Tin tức

Những điều bạn cần biết về bệnh viêm gân

Ngày 11/03/2022
Tham vấn y khoa: ThS. BSNT Trần Tiến Tùng
Chắc hẳn mọi người hiếm khi nghe tới bệnh viêm gân, tuy nhiên tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở người cao tuổi hoặc các vận động viên thể thao. Vậy căn bệnh này thường gây ra triệu chứng như thế nào, chúng có gây hại đối với sức khỏe hay không?

1. Bệnh viêm gân

Viêm gân là tình trạng dây chằng bị viêm hoặc kích ứng do một số nguyên nhân khác nhau. Trên thực tế, hiện tượng viêm, kích ứng dây chằng xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, chính vì thế mọi người không nên chủ quan, bỏ qua việc theo dõi cũng như điều trị. Một số vị trí thường bị tổn thương là khuỷu tay, cổ tay hoặc vùng vai do chúng ta thường xuyên vận động.

Viêm gân có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể

Viêm gân có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể

Hai dạng bệnh thường gặp đó là cấp tính và mạn tính với nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng khác nhau. Cụ thể, bệnh nhân mắc bệnh dạng cấp tính vì dây chằng tổn thương sau khi đối mặt với những tác động mạnh bất ngờ. Trong khi đó, tình trạng mãn tính xảy ra khi bạn vận động hàng ngày hoặc chơi thể thao mà dây chằng đứt,… Nhìn chung, thời gian điều trị cho người bệnh cấp tính tương đối nhanh, khoảng một vài ngày, lâu hơn là 2 - 3 tuần. Ngược lại, bệnh nhân mạn tính phải kiên trì điều trị ít nhất trong vài 4 - 6 tháng.

Mặc dù không gây nguy hiểm tới tính mạng, song chúng ta nên chủ động theo dõi và điều trị bệnh sớm. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ đứt gân và không thể sinh hoạt như bình thường.

2. Đối tượng có nguy cơ bị viêm gân

Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là: đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh viêm gân? Hầu hết bệnh nhân đều là người cao tuổi do quá trình lão hóa diễn ra, họ vận động ít hơn cho nên gân kém linh hoạt so với bình thường. Đó là lý do vì sao người già vẫn nên duy trì vận động nhẹ nhàng và bổ sung thêm thực phẩm chức năng giúp duy trì chức năng của các cơ quan trên cơ thể. Đặc biệt, những người có tiền sử mắc bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc viêm cột sống càng phải cẩn trọng hơn.

Người chơi thể thao rất dễ gặp chấn thương

Người chơi thể thao rất dễ gặp chấn thương

Các vận động viên thể thao là đối tượng có nguy cơ bị viêm gân trong quá trình luyện tập hoặc thi đấu. Mỗi khi vận động sai tư thế hoặc gặp chấn thương thì khả năng dây chằng bị tổn thương lại càng gia tăng. Chính vì thế, các vận động viên thể thao cần chú ý mỗi khi luyện tập hoặc tham gia thi đấu để bảo vệ sức khỏe và đạt thành tích tốt nhất.

Bên cạnh đó, một số người do đặc thù công việc thường xuyên phải làm việc nặng nhọc hoặc giữ một tư thế trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh tương đối cao.

3. Những triệu chứng viêm gân bạn không nên bỏ qua

Để phát hiện và kịp thời điều trị, chúng ta cần nắm được một số triệu chứng viêm gân. Như đã phân tích ở trên, bệnh có thể xảy ra ở nhiều vị trí với các triệu chứng khác nhau, người bệnh nên theo dõi và đi điều trị khi có những dấu hiệu bất thường.

Biểu hiện chung của bệnh nhân đó là đau, khó chịu tại khu vực dây chằng viêm hoặc kích ứng. Cơn đau nhức diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, không thể vận động như bình thường. Tuy nhiên, cơn đau chỉ xảy ra ở vị trí gân tổn thương chứ không lan sang các vùng xung quanh, đây là đặc điểm mà mọi người cần lưu ý.

Khả năng vận động của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng phần nào

Khả năng vận động của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng phần nào

Ngoài ra, vị trí viêm gân thường sưng đỏ, nếu như ấn vào vùng này bệnh nhân sẽ cảm thấy đau đớn vô cùng. Đặc biệt, cảm giác đau nhức càng trở nên rõ rệt hơn khi bạn vận động. Đó là lý do vì sao bác sĩ thường khuyên bệnh nhân hạn chế vận động khi mắc bệnh.

Một số bệnh nhân sẽ đối mặt với tình trạng viêm bao gân vùng mỏm châm quay, hiện tượng này còn được biết đến với tên gọi quốc tế là De Quervain. Trong đó, triệu chứng thường gặp nhất đó là bệnh nhân cảm thấy đau nhức khi cử động hoặc co duỗi ngón tay. Nếu phát hiện ra dấu hiệu này, bạn đừng chủ quan và bỏ qua nhé!

Hội chứng đường hầm cổ tay cũng là vấn đề thường gặp, lúc này bệnh nhân thường bị tê bì bàn tay, ngón tay. Thậm chí, nhiều bạn phát hiện cổ tay trở nên sưng đỏ và thường xuyên đau buốt, cử động trở nên khó khăn hơn.

4. Viêm gân có thể điều trị dứt điểm được hay không?

Nhiều bạn lo lắng không biết bệnh viêm gân có thể điều trị dứt điểm hay không, bởi vì tình trạng này ảnh hưởng tới khả năng vận động của chúng ta, cản trở sinh hoạt hàng ngày. Câu trả lời là có, nếu điều trị sớm và kiên trì thì khả năng bình phục là rất cao, ngược lại những người chủ quan, bỏ qua việc theo dõi và chữa trị có nguy cơ bị đứt gân.

Mọi người nên đi kiểm tra và điều trị theo phác đồ của bác sĩ

Mọi người nên đi kiểm tra và điều trị theo phác đồ của bác sĩ

Để tăng hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể cho bệnh nhân kết hợp giữa các phương pháp chữa trị nội khoa và vật lý trị liệu với phác đồ thích hợp nhất. Đối với điều trị nội khoa, đa phần bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc bôi và dùng trực tiếp lên khu vực gân tổn thương. Trong một số trường hợp, do tình trạng bệnh tiến triển ở mức độ nặng và điều trị bằng thuốc bôi không hiệu quả, bạn có thể tiêm vào gân. Đặc biệt, những bệnh nhân viêm gân gặp phải hội chứng đường hầm cổ tay hoặc ngón tay lò xo có thể được chỉ định phẫu thuật nếu cần thiết.

Song song với điều trị nội khoa, việc áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu cũng thúc đẩy quá trình bình phục. Mọi người có thể tham khảo các phương pháp sử dụng túi chườm hoặc điện di tại chỗ,… Nhìn chung điều trị vật lý trị liệu bằng nhiệt nóng đem lại hiệu quả tương đối tốt.

Kết hợp điều trị nội khoa và vật lý trị liệu sẽ đem lại hiệu quả cao

Kết hợp điều trị nội khoa và vật lý trị liệu sẽ đem lại hiệu quả cao

Nếu kiên trì thực hiện theo phác đồ thì tình trạng sức khỏe của bạn sẽ sớm cải thiện và có thể vận động bình thường.

Hy vọng rằng bài viết này giúp mọi người hiểu hơn về bệnh viêm gân và nắm được phương pháp điều trị. Tốt nhất chúng ta nên chủ động bảo vệ sức khỏe, hạn chế vận động mạnh để tránh chấn thương và ảnh hưởng tới gân ở các vị trí như vai, cổ tay, cổ chân hoặc ngón tay,… Đây là những vị trí có nguy cơ bị tổn thương gân do vận động.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ