Tin tức

Parkinson là bệnh gì, có giống với hội chứng Parkinson không

Ngày 11/12/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Parkinson là tên gọi một loại bệnh và một hội chứng có những điểm tương đồng nhưng chúng không giống nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ, rất nhiều người sẽ cho đây là thuật ngữ chỉ chung một loại bệnh. Bài viết sau sẽ giúp bạn có cái nhìn chi tiết hơn để tránh gặp phải nhầm lẫn như vậy.

1. Bệnh Parkinson là bệnh gì?

Bệnh Parkinson là một dạng bệnh thoái hoá hệ thần kinh trung ương mạn tính gây nên triệu chứng chuyển động chậm, cơ cứng, run, dáng đi và tư thế bất thường. Bệnh thường tiến triển nặng trong khoảng vài năm đến vài chục năm, chủ yếu xảy ra với độ tuổi 60. Giai đoạn cuối, người bệnh thường mất dần khả năng vận động rồi suy kiệt và tử vong. 

Người mắc bệnh Parkinson giai đoạn nặng thường vận động kém và cần tới sự trợ giúp từ người khác

Người mắc bệnh Parkinson giai đoạn nặng thường vận động kém và cần tới sự trợ giúp từ người khác

Bệnh tiến triển qua 5 giai đoạn: 

- Giai đoạn 1: các dấu hiệu chỉ khởi phát ở 1 bên cơ thể và người bệnh vẫn có thể tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày.

- Giai đoạn 2: các dấu hiệu đã chuyển sang cả 2 bên của cơ thể nhưng chưa gây mất thăng bằng.

- Giai đoạn 3: người bệnh đã mất thăng bằng nhưng phần nào vẫn tự chủ được trong hoạt động.

- Giai đoạn 4: chức năng vận động của người bệnh suy giảm nặng, muốn đi đứng được thì cần thêm sự hỗ trợ của người khác.

- Giai đoạn 5: người bệnh không thể tự chủ được nữa, phải nằm tại giường hoặc ngồi trên xe lăn.

2. Triệu chứng nhận diện bệnh Parkinson

- Giai đoạn sớm: khi thực hiện các động tác đơn giản người bệnh cảm thấy đau cơ, mệt mỏi, vụng về, rối loạn chữ viết, táo bón, giảm hoạt động một tay, kéo lê một chân, trầm cảm, da đầu gối hoặc mặt bị bong vảy, đôi khi có run nhưng không liên tục.

- Giai đoạn bệnh Parkinson tiến triển nặng, thường có các triệu chứng:

+ Lưỡi, môi, đầu ngón tay hoặc ngón chân run thấy rõ. Nhiều năm đầu, triệu chứng run chỉ khu trú ở một bên cơ thể, tạm mất đi khi vận động; nhưng càng về sau nó càng tái diễn, có người bệnh không bị run nhưng cũng có trường hợp tăng run khi xúc động hoặc hết run khi ngủ.

+ Cứng cơ: đây là triệu chứng rất điển hình ở người bệnh vì họ sẽ thấy tất cả các nhóm cơ bị cứng lại khiến cho việc đi lại trở nên khó khăn hơn nhiều; sờ vào các cơ thấy cứng và chắc.

Người bị Parkinson thường vận động kém, run mạnh ở đầu ngón tay

Người bị Parkinson thường vận động kém, run mạnh ở đầu ngón tay

+ Giảm vận động: khi cử động thì các động tác của tay chân, nét mặt sẽ mất đi vẻ tự nhiên; biểu lộ tình cảm kém, mắt ít chớp.

Ngoài những triệu chứng trên đây thì người bị bệnh Parkinson còn đứng ngồi không yên, loạn cảm đau, phù, đầu ngón chân ngón tay tím tái, ảo thị, trầm cảm, hoang tưởng, sa sút trí tuệ,...

3. Phân biệt bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson

3.1. So sánh bệnh và hội chứng Parkinson

Bệnh Parkinson và hội chứng Parkinson là hoàn toàn khác nhau. Hội chứng Parkinson là thuật ngữ dùng để chỉ những người bệnh có biểu hiện giống bệnh Parkinson. 

Cả hội chứng Parkinson và bệnh Parkinson đều rất khó chẩn đoán chính xác ở giai đoạn đầu vì chúng có quá trình phát triển và những triệu chứng tương tự nhau như: chậm chạp, cứng đờ, run rẩy,... Thêm vào đó, điểm chung của chúng còn ở chỗ đều liên quan đến sự mất mát các tế bào thần kinh ở vùng hạch nền của não bộ. Tuy nhiên, ở hội chứng Parkinson thì sự mất mát này ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác của não và diễn ra sâu rộng hơn so với bệnh Parkinson.

Đến nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Parkinson vẫn chưa xác định được nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy nó xảy ra khi hệ thống thần kinh vùng vận động bị rối loạn do thiếu hụt Dopamine - chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò kiểm soát cử động và sự phối hợp của các cơ bắp. Sự kết hợp của các yếu tố: môi trường sống (nhất là những nơi chứa nhiều thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu), di truyền có liên quan mật thiết đến quá trình hình thành bệnh.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng Parkinson nhưng chúng đều liên quan đến sự tổn thương não bộ khiến cho các triệu chứng tương tự với bệnh Parkinson xuất hiện. Các nguyên nhân chính có thể kể đến nhơ thoái hóa thần kinh, nhiễm độc, nhiễm khuẩn, chấn thương, tổn thương mạch máu não,...

3.2. Biện pháp phân biệt

Như đã nói ở trên, việc phân biệt hội chứng Parkinson và bệnh Parkinson tương đối khó khăn nên đa phần chỉ đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng thì mới chẩn đoán đúng. Thường thì các bác sĩ chuyên khoa sẽ dựa trên việc khai thác tiền sử của bệnh nhân kết hợp với các kết quả lâm sàng của một số xét nghiệm chẩn đoán để phân biệt. 

Chụp MRI não giúp chẩn đoán nhanh bệnh Parkinson

Chụp MRI não giúp chẩn đoán nhanh bệnh Parkinson

Biện pháp cụ thể gồm:

- Khai thác tiền sử người bệnh

Bác sĩ hỏi cụ thể những triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, loại thuốc đang sử dụng, tiền sử gia đình có liên quan đến bệnh hay hội chứng này hay không.

- Kiểm tra vận động

Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số vận động như giơ tay chân xuống thấp hoặc lên cao; đi lại; ngồi xuống hoặc đứng lên,... để quan sát. Thường thì bệnh nhân mắc bệnh Parkinson sẽ có ít nhất hai triệu chứng điển hình là bất thường trong dáng đi và run tay chân khi nghỉ ngơi hoặc cứng đờ, khó khăn khi vận động.

- Chụp MRI não

Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này đặc biệt hiệu quả đối với xác định điểm khác biệt nổi bật giữa hội chứng Parkinson và bệnh Parkinson vì nó cho thấy sự phân bố bất thường nồng độ Dopamin ở não. 

- Thử thuốc

Thuốc Levodopa - tiền thân của Dopamine có thể được sử dụng để theo dõi quá trình đáp ứng với thuốc của người bệnh. Người mắc bệnh Parkinson thường đáp ứng rất tốt với thuốc điều trị ở giai đoạn đầu nhưng thuốc gần như không giúp cải thiện hội chứng Parkinson.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn trong việc phân biệt và lựa chọn phác đồ điều trị bệnh và hội chứng cùng tên này; nhưng người bệnh hãy yên tâm rằng nhờ sự phát triển của y học hiện đại và kinh nghiệm làm việc lâu năm, chắc chắn các bác sĩ sẽ không nhầm lẫn và sẽ đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân để họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hy vọng qua những nội dung được chia sẻ trong bài viết trên đây bạn đọc đã không còn cho rằng hội chứng Parkinson và bệnh Parkinson đều là một. Nếu còn thắc mắc nào khác, các bạn có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp cặn kẽ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ