Tin tức

Những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng cha mẹ cần biết

Ngày 11/01/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Tay chân miệng là một trong những căn bệnh truyền nhiễm có khả năng bùng phát thành dịch, đặc biệt là vào mùa hè, thời tiết oi bức, nắng nóng. Tìm hiểu những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng giúp ba mẹ phát hiện sớm từ đó kịp thời chữa trị cho con để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

1. Thông tin tổng quan về bệnh tay chân miệng ở trẻ 

Trước khi tìm hiểu về những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng thì bạn cần biết một số thông tin cơ bản về căn bệnh này. 

Tay chân miệng là căn bệnh có thể xảy ra với cả người lớn và trẻ em do virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71. Tuy nhiên, trẻ từ 1 - 5 tuổi là nhóm mắc bệnh chiếm tỷ lệ cao. Đây là nhóm tuổi có sức đề kháng yếu với các tác nhân gây bệnh do hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện. 

Trẻ 1 - 5 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh tay chân miệng cao

Trẻ 1 - 5 tuổi có tỷ lệ mắc tay chân miệng cao

Ngoài ra, dưới 5 tuổi là thời điểm bé đi nhà trẻ, đây là môi trường lý tưởng để mầm bệnh phát triển và lây lan nhanh. Mặc dù tay chân miệng có thể khỏi sau một khoảng thời gian phát bệnh nhưng với trẻ em thì cần phải cẩn thận vì khả năng biến chứng nguy hiểm gây nhiều ảnh hưởng sức khỏe. 

2. Những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng 

Tùy theo từng giai đoạn phát triển mà tay chân miệng ở trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng mà ba mẹ nên biết. 

Giai đoạn ủ bệnh 

Tùy từng trường hợp mà thời gian ủ bệnh tay chân miệng có thể dao động từ 3 - 7 ngày. Trong khoảng thời gian này, hầu hết các ca bệnh đều có triệu chứng mơ hồ, khó nhận biết. Một số trường hợp, virus không gây ra triệu chứng nào ở thời kỳ ủ bệnh. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh chủ quan hoặc nhầm lẫn với những vấn đề sức khỏe khác. Một số biểu hiện tay chân miệng ở trẻ có thể xuất hiện thời kỳ ủ bệnh là: 

  • Bé xuất hiện những cơn sốt nhẹ, thoáng qua và nhanh khỏi. 
  • Nước bọt tiết nhiều hơn bình thường, đau họng. 
  • Trẻ bỏ bú, quấy khóc, chán ăn, tiêu chảy
  • Sưng hạch ở cổ hoặc hàm dưới.

Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng, trẻ sốt nhẹ và thoáng qua

Giai đoạn ủ bệnh tay chân miệng, trẻ sốt nhẹ và thoáng qua

Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn khởi phát thường diễn ra từ 1 - 2 ngày, da bé xuất hiện các nốt ban đỏ hoặc phỏng nước, tập trung chủ yếu ở các vị trí như lòng bàn tay, lòng bàn chân, quanh miệng. Các nốt ban dần có hiện tượng lở loét, gây đau nhức khiến trẻ quấy khóc, chán ăn. 

Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát là thời điểm những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng rõ ràng nhất, kéo dài từ 3 - 10 ngày. Ba mẹ cần cho con đi khám ngay nếu trẻ có những biểu hiện: 

  • Miệng, quanh má, nướu, lưới,… bị lở loét, đau nhức nhiều. 
  • Buồn nôn, nôn, đau mỗi khi nhai, nuốt thức ăn. 
  • Ban đỏ dạng phỏng nước nổi toàn thân.
  • Trẻ quấy khóc nhiều, sốt cao liên tục và không hạ dù đã thử nhiều cách, thường xuyên bị giật mình. 
  • Xuất hiện các dấu hiệu biến chứng thần kinh, hô hấp, tim mạch như co giật, nôn ói, rối loạn nhịp tim, đau tức ngực, khó thở, sử dụng thuốc hạ sốt không có tác dụng,… 

Nổi mụn nước, lở loét ở nhiều vị trí là triệu chứng điển hình của tay chân miệng

Nổi mụn nước, lở loét ở nhiều vị trí là triệu chứng điển hình của tay chân miệng

3. Điều trị và phòng ngừa tay chân miệng cho trẻ 

Nhiều trường hợp trẻ bị tay chân miệng có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày, tuy nhiên, khi thấy con xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, ba mẹ vẫn nên đưa bé đi khám để được tư vấn biện pháp khắc phục và chăm sóc tốt nhất. 

Điều trị tay chân miệng ở trẻ 

Hiện nay, tay chân miệng là căn bệnh chưa có thuốc đặc trị. Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị triệu chứng để giúp bé cảm thấy dễ chịu đồng thời ngăn ngừa bệnh biến chứng nặng. 

  • Những trường hợp bé bị sốt sẽ được chỉ định dùng thuốc hạ sốt. 
  • Cho trẻ súc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với người khác và khuyến khích con uống nhiều nước lọc. 
  • Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm, dạng lỏng, giàu vitamin và khoáng chất, hạn chế độ cay nóng, nhiều gia vị, dầu mỡ, chua, mặn,… 
  • Không cho trẻ đi trường học trong thời gian điều trị bệnh, sử dụng các vật dụng riêng biệt nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh.
  • Vệ sinh thân thể thường xuyên, tránh chà xát mạnh ở những vị trí mụn nước, lở loét gây tổn thương khiến bé đau nhiều hơn. 
  • Có thể sử dụng nước lá trầu không, chè xanh hòa vào nước ( không chà xát trực tiếp) để vệ sinh thân thể cho bé hoặc bôi thuốc sát khuẩn ở những vị trí mụn nước, lở loét. Tuy nhiên, phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. 

Phòng bệnh 

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng, vì vậy, theo khuyến cáo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, ba mẹ cần chủ động ngăn ngừa bệnh cho con bằng cách:

  • Tắm vệ sinh cho bé mỗi ngày, dạy con rửa tay đúng cách bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, ra ngoài và trước khi ăn. 
  • Chăm sóc sức khỏe răng miệng thường xuyên cho trẻ, kiểm tra định kỳ để phát hiện bất thường, giảm nguy cơ mắc bệnh. 
  • Dạy bé hạn chế cho tay lên miệng, mắt, mũi hay những vị trí gần miệng, cắt móng tay cho trẻ thường xuyên. 
  • Thường xuyên vệ sinh, khử trùng nhà cửa, vật dụng, đồ chơi của trẻ. 
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh kỹ lưỡng các dụng cụ ăn uống hàng ngày của trẻ. 
  • Hạn chế cho con tiếp xúc với những đứa trẻ khác có dấu hiệu nghi ngờ bị tay chân miệng. 
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường các loại rau, quả, trái cây tươi. Nếu trẻ không thích ăn rau, hãy thay đổi cách chế biến để giúp con ăn được nhiều hơn.
  • Khuyến khích con uống nhiều nước, tăng cường vận động thể chất mỗi ngày. 

Với những dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng nêu trên, khi thấy con xuất hiện triệu chứng nghi ngờ, ba mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị kịp thời.

Dạy con rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để ngăn ngừa bệnh tay chân miệng

Dạy con rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để ngăn ngừa bệnh tay chân miệng

Hiện nay, Chuyên khoa Nhi thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ mà ba mẹ có thể yên tâm khám bệnh tay chân miệng cho con. Để đặt lịch với bác sĩ chuyên khoa, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline: 1900 56 56 56, sẽ có tổng đài viên hỗ trợ chi tiết.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.