Tin tức

Parkinson Bệnh của người cao tuổi

Ngày 22/05/2013
PGS.TS. TTƯT. Bùi Khắc Hậu
Parkinson là một bệnh thần kinh mạn tính thường kết hợp với rối loạn tâm thần, gặp chủ yếu ở người cao tuổi (NCT). Theo thống kê thì độ tuổi khởi bệnh Parkinson trung bình vào khoảng trên 60 tuổi, với tỷ lệ mắc là 90 - 100/100.000 dân và tỷ lệ mới mắc là 20/100.000 dân/năm, hiếm gặp các trường hợp khởi bệnh trước 40 tuổi... Khoảng 45% bệnh nhân Parkinson bị trầm cảm và 30 - 60% bị sa sút tinh thần. Phòng và điều trị bệnh vẫn còn gặp khó khăn, bên cạnh đó, bệnh Parkinson có thể dẫn đến một số biến chứng.

 


Biểu hiện chính của bệnh

3 triệu chứng điển hình xuất hiện ở bệnh nhân Parkinson là run (lắc, vẫy) khi nghỉ ngơi, cứng khớp và chậm chạp khi bắt đầu một cử động nào đó. Run thường được bắt đầu ở một tay, run khi nghỉ ngơi, tăng lên khi có tác động tinh thần (stress) nhưng khi ngủ có thể hết run, sau một thời gian dài (vài tháng, vài năm) bắt đầu run giật cả 2 tay nhưng không đối xứng. Song song với các triệu chứng chính của bệnh thì sự mệt mỏi, ăn kém, rối loạn giấc ngủ, hay ngủ ban ngày luôn thường trực. Cứng khớp có thể thấy rõ ràng hơn khi có những cử động cố ý của chi đối bên. Chậm chạp không chỉ thể hiện khi vận động, di chuyển mà còn thể hiện cả khi nói, thể hiện cả ở nét mặt hoặc động tác giảm chớp mắt, hạn chế nhìn lên và tiếng nói nhỏ hơn bình thường. Ngoài 3 triệu chứng này thì ở người bệnh Parkinson còn có thể mất dần phản xạ thăng bằng (đứng không vững). Đây cũng là một triệu chứng của bệnh vì thường xuất hiện muộn và khó chữa trị. Bên cạnh đó có thể xuất hiện các triệu chứng thay đổi về tâm thần, trầm cảm, giảm trí nhớ, lú lẫn, hạ huyết áp, rối loạn tình dục, ra nhiều mồ hôi. Hậu quả của bệnh Parkinson là đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt. Chẩn đoán bệnh Parkinson thấy xuất hiện 2 trong 3 triệu chứng chính (run rẩy, cứng khớp, chậm chạp). Tư thế không vững là triệu chứng thứ tư, tuy nhiên, nó chỉ xuất hiện muộn. Vì vậy, người ta còn gọi bệnh Parkinson là một bệnh rối loạn thoái hóa của hệ thần kinh trung ương làm suy yếu khả năng vận động, lời nói và các chức năng khác. Biến chứng  thường gặp của bệnh Parkinson là những rối loạn về khả năng đi đứng của người bệnh ngày càng gia tăng, một số trường hợp gặp phải chứng loãng xương do mất calci, bí tiểu tiện, táo bón, nuốt khó gây nghẹn khi ăn, khi uống, khi nuốt nước bọt hoặc bị sặc. 


Chăm sóc người bệnh Parkinson

Khi một người được bác sĩ chuyên khoa thần kinh khám bệnh và xác định là mắc bệnh Parkinson thì người thân (gia đình, bè bạn, cơ quan) nên động viên khích lệ người bệnh. Bởi vì trong thời kỳ đầu của bệnh, người bệnh thường rất mệt mỏi, chán chường, lo lắng hoặc có thể bị trầm uất, cho nên sự động viên về mặt tình cảm của người thân và tổ chức tập thể là rất cần thiết. Với người bệnh thì không nên quá lo lắng hoặc quá bi quan mà phải vươn lên để tự điều chỉnh hoạt động của bản thân mình. Cần vận động cơ thể bằng hình thức tập thể dục hàng ngày tùy theo điều kiện và sức khỏe của mỗi người như đi bộ. Tuy nhiên, mỗi một ngày cũng chỉ nên vận động cơ thể (khoảng 60 phút là vừa) và nên chia thành 2 - 3 lần, mỗi lần từ 15 – 20 phút. Về sau, khi bệnh tiến triển nặng hơn thì mọi sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại cần có sự hỗ trợ của gia đình. Bên cạnh sự chăm sóc thì việc uống thuốc điều trị cũng rất cần có sự quan tâm của người thân, nhất là khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn trầm cảm, lú lẫn hoặc có biến chứng.       

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.