Tin tức

Phospho: một khoáng chất có vai trò quan trọng trong nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể

Ngày 23/08/2016
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
PGS TS Nguyễn Nghiêm Luật - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC

Phospho (phosphorus), còn được gọi dưới dạng muối của nó là phosphate, được ký hiệu là P hay PO­43-. Các xét nghiệm có liên quan đến phospho gồm: canxi (calci), các điện giải, vitamin D, PTH và magiê (Mg).

1. Sinh học của phospho Phospho là một khoáng chất kết hợp với các chất khác để tạo thành các hợp chất phospho hữu cơ và vô cơ. Các thuật ngữ phospho và phosphate thường được sử dụng thay thế cho nhau khi nói về xét nghiệm, là số lượng phospho vô cơ trong máu được đo bằng một xét nghiệm định lượng phospho/ phosphate huyết thanh.

Phospho là một chất có vai trò quan trọng trong nhiều các quá trình chuyển hóa của cơ thể, chẳng hạn như quá trình sinh tổng hợp các chất cơ bản của cơ thể như protein, carbohydrate, phospholipid màng tế bào, DNA, RNA, trong sản sinh năng lượng (dưới dạng ATP), co cơ, điều hòa nhịp tim, dẫn truyền thần kinh, sự tạo xương, duy trì sự cân bằng acid-base của cơ thể, …

Hình 1: Phospho dưới dạng muối Phosphate (PO­43-).

Phospho đi vào cơ thể qua chế độ ăn uống. Phospho có trong nhiều loại thực phẩm và được dễ dàng hấp thu bởi ruột. Khoảng 70-80% Phospho của cơ thể kết hợp với canxi để giúp hình thành xương và răng, 10% được thấy trong cơ bắp và khoảng 1% ở trong mô thần kinh. Phần còn lại được thấy trong các tế bào khắp cơ thể, nơi chúng được sử dụng chủ yếu để lưu trữ năng lượng. Thông thường, chỉ có khoảng 1% tổng lượng phospho của cơ thể có ở trong máu. Các loại thực phẩm như đậu, đậu Hà Lan và các loại hạt, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trứng, thịt bò, thịt gà, cá, có chứa những lượng đáng kể các hợp chất phospho. Cơ thể duy trì mức độ phospho trong máu bằng cách điều hòa sự hấp thụ ở ruột và sự đào thải qua thận. Mức độ phospho cũng bị ảnh hưởng bởi sự điều hòa của hormone tuyến cận giáp (PTH), canxi và vitamin D. Sự thiếu hụt phospho có thể gặp trong suy dinh dưỡng, kém hấp thu, mất cân bằng acid-base, tăng canxi máu, và các rối loạn ảnh hưởng đến chức năng thận. Sự thừa phospho (tăng phospho máu) có thể gặp trong tăng tiêu thụ các khoáng chất, giảm canxi máu và rối loạn chức năng thận. Sự thiếu hụt phospho mức độ nhẹ đến vừa phải thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Khi thiếu hụt phospho nặng, các triệu chứng có thể bao gồm yếu cơ và nhầm lẫn. Sự dư thừa phospho nặng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như được thấy khi mức độ canxi thấp, bao gồm đau cơ, bối rối, có khi co giật.

2. Sự sử dụng xét nghiệm phospho Xét nghiệm phospho thường được sử dụng cùng với các xét nghiệm khác, chẳng hạn như canxi, hormon cận giáp (PTH) và vitamin D, giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị các bệnh có thể gây ra sự mất cân bằng canxi và phospho. Trong khi xét nghiệm phospho huyết thanh được thực hiện một cách phổ biến thì xét nghiệm phospho nước tiểu đôi khi được sử dụng để giám sát việc đào thải phospho bởi thận.

3. Chỉ định Vì lượng phospho thay đổi nhẹ thường không gây triệu chứng nên xét nghiệm phospho thường được chỉ định khi có xét nghiệm canxi bất thường và/ hoặc khi có các triệu chứng của canxi bất thường như mệt mỏi, yếu cơ, chuột rút hoặc có rối loạn về xương. Xét nghiệm phospho cũng có thể được chỉ định cùng với các xét nghiệm khác khi có các triệu chứng về rối loạn tiết niệu hoặc tiêu hóa. Xét nghiệm phospho kết hợp với xét nghiệm canxi máu có thể được chỉ định theo định kỳ để theo dõi hiệu quả điều trị khi có cả rối loạn phospho và canxi. Xét nghiệm phospho còn có thể được chỉ định ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc có dấu hiệu của sự mất cân bằng acid-base để theo dõi sự thay đổi mức độ phospho máu trong quá trình điều trị.

4. Giá trị tham chiếu Mức độ phospho huyết thanh thay đổi nhẹ theo tuổi, ở người khỏe mạnh là: Trẻ em (theo Soldin SJ 1995 [5]): 1-30 ngày: 3,9-7,7 mg/dL hay 1,25-2,50 mmol/L 1-12 tháng: 3,5-6,6 mg/ dL hay 1,15-2,15 mmol/L 1-3 tuổi: 3,1-6,0 mg/dL hay 1,00-1,95 mmol/L 4-6 tuổi: 3,3-5,6 mg/dL hay 1,05-1,80 mmol/L 7-9 tuổi: 3,0-5,4 (0,95-1,75 mmol/L 10-12 tuổi: 3,2-5,7 mg/dL hay 1,05-1,85 mmol/L 13-15 tuổi: 2,9-5,1 mg/dL hay 0,95-1,65 mmol/L 16-18 tuổi: 2,7-4,9 mg/dL hay 0,85-1,60 mmol/L Người trưởng thành (theo Grennberg B 1960 [3]): 2,6-4,5 (0,84-1,45 mmol/L) Cách chuyển đổi đơn vị: mg/dL × 0,3229 = mmol/L.

5. Ý nghĩa lâm sàng

5.1. Phospho huyết thanh tăng Sự tăng phospho trong huyết thanh có thể là do hoặc liên quan với: - Suy thận - Bệnh gan - Suy tuyến cận giáp - Đái tháo đường nhiễm ceton acid (khi xuất hiện lần đầu) - Tăng do chế độ ăn uống (bổ sung phospho) (Econs MJ 1992 [2]).

5.2. Phospho huyết thanh giảm Sự giảm phospho máu mức độ vừa phải thường gặp ở các bệnh nhân nằm bệnh viện, đặc biệt là ở khoảng 30% các bệnh nhân sau phẫu thuật. Sự giảm phospho máu nặng khi mức độ phospho huyết thanh giảm < 1 mg/dL hay 0,32 mmol/L hiếm gặp, chỉ chiếm 1-2/ 1000 các bệnh nhân nằm bệnh viện. Mức độ phospho trong máu giảm có thể là do hoặc liên quan với: - Tăng canxi máu, đặc biệt là do cường cận giáp - Lạm dụng thuốc lợi tiểu - Suy dinh dưỡng - Nghiện rượu - Bỏng nặng - Đái tháo đường nhiễm ceton acid (sau khi điều trị) - Suy giáp - Hạ kali máu - Sử dụng thuốc kháng acid mạn tính - Bệnh còi xương và loãng xương (do thiếu hụt vitamin D) (Crook M 1997 [1], Paterson CR 1992 [4]) Một số điều cần chú ý Mức độ phospho máu cao có thể dẫn đến bệnh tim mạch hoặc loãng xương. Đôi khi, sự tăng mức độ phospho máu có thể dẫn đến các tổn thương cơ quan do vôi hóa, lắng đọng canxi phosphat trong các mô. Mức độ phospho máu ở trẻ em thường cao hơn ở người lớn vì xương của chúng đang phát triển mạnh. Mức độ phospho thấp ở trẻ em có thể hạn chế sự phát triển xương và mức độ cao có thể là dấu hiệu của một tình trạng mất cân bằng về khoáng chất của cơ thể. Mức độ phospho máu và nước tiểu có thể bị ảnh hưởng khi sử dụng các dung dịch thụt tháo hoặc thuốc nhuận tràng có chứa sodium phosphate, bổ sung quá nhiều vitamin D trong chế độ ăn hoặc do tiêm truyền glucose tĩnh mạch. Chuyển hóa phospho thường có liên quan với chuyển hóa canxi nên nếu bệnh nhân có một mức độ canxi máu bất thường, cần kiểm tra mức độ Phospho máu.

Kết luận

1. Phospho còn được gọi là phosphate, các xét nghiệm có liên quan đến phospho gồm: canxi; các điện giải, vitamin D, PTH và magiê.

2. Photpho có vai rất quan trọng trong tổng hợp các thành phần chủ yếu của tế bào như protein, carbohydrate, phospholipid, sản sinh năng lượng, co cơ, dẫn truyền thần kinh, tạo xương, …

3. Xét nghiệm phospho máu thường được sử dụng cùng với các xét nghiệm khác như canxi, PTH, vitamin D và phospho nước tiểu để giúp chẩn đoán, theo dõi điều trị các bệnh có thể gây ra sự mất cân bằng phospho và canxi.

4. Xét nghiệm phospho thường được chỉ định cùng với các xét nghiệm khác, đặc biệt là canxi, khi có sự bất thường về canxi máu và có triệu chứng về rối loạn canxi, rối loạn tiết niệu hoặc tiêu hóa để theo dõi hiệu quả điều trị các rối loạn này.

5. Phospho máu có thể tăng trong suy thận, bệnh gan, suy cận giáp, đái tháo đường nhiễm acid; có thể giảm trong tăng canxi máu, cường cận giáp, lạm dụng thuốc lợi tiểu, suy dinh dưỡng, bỏng nặng, còi xương, loãng xương, …

Tài liệu tham khảo

1. Crook M. Importance of phospho detemination. JIFCC 1997; 9: 110-117.

2. Econs MJ, Drezner MK. Bone disease resulting from inherited disorders of renal tubular transport and vitamin D metabolism. In: Coe FL. Favus MJ, eds, Disorders of bone and mineral metabolism. New York: Raven, 1992: 935-976.

3. Grennberg B, Winters RW, Graham JB. The normal range of serum inorganic phosphorus and its utlity as a discriminant in the diagnosis of congentinal hypophosphomia. J Clin Endocr Metab 1960: 20: 364-379.

4. Paterson CR, Naismith KI, Young JA. Severe unexprlained hypophosphomia. Clin Chem 1992; 38: 104-107.

5. Soldin SJ, Hicks JM, eds. Pediatric reference ranges. Washington: AACC Press, 1995: 110.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.