Tin tức
Nước tiểu nổi bọt cảnh báo điều gì? Nguyên nhân và cách khắc phục
- 18/01/2021 | Bác sĩ hướng dẫn cách đọc kết quả xét nghiệm nước tiểu
- 09/12/2020 | Tìm hiểu ý nghĩa của 10 chỉ số xét nghiệm nước tiểu
1. Đặc điểm sinh lý bình thường của nước tiểu
Nước tiểu là một loại chất lỏng do thận sản xuất ra và tích lũy trong bàng quang. Thành phần của nước tiểu bao gồm nước và các hợp chất hữu cơ như protein, hormone hay các chất chuyển hóa cùng một số muối vô cơ. Nước tiểu bình thường sẽ có màu từ trong suốt cho đến hổ phách nhưng đa phần là vàng nhạt. Tùy vào lượng chất chuyển hóa trong cơ thể mà tính chất và thành phần nước tiểu có thể thay đổi.
Tùy vào sự chuyển hóa các chất mà những đặc điểm sinh lý bình thường của nước tiểu có thể thay đổi
Tuy nhiên, nếu trong trường hợp nước tiểu nổi bột hoặc vẫn đục thì bạn cần phải chú ý. Nhiều người cho rằng đây chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể nên chủ quan bỏ qua. Tuy nhiên, một số trường hợp nước tiểu có bọt, bị đục hoặc màu sắc nước tiểu bất thường thì đều là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý trong cơ thể, nhất là vấn đề ở hệ tiết niệu.
2. Những lý do dẫn đến hiện tượng nước tiểu nổi bọt
Nếu tình trạng trong nước tiểu có nhiều bọt bóng nổi lên chỉ xuất hiện một hai lần thì đó có thể là do tác động cơ học hoặc chuyển hóa chất tạo nên. Tình trạng này nhanh chóng mất đi thì bạn có thể yên tâm. Tuy nhiên, trường hợp nước tiểu nổi bọt xuất hiện nhiều lần và kéo dài, bạn cần phải cân nhắc những nguyên nhân có thể đi từ bệnh lý như sau:
Mất nước
Nếu bạn đang trong quá trình vận động với cường độ cao nhưng ít bù đắp nước cho cơ thể thì lúc đi vệ sinh sẽ thấy hiện tượng nước tiểu nổi nhiều bọt. Không chỉ vậy, những trường hợp sốt cao, tiêu chảy, ít uống nước mỗi ngày,... đều có dễ bắt gặp tình trạng này. Nguyên nhân là lúc này, cơ thể đang trong tình trạng mất nước, khi đó, nước tiểu sẽ trở nên đặc hơn và tạo ra nhiều bọt.
Quá trình vận động với cường độ cao có thể khiến cơ thể mất nước và thấy hiện tượng nước tiểu vẩn đục, nổi bọt
Protein nước tiểu tăng cao
Ở người khỏe mạnh, trong thành phần nước tiểu, hàm lượng protein cực kỳ thấp nhưng nếu tăng cao hơn mức bình thường do yếu tố tác động nào đó có thể gây ra hiện tượng nước tiểu nổi bọt.
Nếu lý do liên quan đến bệnh ở thận, tiểu đường hoặc rối loạn chuyển hóa, bạn đều cần phải nhanh chóng đến cơ sở y tế kiểm tra và khắc phục nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng sức khỏe.
Nhiễm trùng đường tiểu
Một trong những nguyên nhân phổ biến mà nhiều người gặp phải nếu thấy nước tiểu bị đục hơn bình thường, nổi nhiều bọt là tình trạng vi khuẩn xâm nhập bàng quang gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Không chỉ thấy màu sắc nước tiểu bất thường, người bị nhiễm trùng đường tiểu còn có cảm giác đau, rát, nóng, buốt mỗi khi đi vệ sinh. Khi vi khuẩn tấn công gây tổn thương đường tiểu, trong nước tiểu còn có thể lẫn máu.
Bệnh lý ở thận
Thận là cơ quan chính tạo ra nước tiểu nên bất kể vấn đề nào xảy ra tại đây đều ảnh hưởng tính chất của sản phẩm được sản xuất cũng như quá trình đào thải ra môi trường. Những trường hợp như nhiễm trùng thận, viêm thận, suy thận, sỏi,... đều có thể gây ra hiện tượng nước tiểu nổi bọt hoặc bị đục.
Không chỉ tính chất, màu sắc nước tiểu bất thường mà ở nam giới, đôi khi còn xuất hiện tinh dịch trong nước tiểu nếu tình trạng nhiễm trùng diễn ra. Những trường hợp này cần gặp bác sĩ chuyên khoa thận - tiết niệu để được kiểm tra và xử lý bệnh trong thời gian sớm nhất có thể.
Tiểu đường
Người bị bệnh tiểu đường hay bất kể lý do nào khiến cho hàm lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường cũng sẽ dẫn đến hiện tượng nước tiểu nổi bọt. Khi nồng độ đường trong máu quá cao, thận sẽ phải làm việc cực nhọc để chuyển hóa hết cũng như chọn lọc phân tử. Chính vì vậy mà thành phần các chất hữu cơ khi đó sẽ tăng cao làm cho nước tiểu bị đục và tạo nhiều bọt.
Nguyên nhân khác
-
Ngoài những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng màu sắc nước tiểu bất thường, tạo nhiều bọt còn có thể là do bệnh tăng huyết áp. Những trường hợp huyết áp cao có thể dễ bị tổn thương thận dẫn đến nước tiểu có nhiều bọt.
-
Nước tiểu bị đục hoặc sinh lý tiểu tiện có những bất thường chẳng hạn đi tiểu đau, mùi hôi, ngứa bộ phận sinh dục,... còn có thể xuất phát từ những nguyên nhân như viêm âm đạo, âm hộ, tiền liệt tuyến, nhiễm trùng các bệnh lây qua đường tình dục,...
Cao huyết áp dễ gây tổn thương thận làm ảnh hưởng quá trình sản xuất và đào thải nước tiểu
3. Cách khắc phục tình trạng nước tiểu nổi bọt
Tùy vào những nguyên nhân hay các bệnh lý khác nhau mà bác sĩ sẽ có chẩn đoán chính xác về vấn đề cơ thể đang gặp phải. Những phương pháp vừa có thể phòng bệnh vừa hỗ trợ được áp dụng để kết hợp điều trị các vấn đề gây ra hiện tượng nước tiểu nổi bọt, bị đục mà bạn có thể tham khảo bao gồm:
-
Xây dựng một lối sống, sinh hoạt lành mạnh bao gồm chế độ dinh dưỡng, quá trình vận động thân thể, vệ sinh cá nhân và quan hệ tình dục.
-
Để hạn chế nguy cơ mất nước, bất kể ai cũng cần phải đảm bảo cung cấp đủ lượng nước tối thiểu 1,5 - 2 lít/ngày. Bạn có thể thay nước lọc với các loại nước ép rau, củ, quả nhằm tăng cường sức đề kháng và bổ sung Vitamin.
-
Kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể thông qua chế độ dinh dưỡng thích hợp và thường xuyên theo dõi hàm lượng đường trong máu.
-
Theo dõi huyết áp để luôn duy trì ở mức bình thường nhằm hạn chế các biến chứng nghiêm trọng cũng như bệnh lý liên quan như tim, thận,...
-
Thực hiện nghiêm chỉnh tư vấn cũng như liệu trình điều trị bệnh mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra để đảm bảo không khiến cho tình trạng cơ thể nặng hơn.
Theo dõi và kiểm soát huyết áp, hàm lượng đường trong máu sẽ hạn chế được nhiều vấn đề nguy hiểm
Nước tiểu nổi bọt mặc dù thấy đơn giản nhưng lại ẩn chứa nhiều vấn đề vô cùng nguy hiểm. Do đó, nếu tính chất, màu sắc nước tiểu bất thường và kéo dài, bạn cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa hoặc đến trực tiếp các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và kiểm tra.
Nếu bạn cần hỗ trợ, hãy gọi đến hotline: 1900.56.56.56 để chuyên gia tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giúp đỡ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!