não, viêm phổi, viêm kết mạc, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết... Vì vậy, trước một bệnh nhân thủy đậu, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ diễn biến để có cách xử trí thích hợp.
Chăm sóc bệnh nhân bị thủy đậu đúng cách
Bệnh nhân thủy đậu cần sớm được cách ly để tránh lây lan ra diện rộng. Nếu bệnh ở thể bình thường, không cần có sự điều trị đặc biệt, chủ yếu tăng cường chăm sóc dinh dưỡng, đặc biệt cần giữ vệ sinh cá nhân, chú ý luôn giữ da sạch sẽ, tránh chà xát trên da làm vỡ nốt đậu đề phòng nhiễm khuẩn thứ phát do vi khuẩn khác xâm nhập tại nốt đậu vào cơ thể. Trong thời kỳ phát bệnh, cần nghỉ ngơi tại giường, ăn các thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước, cắt ngắn móng tay tránh trường hợp khi gãi làm trầy xước da. Thường xuyên thay quần áo, tiệt khuẩn, giặt riêng, phơi dưới ánh nắng hoặc ủi kỹ. Khi nốt đậu vỡ, dùng thuốc bôi ngoài da như thuốc tím 1%, milian, xanh methylen... Nếu có biến chứng nhiễm khuẩn hoặc các dấu hiệu bất thường ở bệnh nhân đang mắc bệnh thủy đậu, cần phải đưa đến các cơ sở y tế để được thăm khám xác định mức độ và có chỉ định dùng thuốc kháng sinh hợp lý.
Cách ly nguồn bệnh - Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu
Tại các nơi có dịch thủy đậu, biện pháp cách ly nguồn bệnh là cần thiết, tăng cường công tác vệ sinh cho bảo đảm thông thoáng, đủ ánh sáng để hạn chế sự lưu hành của virut. Hiện nay, biện pháp phòng bệnh thủy đậu chủ động là tiêm vaccin cho trẻ theo hướng dẫn của cơ quan y tế dự phòng.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!