Tin tức
Phẫu thuật cắt dạ dày là gì? Tại sao cần phải cắt dạ dày?
1. Phẫu thuật cắt dạ dày là gì? Tại sao cần phải thực hiện?
Dạ dày là một túi cơ rỗng, nằm giữa thực quản và ruột non, có chức năng chứa đựng và tiêu hóa thức ăn. Cơ quan này tiết ra axit hydrochloric và enzym pepsin để phân giải protein, đồng thời tạo điều kiện lý tưởng để hấp thụ các chất dinh dưỡng tại ruột.
cắt dạ dày là thủ thuật phẫu thuật nhằm loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Sau khi dạ dày được cắt bỏ, bác sĩ sẽ tái tạo lại hệ tiêu hóa bằng cách nối phần còn lại của dạ dày hoặc thực quản trực tiếp với ruột non (tùy thuộc vào mức độ can thiệp).
Có ba hình thức cắt dạ dày phổ biến:
- Cắt dạ dày bán phần hoặc toàn phần: Loại bỏ phần dưới hoặc phần trên của dạ dày để điều trị ung thư hoặc loét biến chứng;
- Cắt dạ dày kiểu ống (Sleeve Gastrectomy): Phẫu thuật phổ biến trong điều trị béo phì, tạo hình dạ dày thành ống nhỏ.
Phẫu thuật cắt dạ dày được thực hiện để điều trị các bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến dạ dày, bao gồm:
- Ung thư dạ dày: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất cần phải cắt dạ dày. Phẫu thuật giúp loại bỏ khối u và các mô ung thư, ngăn chặn sự lây lan của bệnh;
Nhiều trường hợp ung thư dạ dày cần phải tiến hành cắt dạ dày
- Các khối u lành tính: Mặc dù không phải là ung thư, nhưng các khối u lớn hoặc có nguy cơ tiến triển thành ác tính cũng có thể cần phải cắt bỏ;
- Loét dạ dày biến chứng: Khi loét dạ dày gây ra các biến chứng nghiêm trọng như thủng, chảy máu không kiểm soát hoặc hẹp môn vị (tắc nghẽn lối ra của dạ dày), phẫu thuật cắt dạ dày có thể là cần thiết;
- Thủng dạ dày: Tình trạng này thường do loét hoặc ung thư gây ra và đòi hỏi phải phẫu thuật cấp cứu, trong đó có thể bao gồm cắt bỏ một phần dạ dày bị tổn thương;
- Béo phì: Phẫu thuật cắt một phần lớn dạ dày (cắt dạ dày hình ống) có thể được thực hiện để giảm dung tích dạ dày dẫn đến ăn nhanh no;
- Ung thư thực quản lan xuống dạ dày: Nếu tế bào ung thư từ thực quản xâm lấn đến dạ dày, việc cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày có thể là cần thiết.
2. Quy trình phẫu thuật cắt dạ dày
Khám và đánh giá trước khi phẫu thuật
Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định một loạt xét nghiệm để đánh giá sức khỏe toàn diện:
- Nội soi dạ dày: Đánh giá trực tiếp tổn thương niêm mạc, sinh thiết là bắt buộc với tổn thương nghi ngờ ác tính trước khi phẫu thuật;
- Chụp CT scan hoặc MRI: Xác định vị trí, kích thước khối u (nếu có);
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra chức năng gan, thận, đông máu và các chỉ số cần thiết;
- Khám tim – phổi – gây mê: Đảm bảo bệnh nhân đủ điều kiện phẫu thuật.
Bệnh nhân cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán trước khi thực hiện kỹ thuật cắt dạ dày
Ngoài ra, bệnh nhân được tư vấn đầy đủ về nguy cơ, tiên lượng và kế hoạch hậu phẫu. Một số thuốc có thể phải ngừng sử dụng trước mổ như aspirin, thuốc chống đông máu.
Tiến hành phẫu thuật
Có hai phương pháp chính:
Mổ mở
- Bác sĩ rạch một đường dài trên bụng để tiếp cận trực tiếp dạ dày;
- Phù hợp với các khối u lớn hoặc bệnh lý phức tạp;
- Thời gian hồi phục lâu hơn, đau sau mổ nhiều hơn.
Phẫu thuật nội soi (xâm lấn tối thiểu)
- Dùng camera và dụng cụ chuyên dụng đưa qua các vết rạch nhỏ;
- Ít đau, phục hồi nhanh, sẹo nhỏ;
- Thích hợp trong điều trị béo phì hoặc cắt dạ dày bán phần.
- Thời gian phẫu thuật dao động từ 2 đến 4 giờ tùy loại can thiệp.
Hồi phục và chăm sóc hậu phẫu
- 24-48h đầu: Bệnh nhân được theo dõi sát tại phòng hồi sức, chưa ăn uống, chỉ truyền dịch;
- Ngày 3-5: Bắt đầu dùng chất lỏng như nước lọc, nước điện giải, tiến dần đến cháo loãng. Bệnh nhân lưu ý không dùng nước ép vì có thể gây kích thích tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy sớm;
- Tuần 2 trở đi: Ăn thức ăn mềm, chia nhiều bữa nhỏ;
- Tái khám định kỳ: Theo dõi biến chứng, kiểm soát cân nặng (nếu phẫu thuật giảm béo), đánh giá đáp ứng điều trị.
3. Giải đáp những thắc mắc thường gặp sau phẫu thuật cắt dạ dày
Sau khi cắt dạ dày, có thể ăn nhiều một lúc như trước không?
Câu trả lời là không. Khi một phần dạ dày đã bị cắt bỏ, thể tích chứa thức ăn của dạ dày giảm rõ rệt. Khả năng co giãn cũng kém đi, dẫn đến hiện tượng nhanh no, đầy tức nếu ăn quá nhiều trong một lần. Việc cố gắng nạp lượng lớn thức ăn không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình hồi phục. Do đó, lời khuyên dành cho người bệnh là nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, ăn chậm, nhai kỹ, và ưu tiên các loại thực phẩm dễ tiêu.
Sau bao lâu thì bệnh nhân có thể xuất viện?
Thông thường, người bệnh có thể xuất viện sau khoảng 5 đến 7 ngày, nếu quá trình hồi phục diễn ra thuận lợi, không có biến chứng đáng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nhân cần phải nằm viện lâu hơn để bác sĩ theo dõi thêm vết thương sau mổ.
Bệnh nhân sau khi cắt bỏ dạ dày sẽ được xuất viện sau khoảng 5 đến 7 ngày
Người thừa cân có nên cắt dạ dày để giảm cân không?
Hiện nay, phẫu thuật cắt dạ dày chỉ áp dụng đối với những người mắc bệnh béo phì bệnh lý. Đối với người bị thừa cân thường sẽ được ưu tiên điều trị bằng các phương pháp nội khoa, kết hợp với thay đổi lối sống. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp nào là tối ưu nhất.
Sau phẫu thuật cắt dạ dày có được quan hệ tình dục không?
Dù phẫu thuật cắt dạ dày không ảnh hưởng gì đến bộ phận sinh dục, song việc quan hệ tình dục sớm có thể tạo áp lực lên thành bụng, dẫn đến đau, khó chịu, thậm chí có thể gây tổn thương vùng vết mổ chưa lành. Do đó, trong thời gian chờ phục hồi sau mổ, bạn không nên quan hệ tình dục cho đến khi vết thương lành hẳn.
Trên đây là toàn bộ thông tin về phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày bao gồm các trường hợp cần thực hiện, một số lưu ý và những thắc mắc kèm theo. Nếu bạn đọc có thêm câu hỏi liên quan cần giải đáp, tư vấn, hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
