Tin tức
Những điều cần biết về bệnh chàm sữa ở trẻ em
1. Tìm hiểu về bệnh Chàm sữa
Chàm sữa (hay lác sữa) là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh (kể cả trẻ khỏe mạnh) sau khi sinh khoảng 6 tháng. Đây thực chất chính là giai đoạn đầu tiên của bệnh chàm thể tạng.
Tình trạng phổ biến nhất là bệnh xuất hiện ở mặt trẻ, hai má sau đó sẽ lan ra tay chân hay cơ thể. Ban đầu, chỉ có những nốt hồng xuất hiện trên cơ thể trẻ nhưng dần dần sẽ chuyển thành những mụn nước màu đỏ, khi nứt da sẽ tiết dịch, có vảy và bong tróc.
Chàm sữa là bệnh lý gây tổn thương da thường gặp ở trẻ sơ sinh
Thường khi trẻ được 2 - 4 tuổi sẽ khỏi chàm sữa. Nếu trẻ vẫn chưa khỏi bệnh mặc dù đã đến tuổi này thì khả năng cao bệnh sẽ kéo dài, dễ tái phát nhiều lần và phát triển thành chàm thể tạng sau đó. Bệnh tuy không lây lan nhưng nếu để lâu sẽ rất khó điều trị
2. Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Nguyên nhân cụ thể gây nên bệnh chàm sữa vẫn chưa được y học xác định chính xác nhưng có một số nguyên nhân đã từng được ghi nhận như:
- Trẻ khi sinh ra đã có cơ địa bị dị ứng.
- Trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh chàm sữa nếu cha mẹ có tiền sử bị nổi mề đay, hen suyễn, dị ứng da,...
- Do chế độ ăn uống không hợp lý của mẹ: thức ăn của mẹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến con thông qua việc trẻ bú sữa. Cụ thể, nếu mẹ nạp quá nhiều thức ăn giàu đạm hoặc ăn nhiều hải sản sẽ khiến sữa mẹ gặp vấn đề, cơ thể con chưa kịp thích ứng sẽ dẫn đến tình trạng dị ứng.
- Các yếu tố từ môi trường xung quanh như thời tiết, lông động vật,... cũng có thể là nguyên nhân gây chàm sữa ở trẻ.
Chế độ ăn uống quá nhiều hải sản, nhiều đạm của mẹ cũng có thể gây bệnh chàm sữa ở con trẻ
3. Trẻ bị chàm sữa có những dấu hiệu nhận biết như thế nào?
Trẻ bị bệnh có thể có một vài dấu hiệu nhận biết như sau:
- Thường gặp ở trẻ trên 6 tháng tuổi và xuất hiện ở những khu vực như mặt, 2 má, tay chân,...
- Ban đầu chỉ là những nốt mẩn đỏ trên cơ thể trẻ, sau dần chuyển thành mụn nước màu đỏ làm cho da bị nứt, đóng vảy và bong tróc vảy.
- Da ở những khu vực xuất hiện chàm sữa thường khá thô ráp, bị khô, căng và có vảy li ti.
- Trẻ thường khó ngủ, cơ thể luôn khó chịu, hay quấy khóc, bú ít.
- Trẻ luôn có cảm giác ngứa và khó chịu ở vùng da bị chàm sữa nên hay gãi liên tục khiến cho mụn nước bị vỡ và chảy máu. Khi đó rất dễ dẫn đến nhiễm trùng nếu vùng da bị lác không được giữ vệ sinh sạch sẽ.
Vết chàm sữa ban đầu thường xuất hiện ở má và lan dần ra cơ thể
4. Trẻ bị chàm sữa phải điều trị ra sao?
Đây thực chất là một dạng bệnh do cơ địa dị ứng gây ra nên việc điều trị chủ yếu được thực hiện thông qua việc kéo giãn thời gian lành bệnh để bình thường hóa làn da của trẻ, đồng thời giảm nguy cơ tái phát. Như đã nói ở trên, đây là bệnh dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm nên cha mẹ tuyệt đối không tự ý chữa trị cho con khi thấy có dấu hiệu của bệnh chàm sữa mà nên đi khám bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Thêm vào đó, mức độ biểu hiện của bệnh ở từng giai đoạn là khác nhau nên cần áp dụng nhiều phương pháp kết hợp để điều trị một cách hiệu quả.
Khi điều trị cho trẻ cần lưu ý một số điểm như:
- Trừ trường hợp trẻ bị bội nhiễm, nếu không thì không được cho trẻ dùng kháng sinh liều cao. Khi thật sự cần thiết phải dùng thì cần chú ý kỹ để tránh bị sốc phản vệ.
- Dùng thuốc dạng dung dịch có tính sát trùng nhẹ để bôi vào các vết sang thương nổi đỏ hay đã tiết dịch.
- Có thể bôi thuốc chứa corticosteroid nồng độ thấp vào vùng da sang thương đỏ, khô và tróc vảy nhưng chỉ trong thời gian ngắn (từ 5 - 7 ngày). Tốt nhất để đảm bảo an toàn cho con cũng như hạn chế bệnh phát nặng thì cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc trị chàm sữa trước khi sử dụng
- Tuyệt đối không bôi cho bé loại thuốc chứa corticosteroid hàm lượng cao bởi có thể gây mất màu da, teo da, thậm chí nếu dùng lâu dài có thể gây suy tuyến thận.
5. Gợi ý cách phòng tránh chàm sữa ở trẻ?
Các yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt thường ngày của trẻ cần được lưu ý để giúp phòng ngừa bệnh.
- Đảm bảo nhiệt độ môi trường không quá lạnh hoặc quá nóng mà luôn ở mức ổn định, không đột ngột thay đổi. Giữ cho môi trường sống của bé luôn sạch sẽ và thoáng mát.
- Nhà cửa, giường, chăn gối của bé cần được vệ sinh thường xuyên.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, chó mèo.
- Cho trẻ mặc đồ thoáng mát, dễ thấm hút để tránh gây bít tắc da.
- Cho trẻ sử dụng các loại sữa tắm, kem dưỡng ẩm phù hợp hàng ngày. Không lựa chọn sữa tắm hoặc xà phòng có hóa chất tạo bọt, tạo mùi. Đặc biệt, để tránh gây kích ứng và nhiễm trùng ở trẻ, không cho trẻ tắm với các loại lá dân gian có tạp chất.
- Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh nên duy trì cho trẻ bú sữa mẹ lâu nhất có thể. Với những trẻ bắt đầu ăn dặm thì cần tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng như thức ăn lên men, hải sản, trứng,...
- Trường hợp trẻ bị chàm sữa nặng thì cần giữ cho cơ thể bé luôn sạch sẽ và khô thoáng, liên tục thay tã lót cho bé để hạn chế ẩm ướt, hạn chế đổ mồ hôi và thay đồ cho bé ngay sau khi tắm.
Duy trì cho trẻ bú sữa mẹ lâu nhất có thể để giúp tăng cường sức đề kháng
6. Trẻ bị chàm sữa nên có chế độ ăn uống như thế nào?
Với những trẻ bị bệnh nhưng vẫn đang trong giai đoạn bú sữa mẹ thì mẹ cần lưu ý tránh ăn các loại thực phẩm sau:
- Thực phẩm có chất gây tanh như cá, tôm, cua,...
- Thực phẩm chứa nhiều chất béo như đồ ăn chiên rán nhiều dầu, thịt mỡ,...
- Thực phẩm cay nóng như tiêu, chanh, ớt,...
Nếu có bất kỳ thắc mắc hay nhu cầu cần được tư vấn, vui lòng liên hệ MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ và giải đáp.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!