Tin tức
Phân loại mề đay và các cách trị nổi mề đay an toàn
- 25/08/2021 | Góc giải đáp: Nổi mề đay tự khỏi không và cách điều trị bệnh
- 14/03/2022 | Nổi mề đay có nguy hiểm không? Nguyên nhân, cách chữa trị mề đay
- 04/12/2021 | Nổi mề đay do lạnh: cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả
1. Mề đay và phân loại mề đay
Nổi mề đay là hiện tượng dị ứng phát ban trên da, khi mao mạch trên da bị kích thích và phản ứng quá mức với nhiều yếu tố khác nhau. Triệu chứng điển hình của nổi mề đay là tình trạng phù cấp tính hoặc mạn tính ở lớp da trung bì.
Nổi mề đay trên da rất thường gặp do nhiều nguyên nhân
Nổi mề đay rất phổ biến, thống kê có khoảng 20% dân số từng bị tình trạng này ít nhất 1 lần, nhiều bệnh nhân có làn da nhạy cảm thường xuyên gặp phải. Về cơ chế hình thành mề đay trên da, các nhà khoa học cho biết đây là kết quả của chuỗi phản ứng miễn dịch phức tạp, liên quan đến histamin và các hóa chất trung gian gây viêm.
Biểu hiện nổi mề đay ở mỗi người có thể khác nhau, nhưng đặc trưng là các nốt sần, mảng hồng ban hoặc trắng, có giới hạn rõ ràng trên da. Kích thước và hình dạng của mề đay có thể thay đổi từ hình tròn, hình bầu dục, hình đa cung,... Nổi mề đay kèm theo ngứa khiến nhiều bệnh nhân gãi và làm tổn thương da, khiến mề đay xuất hiện bóng nước, xuất huyết hoặc tróc vảy.
Vị trí xuất hiện mề đay thường gặp là trên da và niêm mạc, nhiều trường hợp xảy ra ở cả thanh quản hay đường tiêu hóa. Theo đặc điểm và mức độ bệnh, nổi mề đay được phân thành các nhóm sau:
1.1. Nổi mề đay thông thường
Nổi mề đay thông thường do da tiếp xúc với các chất gây dị ứng, nhiễm trùng, thay đổi nội tiết tố, thay đổi thời tiết hoặc dùng thuốc kéo dài. Triệu chứng của nổi mề đay cấp tính thường ngắn hơn 6 tuần, các trường hợp mạn tính thường khó xác định được nguyên nhân.
Nổi mề đay thông thường thường không kéo dài
1.2. Nổi mề đay vật lý
Nổi mề đay vật lý thường do những nguyên nhân sau:
-
Do kích thích cơ học: chứng da vẽ nổi, nổi mề đay do rung hoặc do áp lực.
-
Do thay đổi nhiệt độ: Nổi mề đay do tiếp xúc nhiệt lạnh, nóng tại chỗ, thời tiết quá lạnh hoặc nổi mề đay cholinergique.
-
Do ánh nắng mặt trời.
1.3. Nổi mề đay phù mạch
Dạng nổi mề đay thường nghiêm trọng hơn, nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định chính xác. Các nốt mề đay nổi có dạng sang thương sâu và lan tỏa, gây cảm giác đau, bỏng rát nghiêm trọng cho người bệnh.
Vị trí nổi mề đay phù mạch có thể gặp gồm: môi, mí mắt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan thuộc hệ hô hấp, hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục,... Người bị nặng có thể gặp cả những triệu chứng toàn thân như rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, đau xương khớp, sốt cao, trụy tim,... Khi đó, cần cấp cứu kịp thời để kiểm soát các triệu chứng sốc để đảm bảo tính mạng người bệnh.
Nổi mề đay gây phù mạch là tình trạng nặng
1.4. Các dạng nổi mề đay khác
Nổi mề đay tiếp xúc hoặc viêm mạch mề đay thường do da tiếp xúc với chất kích thích có trong mỹ phẩm, thuốc trừ sâu, các sản phẩm tẩy rửa,...
Việc xác định đúng phân loại bệnh nổi mề đay có vai trò quan trọng để điều trị và loại bỏ nguyên nhân, tránh bệnh kéo dài gây khó chịu và ảnh hưởng tới cuộc sống của người bệnh.
2. Phương pháp điều trị nổi mề đay an toàn, hiệu quả
Nổi mề đay là tình trạng ngoài da thường ít gây nguy hiểm song gây không ít khó chịu cho người bệnh, đặc biệt khi triệu chứng này kéo dài. Do đó, nên chủ động điều trị sớm ngay khi những nốt mề đay mới xuất hiện, tránh để chúng lan rộng và gây tổn thương da nghiêm trọng.
Có hai phương pháp điều trị nổi mề đay thường áp dụng với từng bệnh nhân với mức độ bệnh khác nhau như sau:
2.1. Điều trị bằng phương pháp không dùng thuốc
Tìm và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, những chất hay thực phẩm gây dị ứng và nổi mề đay là rất quan trọng. Ngoài ra, có thể áp dụng các cách sau để giảm nổi mề đay, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn như:
Nổi mề đay có thể do dị ứng thực phẩm
-
Hạn chế ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như: cà chua, chocolate, dâu tây, trứng,...
-
Hạn chế dùng các thuốc dễ gây dị ứng trong thời gian bị nổi mề đay như: thuốc ức chế men chuyển, Aspirin, NSAIDs, Codeine, Morphine,...
-
Hạn chế dùng các chất gây kích thích như: cà phê, trà, rượu bia, gia vj cay nóng.
-
Nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh thức khuya, hạn chế tiếp xúc với nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao.
-
Hạn chế gãi, chà xát mạnh trên da.
-
Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tắm và vệ sinh thân thể nhẹ nhàng.
-
Mặc quần áo cotton thấm hút mồ hôi tốt, nhẹ nhàng, vừa vặn tránh làm tăng áp lực hoặc cọ xát trực tiếp trên bề mặt da.
2.2. Điều trị nổi mề đay bằng thuốc
Các trường hợp nổi mề đay nặng có thể phải điều trị bằng thuốc để giảm triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, bao gồm:
-
Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin có tác dụng tốt trong điều trị nổi mề đay và các dạng dị ứng khác, tuy nhiên có thể gây 1 số tác dụng phụ như buồn ngủ, kháng cholinergic, gây tương tác thuốc,...
-
Thuốc corticoid toàn thân dạng uống hoặc dạng tiêm, chỉ dùng trong trường hợp nổi mề đay nặng kèm các triệu chứng hô hấp, viêm mạch.
-
Ngoài ra còn một số thuốc dùng trong điều trị nổi mề đay khác như: thuốc ức chế miễn dịch, thuốc khác giảm triệu chứng như dapson, epinephrine, colchicine, leukotriene, doxepin,...
Cẩn thận nổi mề đay ở phụ nữ mang thai có thể nguy hiểm
Nổi mề đay ở phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú và trẻ em là các đối tượng cần đặc biệt chú ý do việc hạn chế trong dùng thuốc điều trị. Những bệnh nhân có liên quan đến bệnh lý cơ thể khác sẽ cần khám, điều trị chuyên khoa cùng với thực hiện các xét nghiệm cần thiết xác định đúng nguyên nhân.
Nổi mề đay là bệnh lý thường gặp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Không nên chủ quan bởi đây có thể là dấu hiệu dị ứng nặng, dẫn đến sốc phản vệ nguy hiểm cùng nhiều biến chứng khó lường. Do vậy, khi có triệu chứng bệnh, bệnh nhân nên đi khám và được hướng dẫn trị nổi mề đay.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!