Tin tức
Những thông tin tổng quan về thoát vị thành bụng
- 14/11/2020 | Thoát vị bẹn ở trẻ sơ sinh và những điều cha mẹ nên biết
- 14/11/2020 | Thoát vị đùi: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị, phòng ngừa
- 04/11/2020 | Thoát vị đĩa đệm là gì? Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả?
1. Giới thiệu chung về bệnh lý thoát vị thành bụng
Thoát vị (hernia) là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng bệnh lý khi một phần nội tạng từ trong xoang bụng thoát ra khỏi vị trí ban đầu của nó. Phần nội tạng này vẫn nằm dưới phúc mạc và được da bụng che chở. Một số thoại thoát vị thường gặp như: thoát vị bẹn, thoát vị thành bụng, thoát vị rốn, thoát vị đùi,…
Thoát vị là tình trạng bệnh lý khi một phần nội tạng từ trong xoang bụng thoát ra nằm ở vị trí khác
Thoát vị thành bụng xảy ra khi nội tạng (thường là ruột non, ruột già) thoát ra nằm ở một vị trí dưới thành bụng. Vị trí đó là nơi có lớp cơ mỏng, yếu hoặc không có lớp cơ, thường là tại vết mổ cũ hoặc là vùng bụng bẩm sinh không có cơ. Khi thành bụng bị yếu hoặc hở, đồng thời áp lực xoang bụng cao khiến nội tạng đi vào đó, hình thành nên một bọc lồi trên thành bụng.
Hernia thành bụng bao gồm một túi (bọc) hernia có cổ, bên trong chứa tạng thoát vị. Nếu cổ túi thoát vị lớn thì nội tạng dễ lọt vào lại xoang bụng khi áp lực xoang bụng giảm hoặc khi ta ấn tay vào, trường hợp này gọi là thoát vị hồi phục. Trường hợp ngược lại, tạng thoát vị bị mắc kẹt tại vị trí đó và không thể đưa trở lại xoang bụng thì gọi là thoát vị không hồi phục.
Một số biến thể của hernia thành bụng:
Thoát vị gian thành: Khi nội tạng di chuyển đến một chỗ yếu của thành bụng, nhưng không ra phía ngoài thành bụng mà nằm giữa các lớp cân cơ của thành bụng.
Thoát vị Richter: Khi chỉ một phần thành ruột phía bên đối diện với bờ mạc treo bị thoát ra khỏi vị trí ban đầu.
Thoát vị trượt: Hình thành do sự trượt của nội tạng qua chỗ yếu của thành bụng, một phần thành của tạng thoát vị cấu tạo nên túi hernia.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh
Nguyên nhân:
Thoát vị thành bụng xảy ra là do có một vùng cơ bụng bị yếu hoặc không có cơ mà chỉ có lớp cân mạc che phủ. Có hai trường hợp gây ra tình trạng này đó là:
Dị tật bẩm sinh: Trong quá trình phát triển của bào thai đã có một số yếu tố tác động làm cho thai phát triển không bình thường, có các khiếm khuyết ở thành bụng. Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra các dị tật thành bụng bẩm sinh ở trẻ. Một số ý kiến cho rằng có thể là do sự thay đổi của hormone, biến đổi gen, hay các tác động xấu đến từ phía người mẹ (sử dụng rượu bia, chất kích thích, tác dụng của thuốc,…).
Thoát vị thành bụng ở trẻ thường do sự khiếm khuyết thành bụng bẩm sinh
Do vết mổ cũ: Khi vết mổ cũ lành không bình thường, các lớp cơ liền lại không đúng theo mong muốn sẽ để lại một lỗ trên thành bụng. Các nội tạng bên trong xoang bụng sẽ theo lỗ này để ra ngoài thành bụng gây nên tình trạng thoát vị. Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự lành của vết mổ ở thành bụng là:
-
Ăn uống quá no trong thời gian đầu sau phẫu thuật làm tăng áp lực thành bụng trong khi vết mổ chưa lành hoàn toàn. Từ đó khiến vết mổ bung ra, lớp cơ liền lại không kín, tạo ra lỗ hở trên thành bụng.
-
Tăng cân quá nhanh sau phẫu thuật cũng gây cản trở sự lành bình thường của vết mổ ở thành bụng.
-
Bệnh nhân mang thai sớm sau mổ: trước khi vết mổ ở thành bụng lành hoàn toàn, mang thai sẽ góp phần làm tăng áp lực xoang bụng, chèn ép vùng bụng và làm cho vết mổ không lành đúng cách.
-
Vận động mạnh và quá sớm sau phẫu thuật. Nếu bệnh nhân vận động không đúng cách, vận động quá mạnh có thể ảnh hưởng đến vết mổ, vết mổ sẽ lâu lành và dễ bị sai lệch trong quá trình hồi phục.
-
Một số trường hợp không rõ nguyên nhân khiến vết mổ lành không đúng cách, có thể là do cơ địa của mỗi người hoặc một số chất thu nhận hằng ngày gây cản trở vết mổ lành lại.
Tăng cân nhanh sau mổ có thể dẫn đến thoát vị thành bụng
Triệu chứng:
Các dấu hiệu có thể gặp phải ở bệnh nhân thoát vị thành bụng:
-
Vùng bụng xuất hiện khối u lồi hẳn ra, ấn vào thấy mềm, ở người có da bụng mỏng khi nhìn kỹ có thể thấy nội tạng ở bên trong.
-
Nếu bệnh nhân có lớp mỡ bụng dày sẽ rất khó phát hiện khối thoát vị. Khi bệnh nhân ho hay phình bụng, đặt tay vào vùng bụng sẽ Cảm giác được khối phồng chạm vào tay.
-
Bệnh nhân thấy đau tức ở vùng bụng không rõ nguyên nhân.
-
Cảm giác cơ vùng bụng bị kéo căng, áp lực xoang bụng cũng tăng lên khiến bệnh nhân mệt mỏi.
-
Bệnh nhân hạn chế vận động.
3. Điều trị thoát vị thành bụng
Tùy theo mức độ của bệnh và tình hình sức khỏe của bệnh nhân mà có thể có những biện pháp điều trị khác nhau.
Điều trị nội khoa:
Trong trường hợp khối thoát vị nhỏ, có thể tự chui lại vào trong xoang bụng và không gây đau đớn hay khó chịu nhiều cho bệnh nhân thì có thể điều trị bằng thuốc. Ngoài ra, một số trường hợp không chỉ định phẫu thuật để điều trị là:
-
Bệnh nhân già yếu, nằm liệt giường, điều trị có tiên lượng xấu khó hồi phục.
-
Bệnh nhân mắc các bệnh lý nội khoa nặng.
-
Thời gian sống của bệnh nhân còn ngắn.
Điều trị bằng phẫu thuật:
Ngoài các trường hợp kể trên thì đa số ca bệnh đều được chỉ định phẫu thuật. Hiện nay có các phương pháp phẫu thuật điều trị thoát vị thành bụng như: mổ hở, mổ nội soi, mổ bằng tia laser,… Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm khác nhau, bác sĩ sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để lựa chọn phương pháp phù hợp.
Đa số trường hợp thoát vị thành bụng đều được điều trị bằng phẫu thuật
Một số chú ý khi thực hiện phẫu thuật điều trị hernia thành bụng:
-
Bệnh nhân cần ngưng thuốc lá và các chất kích thích khác trước khi mổ ít nhất 10 ngày.
-
Nếu đang sử dụng thuốc điều trị bệnh nào đó thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
-
Nhịn ăn ít nhất 12 giờ trước khi mổ.
-
Sau khi mổ, bệnh nhân cần được điều trị bằng kháng sinh để đề phòng nhiễm trùng vết mổ.
Thoát vị thành bụng có thể nói là căn bệnh khá nguy hiểm. Mọi người ai cũng nên tìm hiểu các kiến thức về căn bệnh này để sớm phát hiện, điều trị hiệu quả. Mọi thắc mắc quý khách vui lòng liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp cụ thể.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!