Tin tức
Nong van tim là gì và quy trình điều trị ở bệnh hẹp van tim
- 14/09/2022 | Triệu chứng và cách điều trị bệnh van tim hậu thấp
- 25/10/2024 | Hở van tim sống được bao lâu? Yếu tố nào quyết định?
- 09/12/2024 | Hở van tim 2 lá 1/4: Triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa
1. Tổng quan về bệnh hẹp van tim
Trong trái tim, có 4 van chính có nhiệm vụ kiểm soát dòng chảy của máu:
- Van hai lá (nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái).
- Van ba lá (nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải).
- Van động mạch chủ (nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ).
- Van động mạch phổi (nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi).
Hẹp van tim xảy ra khi các lá van trở nên dày, cứng hoặc dính lại, không mở ra hoàn toàn. Điều này làm giảm lượng máu đi qua van tim, tăng áp lực cho các buồng tim.
Nguyên nhân hẹp van tim thường xuất phát từ: thoái hóa van tim, bệnh thấp tim, viêm nội tâm mạc, biến chứng sau phẫu thuật tim,... Hẹp van tim có xu hướng tiến triển chậm nên giai đoạn đầu thường ít khi có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh nặng hơn, người bệnh sẽ bị: khó thở, mệt mỏi, đau ngực, nhịp tim bất thường, phù chân, ngất xỉu,...
Bệnh nhân bị đau ngực, khó thở do mắc bệnh hẹp van tim
2. Nong van tim là gì, ai cần thực hiện?
2.1. Nong van tim là như thế nào?
Nong van tim còn được biết đến với tên gọi nong van tim bằng bóng qua da (Balloon Valvuloplasty). Nong van tim là gì có thể hiểu như sau: Đây là thủ thuật y khoa được thực hiện để mở rộng van tim bị hẹp. Quá trình nong van tim sử dụng một quả bóng nhỏ gắn ở đầu ống thông để đưa vào van tim thông qua động mạch hoặc tĩnh mạch. Khi đến vị trí van bị hẹp, bóng sẽ được bơm phồng để mở rộng van, giúp cải thiện dòng chảy của máu qua tim.
2.2. Ai cần nong van tim?
Phương pháp nong van tim thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị hẹp van tim mức độ trung bình đến nặng, đặc biệt là:
- Hẹp van hai lá: Thường gặp ở bệnh nhân do biến chứng thấp tim. Nong van tim giúp cải thiện triệu chứng để tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
- Hẹp van động mạch chủ: Thích hợp với bệnh nhân trẻ tuổi hoặc không đủ điều kiện phẫu thuật, giúp trì hoãn thời gian cần thay van động mạch chủ.
- Hẹp van ba lá hoặc van phổi: Nong van tim cũng có thể áp dụng cho các trường hợp này nhưng ít phổ biến hơn.
3. Quy trình thực hiện nong van tim
3.1. Chuẩn bị trước nong van tim
Trước khi thủ thuật diễn ra, người bệnh sẽ được yêu cầu:
- Siêu âm tim: Đánh giá mức độ hẹp van tim.
- Điện tâm đồ (ECG): Xác định tình trạng hoạt động của tim.
- Chụp X-quang ngực: Kiểm tra kích thước và hình dạng của tim.
- Chụp mạch máu: Đánh giá cấu trúc của van tim và các động mạch.
Người bệnh được chỉ định điều trị cũng sẽ được bác sĩ giải thích để hiểu phương pháp nong van tim là gì và những lợi ích đạt được sau điều trị.
3.2. Thực hiện nong van tim
- Bước 1: Gây tê và đặt ống thông
Bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê tại vị trí chọc kim (thường là vùng đùi hoặc cổ tay) để giảm đau và khó chịu cho người bệnh. Sau đó bác sĩ đưa ống thông mỏng và dài vào động mạch thông qua một chiếc kim nhỏ.
- Bước 2: Đưa bóng đến van tim
Đầu ống thông sẽ được gắn một quả bóng nhỏ. Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ sẽ xác định vị trí van tim để đưa bóng đến đúng vị trí này.
- Bước 3: Nong van tim
Khi bóng đã nằm đúng vị trí, bác sĩ tiến hành bơm phồng quả bóng. Khi bóng phồng lên sẽ đẩy các lá van bị dính hoặc xơ cứng, tạo không gian rộng hơn để máu có thể lưu thông dễ dàng.
Tùy thuộc vào mức độ hẹp của van, quá trình bơm bóng có thể lặp lại nhiều lần để đảm bảo hiệu quả.
- Bước 4: Xả bóng và rút ống thông
Sau khi nong xong, bóng được xả hơi và thu nhỏ lại. Ống thông được rút ra một cách nhẹ nhàng, người bệnh được băng vết chọc kim lại để ngăn ngừa tình trạng chảy máu.
Toàn bộ quá trình nong van tim được bác sĩ theo dõi qua màn hình máy tính và hình ảnh siêu âm
3.3. Theo dõi sau nong van tim
Sau thủ thuật nong van tim, bệnh nhân sẽ được theo dõi trong vòng vài giờ để kiểm soát biến chứng. Bác sĩ sẽ kiểm tra lại hiệu quả thủ thuật nong van tim và hướng dẫn chế độ chăm sóc phù hợp. Người bệnh cần thực hiện đúng hướng dẫn này và tuân thủ đơn thuốc để giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
4. Lợi ích và rủi ro của thủ thuật nong van tim trong điều trị bệnh hẹp van tim
- Lợi ích
+ Không phải là phẫu thuật xâm lấn nên giúp giảm đau và giúp hồi phục nhanh chóng.
+ Đem lại hiệu quả cải thiện triệu chứng tức thì.
+ Giảm nguy cơ nhiễm trùng và biến chứng sau thủ thuật.
- Rủi ro
Mặc dù thủ thuật khá an toàn nhưng do một số yếu tố, nong van tim vẫn có thể gây ra biến chứng như:
+ Rách hoặc tổn thương van tim.
+ Chảy máu hoặc nhiễm trùng tại vị trí chọc kim.
+ Loạn nhịp tim.
+ Hẹp van tái phát sau một thời gian.
Bác sĩ giải thích để bệnh nhân hiểu nong van tim là gì trước khi điều trị
Nong van tim là phương pháp điều trị hiệu quả và ít xâm lấn trong việc khắc phục hẹp van tim. Đây là lựa chọn tối ưu cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc muốn nhanh phục hồi. Tuy nhiên, việc thực hiện nong van tim cần được đánh giá và chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa Tim mạch có trình độ chuyên môn giỏi, sự hỗ trợ của thiết bị y khoa hiện đại.
Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nong van tim là gì và cách tiến hành thủ thuật này trong điều trị hẹp van tim.
Nếu có thắc mắc cần giải đáp hoặc có nhu cầu đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Tim mạch - Hệ thống Y tế MEDLATEC, quý khách hàng hãy liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh chóng.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!