Tin tức

Phòng dịch sốt xuất huyết - chớ bỏ qua thông tin cần thiết này

Ngày 20/08/2017
ThS. BS Nguyễn Thu Hương, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
Để ngăn chặn sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội đã rất quyết liệt trong công tác tuyên truyền cách tránh muỗi, diệt muỗi tới từng tổ dân phố và hộ gia đình nên ý thức phòng bệnh của người dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, chỉ với 3 phút đọc những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin để chủ động phòng bệnh cũng như biết cách phát hiện, theo dõi, chăm sóc khi mắc bệnh, từ đó giúp vượt qua đợt dịch bệnh dễ dàng và nhanh chóng nhất.

1.  Nguyên nhân sốt xuất huyết


Muỗi Aedes agypti là nguyên nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 type DEN-1; DEN-2; DEN-3; DEN-4, vì vậy vẫn có thể mắc lại sốt xuất huyết ở những người đã mắc sốt xuất huyết trước đây.

2.  Đường lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người.

- Trung gian truyền bệnh của sốt xuất huyết Dengue là muỗi Aedes agypti và Aedes Albopictus, hay còn gọi là muỗi vằn.

3. Sốt xuất huyết Dengue thường gặp ở lứa tuổi nào? Và vào mùa nào trong năm?

- Sốt xuất huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Bệnh lưu hành quanh năm. Ở Việt Nam sốt xuất huyết tăng cao từ tháng 6 đến tháng 11.

4. Triệu chứng chính của sốt xuất huyết


Sốt cao, biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết.

 

Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện từ nhẹ đến nặng: thể sốt Dengue, sốt xuất huyết và sốt xuất huyết có shock. Bệnh có thể diễn biến từ thể nhẹ sang thể nặng và ngược lại. Biểu hiện chính thường gặp như:

- Sốt cao: Sốt 39-40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, mệt mỏi, phát ban, buồn nôn.

- Xuất huyết: Có nhiều dạng như:

+ Xuất huyết dưới da: Dạng chấm hay dạng mảng, xuất huyết xuất hiện tự nhiên hoặc sau tiêm, truyền hoặc va chạm.

+ Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết củng mạc mắt.

+ Phụ nữ: Xuất hiện kinh sớm, kinh nguyệt kéo dài, số lượng kinh nguyệt nhiều.

+ Xuất huyết nội tang: Là biểu hiện nặng của sốt xuất huyết. Xuất huyết dạ dày với triệu chứng nôn ra máu, đi ngoài phân đen, xuất huyết não biểu hiện co giật, liệt,…

- Đau bụng: Đau bụng, đau tức vùng gan.

- Dấu hiệu sốc: Sốc là dấu hiệu nặng của bệnh sốt xuất huyết, thường xuất hiện từ ngày thứ 3-6 của bệnh. Biểu hiện của sốc: Hạ huyết áp, đây là hậu quả của tình trạng thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24-48 giờ). Nếu tình trạng thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20 mmHg), tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp, tiểu ít.

5.Sốt xuất huyết trường hợp nào cần nhập viện điều trị nội trú? Trường hợp nào có thể theo dõi điều trị tại nhà?

Người bị sốt xuất huyết nên chườm bằng khăn mát. Ảnh nguồn Internet.

 Tất cả những bệnh nhân sốt nói chung và bệnh nhân sốt xuất huyết nói riêng cần được bác sỹ khám và theo dõi, không được tự ý mua thuốc uống. Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân chẩn đoán sốt xuất huyết đều phải điều trị tại bệnh viện.

- Trường hợp bệnh nhân phải nhập viện điều trị nội trú:

+ Chỉ định truyền dịch: nếu bệnh nhân không uống được, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước. Hoặc có dấu hiệu cảnh báo diễn biến nặng:

  •  Hạ thận nhiệt, hạ huyết áp;
  • Biểu hiện mệt mỏi, lừ đừ, hoăc kích thích vật vã;
  • Biểu hiện xuất huyết niêm mạc, xuất huyết nội tạng: chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt nhiều, đái đỏ, đi ngoài phân đen,…
  • Xét nghiệm máu có biểu hiện cô đặc máu Hematocrit tăng, số lượng tiểu cầu giảm thấp,…

Trường hợp bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại nhà:

+ Trường hợp sốt xuất huyết Dengue thể nhẹ, không có biến chứng và uống được Oresol.

+ Trường hợp sốt xuất huyết Dengue đã điều trị nội trú ổn định, có thể được kê đơn ngoại trú theo dõi tại nhà.

6. Bệnh nhân sốt xuất huyết có chỉ định điều trị ngoại trú cần lưu ý những gì?

6.1. Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết

- Thường xảy ra từ ngày 3- 6 của bệnh, vì vậy chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý giai đoạn này.

- Giai đoạn này bệnh nhân có thể hết sốt những vẫn có thể diễn biến nặng, nguy hiểm như  xuất huyết nặng, huyết áp, sốc,

6.2. Điều trị và chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết

- Điều trị: Sốt xuất huyết hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị triệu chứng và theo dõi phát hiện dấu hiệu diễn biến nặng rất quan trọng khi chăm sóc theo dõi.

- Chăm sóc bệnh nhân khi sốt:


Bệnh nhân sốt xuất huyết cần bù đủ nước khi bệnh nhân uống được.

+ Chườm ấm hoặc lau người bằng khăn mát.

+ Bảo đảm bù đủ nước (uống Oresol) khi bệnh nhân uống được. Lưu ý, Oresol cần đảm bảo pha đúng hướng dẫn. Trong 5 ngày đầu uống 2 lít/ngày kết hợp với uống nước cam, nước chanh, nước dừa,…

+ Theo dõi nhiệt độ.

+ Uống hạ sốt Paracetamol theo liều: 15 mg/kg/lần uống, nhắc lại sau 4-6 giờ nếu còn sốt > 38,5 độ C. Tối đa không quá 4g/ngày đối với người lớn.

- Theo dõi dấu hiệu xuất huyết:

+ Xuất huyết dưới da.

+ Xuất huyết niêm mạc: Chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết củng mạc, rong kinh, kinh kéo dài, kinh nguyệt đến sớm,… là dấu hiệu cảnh báo diễn biến nặng cần khám nhập viện theo dõi.

 + Xuất huyết nội tạng: Tiểu đỏ, đi ngoài phân đen, xuất huyết não (lơ mơ, hôn mê, co giật, liệt),là dấu hiệu nặng cần nhập viện ngay.

- Theo dõi huyết áp.

- Theo dõi toàn trạng: Li bì, vật vã kích thích, khó ngủ là dấu hiệu diễn biến nặng cần nhập viện ngay. Dấu hiệu đau tức mạn sườn phải là dấu hiệu cảnh báo nặng cần khám bác sĩ chuyên khoa.

6.3. Lưu ý khi dùng thuốc trong điều trị sốt xuất huyết

- Không được sử dụng thuốc nhóm corticoid (như thuốc prenison, medrol) và nhóm non-sterotid (như ibufrofen, Aspirin, Alaxan,…).

7. Phòng bệnh sốt xuất huyết


Bỏ phế thải để không có nơi cho muỗi đẻ trứng.

 - Hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết.

- Biện pháp phòng bệnh tốt nhất ở những vùng có nhiều muỗi Aedes là loại bỏ nơi đẻ trứng của chúng - gọi là giảm nguồn lây như bỏ phế thải đậy kín dụng cụ chứa nước, vệ sinh môi trường, khai thông cỗng rãnh thoát nước,… Giảm số lượng trứng, bọ gậy và lăng quăng sẽ giúp làm giảm số lượng muỗi trưởng thành và giảm sự lây truyền bệnh. 

- Phòng tránh muỗi đốt:

+ Sử dụng rèm cửa hoặc lưới chống muỗi;

+ Nằm màn;

+ Mặc quần áo dài, dùng kem chống muỗi,…

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ