Tin tức
Phân độ báng bụng, nguyên nhân, cách thức chẩn đoán và điều trị bệnh
- 19/11/2019 | Xơ gan cổ trướng điều trị như thế nào hiệu quả nhất?
- 29/11/2019 | Những điều cần biết về xơ gan cổ trướng bệnh học
- 02/09/2019 | Xơ gan cổ trướng bệnh học là gì nguyên nhân và cách điều trị bệnh
1. Báng bụng là gì và phân độ báng bụng
1.1. Về khái niệm báng bụng
Bình thường, khoang màng bụng luôn có một ít dịch có tác dụng bôi trơn cho sự di chuyển của các tạng khi co thắt. Báng bụng (cổ trướng) sự tích tụ dịch bất thường ở khoang bụng (> 25ml).
Báng bụng là biểu hiện của nhiều bệnh lý. Nguyên nhân gây nên tình trạng này chủ yếu do xơ gan khiến dịch ứ đọng, ung thư ổ bụng, suy tim, nhiễm trùng ổ bụng, lao phúc mạc, bệnh thận, hội chứng thận hư, bệnh về tụy,...
Hình ảnh giúp nhận diện tình trạng bụng to bất thường do tích tụ dịch ở bệnh báng bụng
1.2. Phân độ báng bụng
Các chuyên gia y tế phân độ báng bụng thành 3 cấp:
1.2.1. Báng bụng cấp độ 1 (cổ trướng nhẹ)
Ở cấp độ này, bụng hơi phồng lên một chút gây cảm giác đầy hơi, nhất là sau khi ăn nhưng không gây nên khó chịu cho người bệnh. Người bệnh chỉ phát hiện ra tình trạng báng bụng qua siêu âm hoặc chụp CT-Scanner.
1.2.2. Báng bụng cấp độ 2 (cổ trướng mức độ trung bình)
Sang cấp độ 2, bụng đã phình to rõ rệt, bệnh nhân mặc quần áo bị chật, tăng cân nhanh chóng. Bác sĩ sẽ dễ dàng phát hiện cấp độ báng bụng này qua quá trình thăm khám lâm sàng.
1.2.3. Báng bụng cấp độ 3 (cổ trướng mức độ nặng)
Đây là giai đoạn bụng to bất thường, các triệu chứng đã trở nên rõ ràng như đau bụng dữ dội, thường xuyên cảm thấy khó chịu ở bụng, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, sốt, lồi rốn, ăn nhanh no, khó thở,... Do triệu chứng đã tiến triển nặng nên hầu hết ca bệnh được phát hiện trong tình trạng người bệnh nhập viện cấp cứu.
2. Triệu chứng gặp phải khi bị báng bụng
Các triệu chứng ở người bị báng bụng cũng có sự tiến triển theo phân độ báng bụng:
- Ở cấp độ nhẹ, người bệnh có tình trạng:
+ Cảm giác bụng hơi cứng, đầy hơi sau khi ăn.
+ Đau nhói nhẹ ở vùng bụng với tính chất thoáng qua.
+ Khó tiêu, nhất là sau khi ăn quá no.
- Ở cấp độ trung bình, người bệnh đã có nhiều dấu hiệu rõ ràng:
+ Bụng to hơn đáng kể, nhất là vào cuối ngày.
+ Cảm giác đau lan tỏa, kéo dài ở vùng bụng.
+ Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện ợ chua, buồn nôn, ợ nóng, chán ăn.
- Ở cấp độ nặng, mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh đã trở nên vô cùng khó chịu:
+ Cơn đau bụng dữ dội, đau dạng co thắt bụng.
+ Khó tiêu, chán ăn, ăn ít.
+ Cân nặng giảm nhanh chóng.
+ Nôn nhiều, không thể tiêu hóa thức ăn.
+ Bụng to bất thường, rốn lồi rõ.
3. Chẩn đoán và điều trị báng bụng như thế nào?
3.1. Chẩn đoán
Để chẩn đoán và phân độ báng bụng, bác sĩ cần trải qua nhiều quy trình:
- Khám lâm sàng để bác sĩ có căn cứ chẩn đoán ban đầu, bằng cách:
+ Thăm hỏi người bệnh về thời điểm xuất hiện triệu chứng, thói quen ăn uống và các dấu hiệu liên quan khác.
+ Thăm khám vùng bụng để nhận biết các biểu hiện bất thường như phồng bụng, đau khi ấn vào vùng bụng,…
+ Hỏi tiền sử bệnh, lối sống của bệnh nhân, tình trạng stress,...
- Chẩn đoán cận lâm sàng để có căn cứ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh:
+ siêu âm vùng bụng: Giúp quan sát các cơ quan nội tạng và kiểm tra sự hiện diện của dịch, khí hoặc các khối u trong khoang bụng.
+ Chụp X-quang bụng: Phát hiện các dấu hiệu bất thường, xác định vị trí tích tụ khí và các tình trạng chuyển hóa liên quan.
+ Chụp CT-Scanner: Đánh giá chi tiết bất thường vùng bụng và mức độ ảnh hưởng của báng bụng đến các cơ quan khác.
+ Xét nghiệm máu: Đánh giá chức năng gan - thận, chỉ số viêm và dấu hiệu nhiễm trùng.
+ Xét nghiệm phân: Phát hiện các dấu hiệu viêm nhiễm hoặc bất thường trong quá trình tiêu hóa.
+ Nội soi tiêu hóa: Kiểm tra tình trạng niêm mạc dạ dày và ruột để đánh giá nguyên nhân khó tiêu có thể liên quan đến cổ trướng.
Siêu âm giúp bác sĩ đánh giá, phân độ báng bụng để có hướng điều trị phù hợp cho người bệnh
3.2. Điều trị
Phương án điều trị sẽ được bác sĩ đưa ra dựa trên kết quả xác định nguyên nhân và phân độ báng bụng từ quá trình chẩn đoán, thường bao gồm:
3.2.1. Điều trị nội khoa
- Dùng thuốc
Nếu báng bụng cấp độ nhẹ thì bác sĩ thường kê đơn thuốc lợi tiểu để đào thải bớt dịch tích tụ trong khoang màng bụng ra khỏi cơ thể và ngăn không cho dịch tích tụ thêm. Nếu người bệnh bị nhiễm trùng dịch báng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để nhanh chóng tiêu diệt vi khuẩn, ngăn chặn nhiễm trùng tiến triển nghiêm trọng.
Bệnh nhân bị báng bụng cấp độ nặng sẽ được chỉ định chọc hút ổ dịch nhằm xác định nguyên nhân để có phương án điều trị tốt nhất.
- Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống
Người bệnh cần:
+ Hạn chế các loại thực phẩm dễ tạo khí như đậu, rau họ cải, bia rượu,...
+ Tăng cường chất xơ và uống đủ nước để hỗ trợ tiêu hóa.
+ Chia bữa ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm và nhai kỹ để giảm lượng khí tích tụ.
+ Tập thể dục nhẹ nhàng sau bữa ăn để kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa.
+ Thực hiện các bài tập thở, bài tập thể dục nhẹ nhàng, tham gia các hoạt động yêu thích,... để giảm căng thẳng.
3.2.2. Điều trị ngoại khoa
Khi điều trị nội khoa không đáp ứng, tùy theo mức độ tiến triển bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị như:
- Chọc dò dịch báng để đào thải bớt dịch, giảm áp lực cho khoang bụng.
- Đặt TIPS dẫn lưu bớt dịch trong khoang bụng dưới gan về tim.
- Phẫu thuật ghép gan: Áp dụng với trường hợp bệnh nhân đã bị báng bụng nặng, suy gan.
Người bệnh được bác sĩ tư vấn phác đồ trước khi điều trị báng bụng
Báng bụng cần được phát hiện sớm để điều trị ngay thì mới ngăn chặn được biến chứng nguy hiểm đến sự sống của người bệnh. Nếu phát hiện bất cứ triệu chứng cảnh báo nào như đã đề cập ở trên, quý khách hàng có thể liên hệ ngay Hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Thông qua những kiểm tra cần thiết, bác sĩ sẽ có kết quả phân độ báng bụng và đưa ra phác đồ điều trị tích cực để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
