Tin tức

Những phương pháp chữa chèn ép thần kinh đem lại hiệu quả bất ngờ

Ngày 23/12/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Hội chứng chèn ép thần kinh là vấn đề nhiều người đang phải đối mặt, chúng khiến cuộc sống sinh hoạt của bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. Để cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm những cơn đau nhức, mọi người cần theo dõi, thăm khám thường xuyên và điều trị bệnh sớm. Bài viết này sẽ đem tới những phương pháp chữa chèn ép thần kinh đem lại hiệu quả bất ngờ.

1. Hội chứng chèn ép thần kinh có nghiêm trọng hay không?

Chắc hẳn chúng ta không còn cảm thấy xa lạ với hội chứng chèn ép thần kinh, hiện tượng này xuất hiện khi dây thần kinh chịu áp lực nặng nề từ mô sụn, mô xương, dây chằng hoặc các bó cơ. Đặc biệt, tình trạng chèn ép thần kinh xảy ra ở rất nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, ví dụ như cổ tay, ngón tay, lưng, cổ,… 

Hội chứng chèn ép thần kinh xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể

Hội chứng chèn ép thần kinh xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể

Khi mắc bệnh, bạn thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau nhức ở khu vực tổn thương, bên cạnh đó, cảm giác ngứa ran, tê cũng xuất hiện với tần suất dày đặc. Cụ thể, đau nhức khớp là dấu hiệu đặc trưng giúp bạn phát hiện hội chứng chèn ép thần kinh. Cơn đau thường xảy ra ở cánh tay, thắt lưng hoặc tại các khớp gối và gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Bên cạnh đó, mọi người đừng chủ quan trước triệu chứng tê nhức một số vùng trên cơ thể. Một số bệnh nhân bị tê liệt vĩnh viễn do không theo dõi và điều trị kịp thời, đây là vấn đề đáng lo ngại. Ngoài ra, một triệu chứng chèn ép thần kinh là cơ ở tay, chân hoặc ngón tay, ngón chân trở nên yếu hơn so với bình thường.

Trước những dấu hiệu kể trên, mọi người tỏ ra lo lắng không biết hội chứng chèn ép thần kinh có nguy hiểm không? Nhìn chung, vấn đề này không đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng, song bạn vẫn nên chữa chèn ép thần kinh để cải thiện chất lượng đời sống, sinh hoạt dễ dàng và thoải mái hơn.

Cơn đau nhức ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân

Cơn đau nhức ảnh hưởng tới sinh hoạt của bệnh nhân

2. Yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng chèn ép thần kinh

Mặc dù hội chứng kể trên không đe dọa tới tính mạng nhưng chúng ta vẫn nên chủ động chăm sóc sức khỏe, hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Vậy những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh cao?

Để xác định người có khả năng bị chèn ép thần kinh, chúng ta có thể dựa vào một vài yếu tố, ví dụ như: tuổi tác, giới tính, tình trạng cân nặng và đặc thù công việc,… Trong đó, đa số người mắc bệnh đều ở trong độ tuổi ngoài 30, đặc biệt tỷ lệ phụ nữ bị chèn ép thần kinh cao hơn so với nam giới. Các bác sĩ cho biết phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao do họ trải qua giai đoạn thai kỳ và tiền mãn kinh.

Ngoài ra, người thừa cân béo phì thường mắc hội chứng chèn ép thần kinh do cân nặng lớn gây áp lực đối với các dây thần kinh. Đáng lo hơn, những người thừa cân còn có nguy cơ bị tổn thương cột sống nếu không kiểm soát tốt cân nặng. Trên thực tế, đặc thù công việc phải đứng hoặc ngồi một chỗ liên tục cũng là nguyên nhân dẫn tới vấn đề thần kinh bị chèn ép. 

Dựa vào những nguyên nhân kể trên, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ chữa chèn ép thần kinh phù hợp với từng bệnh nhân. Bên cạnh sử dụng thuốc và vật lý trị liệu, chắc chắn mọi người cũng phải thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày để cải thiện triệu chứng bệnh.

Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị chèn ép thần kinh rất cao

Phụ nữ mang thai có nguy cơ bị chèn ép thần kinh rất cao

3. Phương pháp chữa chèn ép thần kinh đem lại hiệu quả bất ngờ

Với sự phát triển của nền y học thế giới, rất nhiều máy móc hiện đại được ứng dụng nhằm phát hiện và điều trị hội chứng chèn ép thần kinh. Trước tiên, để xác định tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ sử dụng những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, ví dụ như chụp X-quang, CT hoặc điện cơ, chụp MRI,… Mỗi loại máy móc phục vụ mục đích theo dõi các vấn đề khác nhau.

Sau khi đã nắm được mức độ dây thần kinh bị chèn ép, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình chữa chèn ép thần kinh thích hợp với tình trạng của bạn. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc điều trị nội khoa kết hợp với vật lý trị liệu. Để tăng hiệu quả điều trị, mọi người nên tìm hiểu và xây dựng chế độ sinh hoạt điều độ, lành mạnh.

3.1. Điều trị bằng thuốc tây

Thuốc tây có tác dụng kiểm soát tình trạng đau nhức, tê ngứa chứ không có khả năng giải quyết dứt điểm vấn đề dây thần kinh bị chèn ép. Chính vì thế, mọi người không nên lạm dụng các loại thuốc điều trị mà cần tuân thủ theo đơn thuốc do bác sĩ chỉ định. 

Bệnh nhân nên chủ động đi chữa chèn ép thần kinh để cải thiện chất lượng cuộc sống

Bệnh nhân nên chủ động đi chữa chèn ép thần kinh để cải thiện chất lượng cuộc sống

Một số nhóm thuốc chống viêm, giảm đau thường dùng có thể kể đến như: corticosteroid dạng uống, thuốc kháng viêm không chứa steroid. Đối với những người có triệu chứng đau nhức không quá nghiêm trọng, bạn sẽ được chỉ định các loại thuốc giảm đau như paracetamol.

Nếu chữa chèn ép thần kinh bằng thuốc tây, mọi người nên tìm hiểu về những tác dụng phụ có thể gặp phải đối với thận, dạ dày hoặc gan. Nếu các cơ quan xung quanh đang gặp vấn đề về sức khỏe, bạn nhớ thông báo với bác sĩ điều trị để có đơn thuốc phù hợp và đảm bảo an toàn sức khỏe.

Nhiều bệnh nhân dù kiên trì điều trị bằng thuốc nhưng vẫn không thấy triệu chứng đau nhức thuyên giảm chút nào. Lúc này, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn và chỉ định phẫu thuật nếu thực sự cần thiết.

3.2. Vật lý trị liệu

Không thể phủ nhận rằng phương pháp vật lý trị liệu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chữa chèn ép thần kinh. Đặc biệt, bác sĩ thường cho bệnh nhân chèn ép thần kinh massage, xoa bóp nhẹ nhàng hoặc chườm nóng, lạnh,… 

Chườm nóng lạnh là phương pháp vật lý trị liệu đem lại hiệu quả tích cực

Chườm nóng lạnh là phương pháp vật lý trị liệu đem lại hiệu quả tích cực

Cụ thể, phương pháp chườm nóng, lạnh có tác dụng chính là tăng khả năng tuần hoàn của máu tới khớp, cơ bắp. Nhờ vậy, tình trạng đau nhức tại các vị trí tổn thương được cải thiện đáng kể. Tốt nhất, bệnh nhân nên kết hợp chườm lạnh trước sau đó tiến hành chườm nóng để tăng hiệu quả điều trị.

Bên cạnh đó, những thao tác massage đơn giản cũng góp phần tạo cảm giác thoải mái, thư giãn đối với bệnh nhân. Một lưu ý nhỏ khi massage đó là thao tác thật nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương.

Hy vọng rằng qua bài viết này mọi người đã nắm được những cách chữa chèn ép thần kinh đem lại hiệu quả tốt. Trên thực tế, các phương pháp này sẽ giúp chúng ta kiểm soát triệu chứng chứ không có tác dụng điều trị dứt điểm, chính vì thế bệnh nhân nên kiên trì thực hiện. Ngoài ra, bệnh nhân có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa Khoa MEDLATEC để được hướng dẫn chi tiết hơn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.